Huyện Đại Lộc siết chặt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản

Thứ Hai, 15/08/2022, 16:07

Ngày 15/8, UBND huyện Đại Lộc (Quảng Nam) cho biết, từ đầu năm đến nay đã đề nghị UBND tỉnh cấp giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản cho 3 dự án (1 mỏ đất san lấp, 1 mỏ đá xây dựng và 1 mỏ cát, sỏi); lập hồ sơ trình UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đấu giá quyền khai thác khoáng sản 2 mỏ đất san lấp tại Đại Nghĩa.

Tính đến nay, trên địa bàn huyện Đại Lộc có 11 doanh nghiệp đang hoạt động khai thác khoáng sản theo giấy phép được cấp. Các doanh nghiệp đang hoạt động khai thác khoáng sản đã lập bản cam kết trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động khai thác khoáng sản, cam kết về lắp đặt camera giám sát (dữ liệu đầu ghi lưu trữ phải đảm bảo thời gian ít nhất 45 ngày kể từ khi kiểm tra) và trạm cân, đồng thời cung cấp đường truyền, dữ liệu cho UBND huyện và cơ quan chức năng và địa phương nơi có mỏ khoáng sản.

Công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác và quản lý khoáng sản sau cấp phép luôn được UBND huyện Đại Lộc chú trọng, chỉ đạo thực hiện thường xuyên và UBND huyện cũng đã ban hành Công văn 1681/UBND-TNMT ngày 27/4/2022 tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện.

Huyện Đại Lộc siết chặt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản -0
Phòng TN&MT huyện Đại Lộc và các ngành liên quan của huyện, UBND xã Đại Phong cùng Sở Xây dựng, Sở TN&MT, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam kiểm tra địa điểm nghiên cứu đầu tư xây dựng bến, bãi tập kết cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường tại xã Đại Phong.

Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, tiến hành 14 cuộc kiểm tra đối với 8 doanh nghiệp. Đặc biệt, khi tiếp nhận thông tin phản ảnh của người dân hoặc các cơ quan báo chí, UBND huyện kịp thời chỉ đạo Phòng TN&MT phối hợp với các ngành và địa phương liên quan nhanh chóng kiểm tra, chấn chỉnh các vi phạm.

Qua kiểm tra, đã kịp thời phát hiện các sai phạm, giao lại cho các địa phương xử lý theo quy định; đồng thời báo cáo kết quả giải quyết vụ việc về huyện để theo dõi, chỉ đạo. Bên cạnh đó, các ngành đã tham mưu UBND huyện ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản đối với 2 trường hợp, tổng số tiền phạt 160 triệu đồng.

Ngoài ra, UBND huyện Đại Lộc đã phối hợp với Đoàn kiểm tra của Sở TN&MT tỉnh tổ chức kiểm tra việc đóng cửa các mỏ khoáng sản hết thời hạn khai thác đối với 3 doanh nghiệp, làm việc, buộc cam kết lập hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt và đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi đất đai, môi trường đối với 13 doanh nghiệp trễ hạn kéo dài.

Từ nay đến cuối năm 2022, UBND huyện Đại Lộc tiếp tục yêu cầu các ngành và địa phương thực hiện nghiêm Quy chế phối hợp trong việc quản lý tài nguyên khoáng sản và môi trường.

Đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, hoạt động bến, bãi trên địa bàn. Kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản. UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản tại địa phương, xử lý theo quy định các trường hợp vi phạm.

Xây dựng kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường giai đoạn 2022 - 2025 và xây dựng kế hoạch để tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đất san lấp (2 vị trí mỏ) trên địa bàn huyện Đại Lộc sau khi được UBND tỉnh Quảng Nam chấp thuận chủ trương đầu tư.

Bên cạnh đó, huyện Đại Lộc cũng phối hợp với Sở TN&MT đôn đốc các doanh nghiệp lập thủ tục, tổ chức kiểm tra đóng cửa mỏ, giám sát việc cải tạo, phục hồi môi trường, đất đai đối với các mỏ khoáng sản sau khai thác theo quy định.

Ngọc Thi
.
.
.