Hoàn tất tái cấu trúc, Novaland cần thêm thời gian, nguồn lực chung tay đồng hành
Nhìn về chặng đường tái cấu trúc, Novaland đã có những chuyển biến tích cực với tổng doanh thu hợp nhất Quý 2/2024 là 7.056 tỷ đồng, doanh thu thuần từ bán hàng đạt gần 1.891 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ 2023 và lợi nhuận sau thuế gần 345 tỷ đồng.
Tuy nhiên, với những khó khăn còn tồn đọng về nguồn vốn, pháp lý, doanh nghiệp này cần thêm sự chung tay từ nhiều bên để đẩy nhanh quá trình tháo gỡ pháp lý, tiếp tục thực hiện cam kết với khách hàng.
Tái khởi động dự án, từng bước phục hồi sức sống cho các đại đô thị
Vừa qua, các dự án trung tâm Tp.Hồ Chí Minh như Sunrise Riverside, Victoria Village… đã bắt đầu trao giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ và bàn giao nhà cho cư dân từ nay đến cuối năm...Không chỉ nỗ lực giữ nhịp thi công và hoàn thiện tiện ích tại các công trường, số còn lại vẫn đang tiến hành các bước pháp lý cuối cùng, tiến tới mục tiêu xây dựng và bàn giao 2.600 sản phẩm trong nửa cuối năm 2024.
Bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan chức năng, Novaland đã nhận được nhiều sự đồng hành của các đối tác, tái khởi động các dự án, phối hợp tổ chức nhiều sự kiện, đem lại sức sống cho các khu đô thị. Đầu tháng 8 vừa qua, hàng loạt công trình tiện ích, các phân khu, phân kỳ của dự án NovaWorld Ho Tram, Aqua City đã được tái khởi công xây dựng. Còn tại dự án NovaWorld Phan Thiet, chuỗi sự kiện sôi nổi được diễn ra suốt mùa hè này nhằm góp phần thu hút du lịch và tạo công ăn việc làm, thúc đẩy kinh tế địa phương.
Khách quan mà nói, kết quả này sau gần 18 tháng nỗ lực tái cấu trúc còn chậm hơn dự kiến so với nội tại của doanh nghiệp. Mặc dù nhận được nhiều sự đồng hành của các đối tác trong và ngoài nước, Novaland vẫn còn nhiều tồn đọng về thanh khoản, tiến độ hoàn thiện pháp lý chưa thể xử lý triệt để như: Aqua City chưa hoàn tất việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung TP Biên Hòa khu C4, NovaWorld Phan Thiet đang chờ xác định giá đất cụ thể làm cơ sở tính tiền thuê đất… Điều này dẫn đến nhịp triển khai thi công các dự án chưa được nhanh như kỳ vọng và dòng tiền thu về từ việc bán hàng còn hạn chế do sụt giảm niềm tin khách hàng.
Nói về khó khăn chung này, ông Lê Hồng Khang, Giám đốc phân tích và xếp hạng tín nhiệm FiinRatings cho biết, đ phần các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) phải đối mặt với hai bài toán lớn: Thứ nhất là khả năng tiếp cận nguồn vốn khó khăn hơn nhiều so với trước đây, từ các hợp đồng hợp tác đầu tư, từ người mua nhà, trái phiếu, vay ngân hàng… Thứ hai, khi pháp lý chưa được tháo gỡ, nhiều dự án ách tắc dài khiến chi phí đội lên 20 - 30% so với ban đầu, ảnh hưởng năng lực tài chính của chủ đầu tư, buộc phải chuyển nhượng hoặc hợp tác đầu tư. Ông Khang cho rằng: “Tiến độ phục hồi của thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp vẫn chịu áp lực lớn. Do đó, không chỉ thông thoáng về pháp lý, cần có giải pháp cho vấn đề nội tại của doanh nghiệp, đó là xử lý tận gốc các vấn đề tài chính, nợ đọng còn tồn tại".
Cần nhiều sự đồng hành hơn nữa để đẩy nhanh quá trình phục hồi
Nói về việc các doanh nghiệp BĐS nỗ lực tái cấu trúc, đại diện nhà đầu tư đang khai thác cho thuê tại NovaWorld Phan Thiet chia sẻ: “Dù tiến độ có chậm hơn dự kiến, những chính sách đưa ra chưa được như mong muốn nhưng trước khó khăn hiện tại, tôi vẫn đánh giá cao những phương án hài hòa lợi ích mà Novaland đã đồng hành, cũng như những nỗ lực để tiếp tục xây dựng và bàn giao nhà, đầu tư các hoạt động, tiện ích để các đô thị thêm sức sống.…Tuy nhiên, tôi rất e ngại việc khách hàng tụ tập biểu tình hay khiếu kiện tại các cơ quan ban ngành, khiến quá trình phê duyệt pháp lý dự án cũng như gia tăng giá trị BĐS bị chậm lại”.
Một chuyên gia kinh tế cho hay, “Tôi cảm thông cho tâm lý khách hàng bởi những ách tắc pháp lý khiến niềm tin thị trường sụt giảm. Tuy nhiên, BĐS là một trong những ngành trụ cột, có đóng góp lớn cho GDP và cần nhiều bên đồng hành để tháo gỡ khó khăn chung”. Việc tụ tập đông người, khiếu kiện kéo dài…sẽ gây ảnh hưởng an ninh chính trị xã hội, đi ngược lại nỗ lực chung của Chính phủ, cơ quan ban ngành cùng những kết quả khả quan thời gian qua. Điều cần làm trước mắt là tiếp tục đồng hành để doanh nghiệp thêm động lực thực hiện cam kết với khách hàng, khôi phục niềm tin nhà đầu tư.
“Chúng tôi đã đi được 80% chặng đường và vẫn luôn ý thức được rằng, phía trước sẽ vất vả hơn, áp lực và thách thức nhiều hơn. Với chúng tôi, Khách hàng luôn là ưu tiên trọng tâm và việc giữ cho công ty hoạt động liên tục là mục tiêu tiên quyết để tiếp tục thực hiện cam kết và giải quyết các yêu cầu thỏa đáng với khách hàng, đối tác. Do đó, Novaland xác định tái cấu trúc toàn diện là nhiệm vụ trọng tâm trong hành trình nỗ lực của mình vì cổ đông, vì khách hàng”, đại diện Novaland chia sẻ. Theo Novaland, để có thể hoàn tất công tác tái cấu trúc, bên cạnh sự đồng cảm của khách hàng thì sự chỉ đạo tháo gỡ pháp lý triệt để của Chính phủ, cơ quan ban ngành cũng như sự tiếp tục cơ cấu nợ, huy động vốn mới với các ngân hàng nhằm đẩy mạnh thi công các dự án dở dang sẽ giúp Novaland có dòng tiền thanh toán các khoản nợ đến hạn, giúp khách hàng có thể tiếp tục vay tiền mua nhà, người dân nhận nhà đúng hạn, tránh lãng phí nguồn lực xã hội. Bởi khi xử lý được công tác pháp lý và được các định chế tài chính liên quan ủng hộ thì doanh nghiệp này sẽ tập trung xây dựng bàn giao nhà, giải quyết được phần lớn câu chuyện về tài chính.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) cho biết, không chỉ Novaland, giai đoạn vừa qua, một số doanh nghiệp gần như tê liệt hoạt động, các dự án dừng lại, không triển khai. Hiện tại, sau những cố gắng rất mạnh mẽ của Chính phủ lẫn doanh nghiệp, “cả thị trường gồm doanh nghiệp, khách hàng, nhà đầu tư… đang lấy lại niềm tin, kỳ vọng cho chu kì mới tốt hơn. Như vậy, việc doanh nghiệp vững tâm vượt khó cùng chính sách hỗ trợ của từ Chính phủ đang tạo đà để BĐS hồi phục; dẫu chưa được như trước nhưng những nỗ lực này đáng ghi nhận. Sự tiếp tục đồng hành của các bên trong bối cảnh khó khăn càng tạo thêm niềm tin và hướng đến một thị trường bền vững”, ông Đính chia sẻ.