Hàng Việt sẽ chiếm ưu thế trong Tết Giáp Thìn 2024

Thứ Bảy, 23/12/2023, 06:35

Đến thời điểm này, hàng hoá phong phú, dồi dào, các siêu thị, trung tâm thương mại đã dự trữ sẵn hàng Tết để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và có ưu đãi, giảm giá với nhiều mặt hàng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết Giáp Thìn 2024 đang đến gần.

Nguồn cung hàng Tết 2024 dồi dào

Theo Bộ Công Thương, thị trường trong nước là điểm sáng của nền kinh tế khi tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước tăng 9,6% so với năm 2022, vượt mục tiêu kế hoạch của ngành (mục tiêu tăng 8-9%). Đây là động lực quan trọng, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế vĩ mô.

319060832_3297234877273322_8646794200036682861_n.jpeg -0
Nguồn hàng phục vụ dịp Tết rất dồi dào, thoải mái để người dân mua sắm.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 11 tháng năm 2023, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 4.420 nghìn tỷ đồng, chiếm 78% tổng mức và tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 6,8%); doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 34 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng mức và tăng 50,5% so với cùng kỳ. Đạt được kết quả nêu trên, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, có sự chủ động từ đầu năm của các bộ, ngành liên quan trong việc ban hành các chính sách tài khoá-tiền tệ. Điển hình như chính sách tài khoá giảm 2% thuế GTGT, góp phần giúp doanh nghiệp (DN) phục hồi sản xuất, duy trì việc làm cho người lao động, kích thích tiêu dùng.

Về công tác phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đại diện Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, đang tích cực làm việc với các địa phương về chuẩn bị nguồn hàng phục vụ cuối năm và dịp tết 2024. Trên thực tế, nguồn hàng phục vụ dịp Tết rất dồi dào, không chỉ về số lượng mà còn phong phú chủng loại. Thậm chí, nguồn cung rất nhiều nên các thành phố lớn đang đẩy mạnh kích cầu để tăng sức mua. Theo đó, ngành công thương Hà Nội đã lên phương án dự trữ lượng hàng hóa trị giá 40.900 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết năm 2023. Trong đó ưu tiên hàng Việt Nam và đặc sản vùng, miền. Cụ thể, TP Hà Nội dự trữ 58.500 tấn thịt lợn, 292.000 tấn gạo, 19.500 tấn gia cầm, 16.200 tấn thịt bò, 390 triệu quả trứng, 325.500 tấn rau củ, 16.260 tấn thủy sản, 16.260 tấn thực phẩm chế biến, 1.500 tấn bánh kẹo…

Tại TP Hồ Chí Minh, các đơn vị chức năng đã chuẩn bị trên 22.000 tỷ đồng để chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Giáp Thìn 2024, trong đó trên 8.500 tỷ đồng chuẩn bị hàng hóa bình ổn thị trường. Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, hiện nay, có 45 DN tham gia cung ứng, phân phối các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán và là đầu mối của nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa từ sản xuất đến lưu thông, phân phối.

Cùng với đó, một số các siêu thị lớn ở Hà Nội như: WinMart, AEON, Hapro/BRG Mart… cũng đang tích cực ký kết hợp đồng dự trữ hàng hóa phục vụ trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Đông cho biết, hệ thống siêu thị Co.op Mart toàn quốc đang tích cực chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết với tiêu chí sản phẩm phong phú nhưng có giá ổn định, cùng nhiều ưu đãi. Năm nay, lượng hàng tại hệ thống siêu thị tăng khoảng 30% so với cùng kỳ và tăng 50% so với ngày bình thường. Đại diện Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cũng cho biết, để đảm bảo nhu cầu cho người dân Thủ đô, đơn vị đang triển khai kế hoạch đảm bảo cung ứng hàng hoá đa dạng, đầy đủ, tổng lượng hàng hóa dự trữ ước đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, trong đó đã bao gồm lượng hàng hóa các đơn vị tham gia Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP Hà Nội.

Hàng ngàn sản phẩm giảm giá sâu từ 20 - 49%

Theo đại diện của chuỗi siêu thị bán lẻ thực phẩm của Central Retail Việt Nam gồm: GO!, Big C, Tops Market, chuỗi đã bắt đầu tung ra loạt chương trình khuyến mãi hấp dẫn, nhằm đem đến cho người tiêu dùng một cái Tết đủ đầy, sung túc, không lo về giá. Cụ thể, với các nhóm hàng bánh, kẹo, mứt… hàng Việt chiếm trên 95%, trong đó chủ yếu là các nhãn hiệu nổi tiếng như: Kinh Đô, Trung Nguyên, Phạm Nguyên, Vinamit, Bibica, Hải Hà, Richy… Ngay sát Tết Dương lịch, Central Retail sẽ triển khai chương trình "Vui Tết Việt", giảm giá sâu từ 20 - 49% áp dụng với hàng ngàn sản phẩm bánh kẹo, mứt Tết và các sản phẩm thiết yếu khác… Các mặt hàng OCOP khác cũng được ưu tiên bày bán ở các vị trí đẹp trong siêu thị. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ áp dụng chương trình "Khóa Giá" đối với hơn 10.000 sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh (không áp dụng cho mặt hàng rau củ quả, thực phẩm tươi sống, thực phẩm đông lạnh, bia rượu, sữa và sản phẩm từ sữa). Như vậy, trong 6 tuần trước Tết, Central Retail cam kết sẽ giữ giá cố định như đã niêm yết đối với hơn 10.000 sản phẩm này. Central Retail dự báo sức mua dịp Tết Giáp Thìn 2024 sẽ tăng, do đó công ty đã hoạch định số lượng hàng hóa dự trữ phục vụ Tết Giáp Thìn 2024 tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, MM Mega Market (Việt Nam) tăng 20%-30% tổng lượng dự trữ hàng hóa cho Tết. Nhà bán lẻ này vẫn liên tục làm việc với nhà cung cấp để cân đối nguồn hàng, mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm chất lượng với giá cả bình ổn nhất. Bên cạnh đó, MMVN triển khai hàng loạt chương trình khuyến mãi, áp dụng mức giảm từ 10-30% kéo dài xuyên suốt cuối năm đến lễ Tết nhằm kích cầu mua sắm, góp phần phục hồi thị trường sau những biến động kinh tế năm 2023.

Liên quan đến công tác đảm bảo nguồn hàng trên địa bàn Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hiện, toàn bộ các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dịp Tết đang được các DN sản xuất hối hả chuẩn bị và đưa đến các hệ thống phân phối. Các hệ thống phân phối đã đàm phán với các DN sản xuất về nguồn cung cũng như giá cả để chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ nguồn cung và dự trữ theo chỉ đạo của Sở Công Thương Hà Nội, nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cả trước, trong và sau Tết. 

Đối với hàng Việt, theo bà Trần Thị Phương Lan, những năm gần đây, các DN sản xuất trong nước, đặc biệt là các DN của TP Hà Nội đã nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của người dân thông qua Chương trình Bình chọn "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích" của TP Hà Nội. Do đó, các sản phẩm của DN đã tiếp cận trực tiếp và rất gần với người tiêu dùng Thủ đô. Bên cạnh đó, DN cũng chú trọng trong công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu, thiết kế các mẫu mã, bao bì, đóng gói phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng.

Để làm sao hàng hóa đến được với người tiêu dùng sử dụng một cách thuận tiện nhất, giá ưu đãi nhất, chất lượng tốt nhất. Đặc biệt, năm nay, tình hình nhập khẩu của thế giới còn gặp nhiều khó khăn. Các mặt hàng nhập khẩu khác được các DN đưa về để phân phối nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu của nhân dân nhưng chiếm tỷ trọng rất thấp trong tổng sản lượng hàng hóa để phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết này. Do đó, có thể khẳng định hàng Việt có thể chiếm lĩnh thị trường trong dịp Tết này.

Lưu Hiệp
.
.
.