Hỗ trợ lãi suất: Vốn phải đến đúng đích

Thứ Hai, 27/09/2021, 06:12

Dịch bệnh leo thang, nền kinh tế đình trệ, doanh nghiệp (DN) gặp muôn vàn khó khăn. “Cứu” DN bằng cách cấp “oxy tín dụng” là biện pháp đang được cân nhắc hàng đầu. Tuy nhiên, với gói hỗ trợ lãi suất, quan trọng nhất là vốn phải đúng và trúng.

Đây cũng là chủ đề được bàn thảo tại đối thoại chuyên đề: “Gói hỗ trợ lãi suất: Vốn phải đến đúng đích” theo hình thức trực tuyến do VnEconomy tổ chức.

Ngày 16/9, tại một phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình  Huệ gợi ý: cần có gói hỗ trợ lãi suất trên 2 nghìn tỷ để tạo ra dư nợ trên 60 nghìn tỷ nhằm giúp DN vượt qua đại dịch COVID - 19. Theo tính toán, khoảng 2.400 tỷ đồng ngân sách hỗ trợ với lãi suất 4%, thì có thể huy động tới 60 nghìn tỷ đồng cho nền kinh tế.

hdb5.jpg -0
Cần có quy chế riêng cho gói hỗ trợ lãi suất “cứu” doanh nghiệp.

Đặc biệt và ý nghĩa hơn ở chỗ chính sách này về tổng thể sẽ giúp gia tăng phúc lợi xã hội; bởi doanh nghiệp “ốm” thì người lao động “yếu”; ngược lại, DN “sống” thì người lao động có việc làm.

Chia sẻ tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, Chủ tịch Quốc hội đề xuất đưa ra gói hỗ trợ trên 2.000 tỷ đồng, tương đương 60.000-65.000 tỷ đồng dư nợ. Nhưng dự kiến gói này sẽ tăng lên khoảng 3.000 tỷ đồng, tương đương quy mô dư nợ hơn 100.000 tỷ đồng, lãi suất khoảng 3-4%/năm để hỗ trợ người dân, DN.

Tuy nhiên, từ góc độ chuyên gia, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh lại cho rằng quy mô 3.000 tỷ đồng không đủ để tạo sức bật cho nền kinh tế phục hồi. Cũng theo ông Nghĩa, trong đợt dịch này, tổn thất về tài chính cho ngân sách cũng như ngân hàng trên toàn thế giới là chưa từng có trong lịch sử, tổn thất vô cùng nặng nề.

“Nếu tài trợ qua ngân hàng thì phải tài trợ trực tiếp bằng việc cho vay mới. Những DN gặp khó khăn thì họ đã không đủ điều kiện để vay ngân hàng, đã có nợ xấu, không có tài sản đảm bảo. Nếu chúng ta chỉ hỗ trợ lãi suất thì không giải quyết được với họ, vì họ không được vay ngân hàng. Ở một số nước thành lập nhóm ngân hàng tài trợ trực tiếp cho các DN bằng cách cho vay tín chấp, có thể có bảo lãnh hoặc không.

Tạo ra một luồng tín dụng mới cho những DN không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng”, ông Nghĩa góp ý. Vị chuyên gia bày tỏ, ủng hộ việc thực hiện một gói hỗ trợ lãi suất nhưng bằng cách dùng chính sách của NHNN để tạo điều kiện giảm lãi suất, “cùng với đó là bảo đảm nguồn lực bằng cách phát hành trái phiếu hoặc sử dụng nguồn dự trữ ngoại tệ”- ông Nghĩa đề xuất .

Từ góc độ DN, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) rất mong chờ gói giảm lãi suất nhưng bày tỏ nghi ngại vì hiện nay việc giảm lãi suất vẫn còn triển khai chậm, nhiều ngân hàng “lình xình” như “mắc dây thun”.

Thừa nhận điều này, ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng điều đáng lo ngại nhất chính là làm thế nào để DN tiếp cận được. Nếu theo luật thì các DN tiếp cận được rất ít: Một là không có nợ xấu, hai là có doanh thu, ba là có lợi nhuận, bốn là có tài sản đảm bảo.

“Thế này thì các hãng hàng không đứng ngoài hết, nên nếu muốn tạo ra khuôn khổ pháp lý để giúp các DN thực sự khó khăn thì phải có một quy chế đặc biệt dùng cho gói cứu trợ này, để không ảnh hưởng tới các tổ chức tín dụng. Trong gói đặc biệt này có 1 quy chế riêng cho nó, kéo dài trong 1 thời gian, hết hạn là kết thúc ngay”, ông Nghĩa đề xuất.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng cho rằng, tất cả DN đều bị ảnh hưởng do dịch bệnh, ảnh hưởng tới doanh thu, kết quả kinh doanh không bảo đảm. Nhưng điều kiện cho vay của ngân hàng là không đổi, vậy làm thế nào để nhận được gói hỗ trợ giảm lãi suất?

Ngân hàng không thể tự ý giảm chuẩn được, muốn giảm chuẩn phải có một quy chế cho phép họ làm điều đó. Còn về đối tượng, ông Hùng cho rằng không nên phân biệt đối tượng được hưởng, mà nên hỗ trợ một cách bình đẳng, vì nếu chọn cách hỗ trợ theo ngành thì sợ không bình đẳng, không đáp ứng được việc Chính phủ muốn tạo điều kiện phục hồi cho các DN.

Từ phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Tuấn Anh cho rằng khi xây dựng cơ chế chính sách, chúng ta phải tính toán tới 2 mục tiêu. Mục tiêu quan trọng nhất là ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Không đảm bảo được 2 mục tiêu này thì các chính sách được đưa ra có thể sẽ không tích cực, thậm chí còn phản ứng ngược, gây tác hại lớn cho nền kinh tế. Vì vậy, tới đây ngành ngân hàng tiếp tục phối hợp với các Bộ, ban, ngành để xây dựng những kịch bản, chương trình để triển khai gói hỗ trợ này.

Hà An
.
.
.