Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch COVID-19

Thứ Tư, 09/02/2022, 06:47

Một tín hiệu khả quan cho sự phát triển doanh nghiệp (DN) năm 2022 khi ngay tháng đầu tiên của năm mới, tổng số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động trên cả nước đạt 32.100 DN. Tình hình hiện đang trên đà cải thiện, hứa hẹn sự bứt phá. Yêu cầu đặt ra cho năm 2022 là tích cực hỗ trợ doanh nghiệp ngay từ đầu năm, với sự vào cuộc đồng bộ cũng như xác định mục tiêu cụ thể để thúc đẩy nền kinh tế phục hồi nhanh hơn...

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư - KH&ĐT), tháng 1/2022, cả nước có 13 nghìn DN thành lập mới, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đăng ký của DN thành lập mới là 192,3 nghìn tỷ đồng. Số lao động đăng ký đạt gần 77,1 nghìn lao động, tăng 10,5% về số lao động so với tháng trước.

Theo đánh giá của các chuyên gia, một trong những động lực cho DN quay trở lại hoạt động và thành lập mới tăng mạnh là nhờ việc Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, cộng đồng có chương trình hỗ trợ với nhiều ưu đãi.

Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch COVID-19 -0
Thực hiện hiệu quả các chính sách, giải pháp hỗ trợ tăng tính thanh khoản cho doanh nghiệp.

Cụ thể, với chính sách hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh, nghị quyết được thông qua sẽ hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40.000 tỷ đồng cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, có khả năng phục hồi. Cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê và thuê mua, cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch tối đa 300 tỷ đồng.

Cùng với đó, vào thời điểm đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.

Mục tiêu là cải thiện chất lượng, nâng cao thứ hạng các chỉ số môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh đồng bộ với cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính.

Năm 2022, Bộ Tài chính cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là những thủ tục liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp; thủ tục hành chính nội bộ giữa cơ quan nhà nước; tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính, số hóa kết quả giải quyết thủ tục…

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương- CIEM) cho rằng, dư địa cho cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian tuân thủ cho DN vẫn còn nhiều và cần được tận dụng tối đa để hỗ trợ DN.

Đặc biệt, cần phát hiện kịp thời, xóa bỏ tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong quy định có thể gây ảnh hưởng đến sự ra đời, phát triển của DN. Theo Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Lê Văn Quân, năm 2022, Hà Nội tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ DN thành lập mới và tích hợp các dịch vụ tiện ích trong quy trình thực hiện thủ tục về đăng ký kinh doanh, hỗ trợ DN; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN khởi nghiệp.

Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, quy hoạch, xây dựng, đất đai...

Trong khi đó, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, đến nay 100% thủ tục hành chính (114 thủ tục) của Sở đã được cung cấp dịch vụ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Tuy nhiên, tỷ lệ người dân và DN tiếp cận còn chưa cao, do đó Sở sẽ tiếp tục tuyên truyền trên môi trường điện tử, giúp giảm thiểu thời gian, chi phí thực hiện. Định kỳ 3 tháng tổ chức đối thoại về cải cách hành chính để giải quyết vướng mắc của DN.

Về các giải pháp trọng tâm hỗ trợ DN, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của dịch COVID-19, hỗ trợ DN ổn định sản xuất, kinh doanh, hồi phục và tạo đà phát triển trong thời gian tới, Bộ KH&ĐT đã tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ nhiều giải pháp trọng tâm hỗ trợ DN và sẽ được triển khai thực hiện trong Chương trình phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023.

Cụ thể, là thực hiện hiệu quả các chính sách, giải pháp hỗ trợ tăng tính thanh khoản cho DN. Theo đó, tiếp tục thực hiện chính sách giãn, hoãn thời gian nộp thuế; giảm thuế, phí, các khoản phải nộp; cắt giảm chi phí. Thực hiện chính sách cấp bù lãi suất cho các DN trong những ngành nghề bị tác động mạnh bởi dịch bệnh COVID-19 và những nhóm ngành trọng tâm ưu tiên phát triển để tạo đà phục hồi cho kinh tế...

Lưu Hiệp
.
.
.