Hỗ trợ ngư dân an tâm đánh bắt hải sản mùa biển động
Những ngày gần cuối tháng 11 này, ngư dân các xã bãi ngang ven biển Thừa Thiên-Huế rủ nhau đi đánh bắt vùng biển gần bờ. Theo kinh nghiệm của ngư dân, sau những đợt mưa bão, áp thấp nhiệt đới, vùng biển gần bờ thường có nguồn hải sản dồi dào, có giá trị kinh tế cao.
Tuy nhiên, việc đánh bắt hải sản trong mùa biển động của ngư dân luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Để đảm bảo an toàn cho ngư dân, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cũng đã có nhiều hỗ trợ.
Cùng các ngư dân đẩy thuyền vượt sóng ra biển, ngư dân Nguyễn Văn Hiền (37 tuổi), ở thôn An Lộc, xã Quảng Công, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên-Huế) cho biết, do đang vào mùa mưa bão, thời tiết diễn biến thất thường nên những ngày qua biển động dữ dội. Thế nhưng, đây cũng là thời điểm vùng biển gần bờ xuất hiện nhiều cá khoai, cá bạc má, cá nục… nên khi trời vừa tạnh mưa, bớt gió thì ngư dân lại cho thuyền ra đánh bắt.
“Vào mùa này, gian nan nhất là việc đưa thuyền ra biển. Nếu trước đây, chỉ cần 10-15 phút là ngư dân đã có thể nổ máy cho thuyền lướt sóng thì những ngày này biển động mạnh, nhiều ngư dân cùng hợp sức đẩy, gánh thuyền và phải mất cả giờ đồng hồ thuyền mới ra biển được. Tuy nhiên khi đã ra được biển thì mỗi thuyền có thể đánh bắt cả tạ cá nục, cá khoai”, anh Hiền nói.
Theo các ngư dân ở xã Quảng Công, hải sản đánh bắt gần bờ có giá bán tương đối khá cao. Ví dụ như cá khoai được bán với giá 80.000-130.000 đồng/kg tùy loại; cá nục, bạc má từ 50.000-70.000 đồng/kg. Nếu “trúng đậm”, họ sẽ thu lợi vài triệu đồng trong mỗi chuyến biển là chuyện bình thường. Tuy nhiên, vào mùa biển động, không phải thuyền nào ra biển đánh bắt cũng thành công. Trong những ngày qua, vùng biển gần bờ 2 xã Quảng Công, Quảng Ngạn xảy ra 3 vụ chìm thuyền đánh cá do ngư dân vươn khơi lúc sóng to, rất may không có thiệt hại về người.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Truyền, Chủ tịch UBND xã Quảng Công cho rằng, vào mùa mưa bão năm nay, chính quyền xã đã cắt cử cán bộ phối hợp với Chi hội nghề cá và các thôn tiến hành kiểm tra phương tiện đánh bắt gần bờ của ngư dân. Những thuyền nào hư hỏng, xuống cấp, thiếu trang thiết bị như áo phao, phao cứu hộ sẽ nhắc nhở, cấm vươn khơi. Ngoài ra, lực lượng Công an xã, lãnh đạo các thôn còn tăng cường công tác tuyên truyền đến ngư dân, giúp bà con ngư dân nâng cao nhận thức đảm bảo an toàn khi vươn khơi vào mùa biển động. Còn các chủ tàu cá đánh bắt xa bờ, khi trò chuyện cũng tâm sự, mùa này ra khơi có nhiều tiềm ẩn rủi ro và nguy hiểm. Tuy nhiên, họ vẫn bám biển vươn khơi đánh bắt nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao.
Theo ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, ngoài việc thường xuyên theo dõi, cập nhật tin tức thời tiết và động viên ngư dân bám biển, lãnh đạo xã còn nhắc nhở các chủ tàu cá, ngư dân trên địa bàn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 khi đi biển và khi tàu cập cảng bán hải sản. Dù số lượng tàu cá tham gia đánh bắt vụ cá này ít, nhưng sản lượng hải sản các tàu khai thác được tương đối lớn và có giá trị cao. Nhờ thế nên từ đầu năm 2021 đến nay, tổng sản lượng hải sản đánh bắt của ngư dân toàn xã đạt gần 4.500 tấn và dự báo đến cuối năm sẽ vượt kế hoạch đề ra.
Thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên-Huế, toàn tỉnh có khoảng 450 phương tiện tàu, thuyền đánh bắt xa bờ và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá có công suất từ 90CV đến 1.100CV và hơn 2.000 phương tiện bãi ngang ven biển, đầm phá. Dù gặp khó khăn trong hoạt động đánh bắt mùa biển động nhưng ngư dân địa phương vẫn tích cực vươn khơi bám biển.
Ông Trương Văn Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết thêm, dù không có số liệu thống kê cụ thể nhưng hầu như năm nào địa bàn tỉnh cũng xảy ra một số vụ chìm tàu, thuyền gần bờ khi ngư dân đánh bắt vào mùa biển động. Mỗi khi xảy ra sự cố, các ngư dân thường hỗ trợ lẫn nhau và được sự ứng cứu kịp thời của các lực lượng chức năng nên hạn chế được thiệt hại. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho ngư dân, các đơn vị chức năng đã tăng cường phối hợp với chính quyền các xã ven biển tổ chức tuyên truyền, cảnh báo đến ngư dân, đồng thời kiểm tra các phương tiện đánh cá hoạt động gần bờ và xa bờ.
Đối với những phương tiện thiếu trang thiết bị cứu hộ, phao cứu sinh, thông tin liên lạc… chủ phương tiện sẽ bị cấm vươn khơi hoặc bị xử phạt hành chính tùy theo mức độ vi phạm.