Hàng loạt tồn tại ở nhiều dự án giao thông trọng điểm

Thứ Ba, 07/06/2022, 08:20

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến ngành. Trong báo cáo này, liên quan đến các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, người đứng đầu Bộ GTVT đã thừa nhận hàng loạt tồn taị về tiến độ, chất lượng công trình, đồng thời đưa ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông còn nhiều vướng mắc

Một trong hai dự án lớn được nhắc đến đầu tiên trong bản báo cáo của Bộ GTVT là Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Tồn tại đáng chú ý ở cả hai dự án này là công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu đắp nền đường và biến động giá vật liệu.

Cụ thể, tại Dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020, Chính phủ, Bộ GTVT đã có nhiều công điện chỉ đạo, các địa phương đã tích cực thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, do dự án xây dựng giao thông trải dài, qua nhiều địa phương, diện tích giải phóng mặt bằng, tái định cư lớn, quá trình thực hiện có nhiều vấn đề phát sinh (xác định đơn giá bồi thường; di dời mồ mả, hạ tầng kỹ thuật, đường điện; khiếu nại của người dân…). Từ năm 2019 đến nay vẫn còn vướng khoảng 0,655km chưa bàn giao mặt bằng và một số công trình hạ tầng kỹ thuật chưa di dời. Cùng đó, công tác khảo sát, điều tra, thỏa thuận với địa phương về mỏ vật liệu của tư vấn, ban quản lý dự án còn chưa sát với thực tế. Thủ tục cấp phép khai thác kéo dài; một số địa phương triển khai còn chậm; một số mỏ vật liệu đã được cấp phép nhưng chưa khai thác được do phải thực hiện thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, các thủ tục thuê đất, thực hiện các nghĩa vụ về thuế, phí kéo dài… Nhà thầu thi công cũng chưa quan tâm đúng mức để chủ động nguồn vật liệu trong quá trình đấu thầu và thực hiện hợp đồng.

Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết để tháo gỡ về nguồn vật liệu, đến nay đã cơ bản đáp ứng yêu cầu của dự án, hiện chỉ còn khoảng 3,2 triệu m3 chưa hoàn thành hồ sơ cấp giấy phép khai thác. Về vấn đề biến động giá vật liệu, thời gian qua, giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng có biến động lớn, đã gây khó khăn cho chủ đầu tư trong việc quản lý giá thành, quản lý chi phí đầu tư xây dựng; gây khó khăn cho nhà thầu trong việc triển khai thi công, đặc biệt đối với các gói thầu, dự án lớn như các dự án cao tốc dẫn đến nhà thầu có tâm lý thi công cầm chừng, chờ giá xuống, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công.

Tại Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353km) và Cần Thơ - Cà Mau (109km) đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài khoảng 729km, một số địa phương còn lúng túng trong công tác triển khai thực hiện. Theo kết quả khảo sát nguồn vật liệu xây dựng cơ bản đáp ứng nhu cầu của các dự án thành phần. Riêng đối với dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nguồn cát đắp bảo đảm chất lượng chủ yếu tập trung ở tỉnh An Giang và tỉnh Đồng Tháp. Trường hợp không bố trí đủ nguồn cung cấp (dự kiến năm 2023 cần khoảng 10 triệu m3 đất đắp, 6 tháng đầu năm 2024 cần 5,5 triệu m3) sẽ có thể ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án.

Trước các tồn tại nói trên, Bộ GTVT đã làm việc trực tiếp với UBND các tỉnh để chỉ đạo các sở, ngành và địa phương phối hợp với các ban quản lý dự án, tư vấn thỏa thuận về vị trí, trữ lượng mỏ vật liệu, bãi đổ thải, công bố giá vật liệu cũng như triển khai các thủ tục liên quan để có thể sớm khai thác vật liệu phục vụ cho dự án, đặc biệt là giải quyết khó khăn về nguồn cung cấp cát tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nghiên cứu giải pháp sử dụng cát biển để thay thế nếu bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật và môi trường. Đồng thời, Bộ đề nghị UBND các tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo Hội đồng giải phóng mặt bằng các quận, huyện triển khai ngay công tác giải phóng mặt bằng (lập kế hoạch sử dụng đất, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng; lập dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư…) trong phạm vi đã được bàn giao, không đợi đến khi phê duyệt dự án đầu tư mới triển khai thực hiện.

1.jpg -0
Phối cảnh sân bay Long Thành, một trong những dự án đang bị chậm tiến độ.

Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành: Vướng mặt bằng nên nhà thầu chưa phát huy hết năng lực

Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, Bộ GTVT gồm 4 dự án thành phần là Dự án thành phần 1 - Các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước (Hải quan, An ninh...); Dự án thành phần 2 - Các công trình phục vụ quản lý bay; Dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không; Dự án thành phần 4 - Các công trình khác (Hanga, Logistic…). Đối với dự án thành phần 1, ngoài trụ sở Cảng vụ hàng không (Bộ GTVT đã bố trí vốn), các trụ sở còn lại do kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn chưa được các Bộ chủ quản và UBND tỉnh phê duyệt, nên công tác chuẩn bị đầu tư còn chậm. Đối với dự án thành phần 3, phần mặt bằng khu vực san nền và khu vực dự trữ chưa được bàn giao toàn bộ, còn hiện tượng "xôi đỗ" nên nhà thầu chưa phát huy hết năng lực san nền trên toàn bộ dự án; tường rào ranh giới cho toàn bộ 5.000ha chưa được xây dựng nên tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn cũng như tái lấn chiếm. Đối với hạng mục đường công vụ chính (tuyến số 1 và số 2) mới đang kiểm đếm nên tiềm ẩn nguy cơ không có mặt bằng để triển khai khởi công vào tháng 12/2022 và ảnh hưởng đến tiến độ chung dự án.

Thời gian qua, mặc dù công tác tổ chức bộ máy, quản lý điều hành của ACV đã được kiện toàn, tuy nhiên, đây là dự án có quy mô lớn, công nghệ phức tạp cần tiếp tục rà soát tăng cường để bảo đảm phù hợp với quy mô của dự án, bảo đảm chất lượng, tiến độ. Dự án có yêu cầu về huy động vốn đầu tư lớn, đặc biệt trong bối cảnh biến động giá tăng cao nên cần xây dựng kế hoạch thu xếp và huy động vốn phù hợp cho dự án để bảo đảm tính khả thi.

Để bảo đảm tiến độ dự án hoàn thành theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo của Chính phủ đối với dự án để thống nhất trong công tác chỉ đạo và triển khai; Bộ GTVT cũng đã thành lập Ban chỉ đạo do 1 Thứ trưởng làm Trưởng ban để kịp thời đôn đốc thực hiện, bảo đảm tiến độ. Cùng đó, Bộ GTVT, chủ đầu tư (ACV) đã làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai để giải quyết vấn đề mặt bằng "xôi đỗ", đề nghị tỉnh Đồng Nai sớm bàn giao toàn bộ mặt bằng khu vực 4, 5 (khu trữ đất) và 14, 17, 18 (khu xây dựng) để không ảnh hưởng đến tiến độ công tác san nền và bàn giao toàn bộ mặt bằng của dự án trong tháng 6/2022 để xây dựng tường rào ranh giới bảo đảm an ninh, an toàn, chống lấn chiếm. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng yêu cầu các đơn vị xây dựng tiến độ tổng thể đối với các dự án thành phần để thống nhất chỉ đạo; thường xuyên họp kiểm điểm tiến độ thực hiện đối với các dự án thành phần, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai.

"Thúc" tiến độ dự án đường sắt Bắc - Nam 7.000 tỷ đồng

Bộ GTVT vừa có các văn bản yêu cầu chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu và đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các giải pháp thúc đẩy tiến độ các dự án đường sắt gói 7.000 tỷ vốn trung hạn 2016-2020. Theo Bộ GTVT, với sự nỗ lực của các ban QLDA, tư vấn giám sát và các nhà thầu, đến nay đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính của Dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang, được chủ đầu tư nghiệm thu hoàn thành 4/7 gói thầu (gói thầu số 9, 10, 22, 23); gói thầu số 12 đã thi công hoàn thành cơ bản (trừ phần phát sinh bổ sung sửa kiến trúc tầng trên đường sắt trong hầm).

Dự án Cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh đã được chủ đầu tư nghiệm thu hoàn thành 10/11 gói thầu (trừ cầu Hàm Rồng, cầu Hiệp Mỹ Km1375+077, cầu Ba Chân Km1228+912, cầu Rạch Cát Km 1699+245). Dự án Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh (Dự án Hà Nội - Vinh), đến nay các hạng mục công trình, gói thầu (trừ các hạng mục vướng mắc mặt bằng và liên quan đến hệ thống thông tin tín hiệu của ASTOM) đoạn Hà Nội - Vinh đã cơ bản hoàn thành và được chủ đầu tư nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng đảm bảo chất lượng, phát huy hiệu quả dự án. Tuy nhiên, đến nay các dự án còn có một số hạng mục công trình, gói thầu chậm tiến độ, chưa hoàn thành.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) của các địa phương chậm. Một số gói thầu chủ đầu tư chưa phối hợp hiệu quả, quyết liệt với chính quyền địa phương để giải quyết dứt điểm các tồn tại về GPMB. Các ban QLDA chưa thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư trong công tác chỉ đạo xử lý kỹ thuật tại hiện trường, chưa kịp thời xử lý các nhà thầu chậm tiến độ. Năng lực thi công của một số nhà thầu còn hạn chế.

Để hoàn thành các công việc còn lại theo kế hoạch, Bộ GTVT yêu cầu các ban QLDA thúc đẩy công tác GPMB và tiến độ thi công.

Nhật Uyên

Đặng Nhật
.
.
.