Hàng không Việt sẵn sàng đón khách du lịch
Ngày 15/3 Chính phủ cho phép mở cửa du lịch quốc tế. Song song với việc chuẩn bị mở tour đưa khách đi du lịch quốc tế, các doanh nghiệp cũng chuẩn bị các sản phẩm để đón khách quốc tế.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, tần suất các đường bay này sẽ được tăng dần theo lộ trình bảo đảm nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi đi lại trên cơ sở tuân thủ hướng dẫn về giám sát y tế nhập cảnh.
Ngày 14/3, thông tin từ hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết, thực hiện kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về việc mở lại các đường bay thường lệ quốc tế từ tháng 1/2022, đơn vị đã triển khai khai thác các đường bay thương mại thường lệ chở khách vào Việt Nam từ các thị trường như: Mỹ (4 chuyến/tuần), Nhật Bản (7 chuyến/tuần), Hàn Quốc (7 chuyến/tuần), Đài Loan (4 chuyến/tuần), Singapore (7 chuyến/tuần), Thái Lan (5 chuyến/tuần), Campuchia (4 chuyến/tuần), Lào (2 chuyến/tuần), Châu Âu (5 chuyến/tuần) và Úc (6 chuyến/tuần). Các đường bay này đã được mở bán rộng rãi và phục vụ tất cả hành khách đáp ứng các yêu cầu về quy định nhập cảnh, y tế của Chính phủ Việt Nam.
Sau khi chính phủ dỡ bỏ các hạn chế về tần suất bay quốc tế từ 15/2/2022, Vietnam Airlines đã khôi phục khai thác từ Malaysia 1 chuyến/tuần và Hồng Công 2 chuyến/tuần. Tiếp theo đó, để chuẩn bị cho việc mở cửa du lịch quốc tế từ sau 15/3/2022, Vietnam Airlines đã có kế hoạch mở rộng và tăng tần suất khai thác đến toàn bộ mạng bay thường lệ quốc tế. Trước mắt, từ cuối tháng 3/2022, Vietnam Airlines tăng tổng số chuyến bay lên 97 chuyến/tuần, khai thác tới hầu hết các sân bay thành phố lớn của các nước, mở rộng khai thác thêm các đường bay du lịch đến Singapore (Đà Nẵng – Sing 3 chuyến/tuần, Phú Quốc – Sing và Nha Trang – Sing 1 chuyến/tuần) từ 15/4/2022.
Đến tháng 7/2022, Vietnam Airlines tiếp tục khôi phục khai thác đến thị trường Trung Quốc (6 chuyến/tuần), Indonesia (3 chuyến/tuần) và các đường bay du lịch đến Đà Nẵng, Nha Trang từ các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, nâng tổng số chuyến bay quốc tế lên đến hơn 160 chuyến/tuần. Để đảm bảo việc khai thác các đường bay quốc tế, Vietnam Airlines kiến nghị việc cấp mới thị thực và bỏ các giấy phép con như trước khi dịch xảy ra, để Việt Nam là điểm đến an toàn hấp dẫn.
Trước triển vọng phục hồi của ngành Hàng không năm 2022, hãng hàng không Bamboo Airways cũng tiếp tục hướng tới mục tiêu khai thác 80 đường bay nội địa, 40 đường bay quốc tế, chiếm lĩnh 30% thị phần hàng không nội địa. Lãnh đạo hãng hàng không Bamboo Airways nhận định sau hơn hai năm bị “đóng băng,” thị trường hàng không và du lịch đang được dự đoán sẽ có sức bật như lò xo. Các nhu cầu đi lại để công tác, khám phá du lịch, đoàn tụ với người thân đang tăng mạnh sau thời gian dài bị “nén”.
Việc chính phủ đã quyết định mở lại các đường bay quốc tế từ ngày 15/2 và từ 15/3 mở lại toàn bộ du lịch, được coi là tiền đề quan trọng để ngành Hàng không Việt Nam tiến dần tới bình thường hoá hoàn toàn các hoạt động của mình, không bị chậm chân trong cuộc cạnh tranh với các hãng hàng không trong khu vực và thế giới có đường bay đi/đến Việt Nam. Ông Bùi Minh Đăng, Phó trưởng phòng Vận tải Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam đánh giá, với các động thái trên thì trong năm 2022, việc khôi phục lại hàng không, du lịch hoàn toàn không phải cơ hội nữa mà là hiện hữu.
Trên cơ sở có 20 quốc gia, vùng lãnh thổ mở cửa kết nối đường bay quốc tế với Việt Nam, với khoảng 30 đường bay, 30 hãng bay, ông Đăng cho biết: Cục Hàng không dự báo Việt Nam sẽ đón khoảng 8 triệu khách quốc tế, trong đó có 6 triệu khách du lịch trong năm nay.
Ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hàng không Việt Nam cho hay, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cũng đã dự đoán hàng không quốc tế sẽ bùng nổ trong năm 2022, tuy nhiên chỉ bằng khoảng 44% so với trước dịch bệnh. Điều này cho thấy thách thức rất lớn từ sự cạnh tranh của các hãng hàng không quốc tế và Việt Nam. Vì vậy, IATA cũng đã khuyến cáo việc mở cửa trở lại song Chính phủ các nước vẫn cần hỗ trợ các hãng hàng không.
“Chúng tôi xác định dịch bệnh chỉ kéo dài trong một thời điểm nhất định, không thể kéo dài mãi nên các hãng hàng không luôn chuẩn bị sẵn sàng để phục hồi và phát triển như trước dịch. Tuy nhiên, những thách thức đối với các hãng hàng không là không nhỏ, đòi hỏi sự nỗ lực của các doanh nghiệp cũng như sự hỗ trợ từ Chính phủ hay các địa phương”, ông Nề nói.