Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Halal
Tại “Diễn đàn hợp tác và phát triển về lĩnh vực sản xuất thực phẩm Halal trong khối ASEAN” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) chủ trì tổ chức ngày 31/10, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, việc đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu (XK), khai thác thị trường mới còn nhiều dư địa được coi là chìa khóa vàng để đẩy mạnh XK của Việt Nam, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của đất nước”.
Thị trường Halal toàn cầu là một trong những thị trường có tiềm năng rất lớn xét về quy mô và mức tăng dân số, mức chi tiêu, sự đa dạng về lĩnh vực cũng như triển vọng tăng trưởng trong tương lai. Hiện nay, có hơn 2 tỷ người Hồi giáo sinh sống tại 112 quốc gia, trong đó có 57 quốc gia là thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), chiếm 25% dân số thế giới. Đặc biệt, người dân theo đạo Hồi chiếm số đông ở khu vực châu Á (62%) nhất là trong khối ASEAN, riêng Indonesia có tỷ trọng lớn dân số theo đạo Hồi. Theo báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), chi tiêu cho thực phẩm Halal của cộng đồng Hồi giáo toàn cầu ngày càng tăng cao, dự kiến đạt 1.900 tỷ USD vào năm 2024 và 15.000 tỷ USD vào năm 2050. Không những thế, việc phát triển ngành Halal sẽ thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực, dịch vụ đi kèm. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Việt Nam thu hút các nhà đầu tư, du khách Hồi giáo đến kinh doanh và du lịch tại Việt Nam.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh (FFA) nhìn nhận, thị trường Halal đầy tiềm năng nhưng cũng không ít thách thức. Ngành công nghiệp thực phẩm Halal có quy mô lớn và tiềm năng tăng trưởng cao, nhưng thực tế các doanh nghiệp (DN) thực phẩm XK vào thị trường này còn rất khiêm tốn, chỉ mới bước đầu khai phá. Sản phẩm XK chủ yếu là nông, thủy sản nhưng ở dạng thô, sơ chế, và chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng cơ cấu các mặt hàng XK. Mặc dù năng lực XK và thương hiệu ở top 20 thế giới, nhưng Việt Nam chưa có tên trong danh sách 20 - 30 nước cung cấp thực phẩm Halal tiêu biểu của toàn cầu. Bình quân, mỗi năm Việt Nam có khoảng 50 DN được cấp chứng nhận Halal với các sản phẩm chủ yếu là hải sản, đồ uống, bánh kẹo, đồ ăn chay, đây là con số khá thấp so với tiềm năng. “Tuy nhiên, ngành công nghiệp Halal đang là một trong những xu hướng trên thị trường thế giới và giữa bối cảnh XK sụt giảm, các DN hội viên của FFA đã chủ động, linh hoạt về sản xuất cũng như đa dạng thị trường XK, thay vì phụ thuộc vào một vài thị trường và thị trường các nước Hồi giáo được DN kỳ vọng sẽ bù đắp phần thiếu hụt này”, bà Lý Kim Chi cho biết.
Vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan để xây dựng 4 tiêu chuẩn quốc gia - TCVN về lĩnh vực Halal (Thực phẩm Halal - Yêu cầu chung; Thực hành nông nghiệp tốt đối với cơ sở sản xuất Halal; Thức ăn chăn nuôi về Halal; Thực phẩm Halal - Yêu cầu đối với giết mổ động vật). Đây là một bước ngoặt quan trọng sau khi Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030" đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Hoạt động này đã hình thành tiêu chuẩn chung, là tiền đề để phát triển các quy chuẩn Halal Việt Nam phù hợp với Halal toàn cầu.