Hà Nội cam kết đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn
Để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, Cục Thuế TP Hà Nội đã thực hiện việc miễn, giảm, gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho trên 38.000 lượt doanh nghiệp, người nộp thuế, với tổng số tiền đã thực hiện là 22.600 tỷ đồng, sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người lao động tiếp cận gói tín dụng 1.050 tỷ đồng để phục hồi sản xuất.
Doanh nghiệp mong muốn gỡ “rào cản” thủ tục hành chính
Ngày 6/11, Thành ủy - UBND TP Hà Nội tổ chức chức hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội trong bối cảnh dịch COVID-19”. Tại Hội nghị, theo chia sẻ của nhiều DN, giải quyết các thủ tục hành chính vẫn đang là rào cản lớn đối với phần lớn các đơn vị.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hanel Mirolin Phạm Quang Anh, cho biết, đơn vị hiện đang gặp vướng mắc trong triển khai Dự án Cụm công nghiệp làng nghề Đại Thắng (huyện Phú Xuyên). “DN đã hoàn thành 100% giải phóng mặt bằng từ tháng 5/2021. Tuy nhiên, do vướng mắc về pháp luật nên dự án hiện vẫn chưa được giao đất. Ngay cả thủ tục cấp phép xây dựng cũng chưa rõ là thẩm quyền thuộc về Sở Xây dựng hay UBND huyện…”, ông Quang Anh chia sẻ.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse Nguyễn Xuân Phú cho rằng, TP cần đẩy nhanh tiến độ tiếp cận mặt bằng cho DN. Thực tế hiện nay DN muốn mở rộng sản xuất nhưng thủ tục cấp đất còn rất chậm.
Theo ông Phú, đơn vị đang mua lại một số DN trên địa bàn huyện Quốc Oai, nhưng lại gặp nhiều vướng mắc về luật để có thể xây dựng, mở rộng phạm vi đầu tư. Đây là vấn đề mà TP cần quan tâm, hỗ trợ tốt hơn cho các DN. Đại diện Tập đoàn Sunhouse cũng khuyến nghị giải pháp về thủ tục hành chính. Theo đó, TP cần nghiên cứu, tiến tới số hoá hệ thống giải quyết thủ tục hành chính để các DN có thể theo dõi thuận tiện. “Cần có sự phân quyền giải quyết gắn với trách nhiệm cụ thể” – ông Phú cho biết thêm.
Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Phú Mỹ Chu Đức Lượng cũng nêu bất cập, hiện có khoảng 10 bộ luật có xung đột pháp lý, khi áp dụng trong thực tiễn thì chưa hiệu quả. Ví dụ như nhóm luật: Đầu tư - Đất đai - Nhà ở…
Đây là vấn đề cần tháo gỡ ở cấp vĩ mô. Đối với TP, ông Lượng đề nghị cần tiếp tục nỗ lực nhiều hơn trong cải cách hành chính. “Hà Nội có đặc thù nhưng các khâu giải quyết thủ tục hành chính áp dụng như các tỉnh, thành. Tới đây, đề nghị Hà Nội cần số hoá cải cách thủ tục hành chính. Định lượng thời gian giải quyết thủ tục cho DN…”, ông Lượng khuyến nghị.
Ở khía cạnh liên quan, Giám đốc Công ty CP May 10 Thân Đức Việt, DN có nhiều lao động nữ, dây chuyền sản xuất công nghiệp, phân tán trên 9 tỉnh, TP trên cả nước. Trong bối cảnh dịch bệnh, đơn vị cũng bị ảnh hưởng lớn.
Đặc biệt, đơn vị có cơ sở y tế tương đương cấp huyện, nhưng chưa chủ động trong kiểm soát dịch. Do đó đề nghị Bộ Y tế có hướng dẫn đối với DN có y tế cơ sở để DN chủ động xử lý các ca mắc COVID-19, không làm gián đoạn sản xuất, kinh doanh. Liên quan đến vấn đề cải cách hành chính, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup Phạm Văn Khương cho rằng, điều các DN mong muốn là những cải cách, chuyển biến trong giải quyết thủ tục thực chất hơn; làm sao để DN nhận được văn bản trả lời trong thời gian sớm nhất. Các sở ngành cũng cần có mối liên thông trong làm việc, tránh kéo dài thời gian giải quyết thủ tục đến vài tuần, bởi thiếu thủ tục thì DN không làm gì được.
Phục hồi sản xuất gắn với các phương án phòng, chống dịch bệnh
Theo Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh, để chuẩn bị hội nghị, TP đã chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với các doanh nghiệp lấy ý kiến khảo sát của hơn 28.000 doanh nghiệp các quy mô, 250 kiến nghị cụ thể liên quan các lĩnh vực khác nhau, tập trung vào 11 nhóm vấn đề khó khăn vướng mắc cụ thể, như: Tiếp cận vốn; thực hiện các thủ tục hành chính; đất đai/mặt bằng sản xuất; không tiêu thụ được sản phẩm; không mua được nguyên liệu hoặc nguyên liệu giá cao; đảm bảo chế độ, bảo hộ người lao động trong chống dịch; phát sinh chi phí trong phòng, chống dịch; khó khăn trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ; thiếu nguồn lao động trở lại làm việc sau dịch; khó khăn chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh trong tình hình mới; lựa chọn sản phẩm tiềm năng có thể thay thế.
Trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP đề nghị, các sở, ngành, các quận, huyện, thị xã thuộc TP tiếp thu, chắt lọc để tham mưu ban hành cơ chế, chính sách cho TP, rà soát, giải quyết theo thẩm quyền. Đồng thời, đối với các chính sách thuộc thẩm quyền của Trung ương, TP sẽ giao các sở, ngành tổng hợp, đề xuất các bộ, ngành, cơ quan Trung ương xem xét, giải quyết.
Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp có hành động phối hợp cùng TP phát huy tối đa tinh thần sáng tạo, vượt khó để chủ động xây dựng chiến lược và kế hoạch phục hồi sản xuất gắn với các phương án phòng, chống dịch bệnh đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh được duy trì ổn định.
DN tổ chức thực hiện hiệu quả các hướng dẫn phòng, chống dịch; phối hợp chặt chẽ với TP trong triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động ổn định đời sống để đảm bảo sản xuất, kinh doanh. Tích cực phối hợp với các sở, ngành của TP để hoàn thiện thủ tục liên quan đến đầu tư, giải ngân vốn đầu tư, nhất là các dự án đã và đang triển khai thực hiện.
TP khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành, phản ánh kịp thời khó khăn, vướng mắc và hiến kế vượt qua khó khăn, từng bước lấy lại đà sản xuất và tăng trưởng. “Lãnh đạo TP cam kết sẽ luôn đồng hành, kiên trì, quyết liệt để tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn đại dịch COVID-19”, Chủ tịch UBND TP đưa ra cam kết.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền, thời gian tới, thông qua các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, UBND TP Hà Nội sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh và người lao động tiếp cận gói tín dụng 1.050 tỷ đồng để phục hồi sản xuất, đồng thời tiếp tục nghiên cứu triển khai gói tín dụng 1.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, UBND TP Hà Nội sẽ đẩy mạnh thực hiện các chính sách về bảo hiểm xã hội và lao động; hỗ trợ về lao động và chuyên gia.“Ngay trong những ngày đầu tháng 11, UBND TP Hà Nội đã chủ động rà soát, đôn đốc 22 dự án còn vướng mắc, đến nay đã hoàn thành thủ tục cấp/điều chỉnh cho 9 dự án, dự kiến trong nửa đầu tháng 11 hoàn thành thủ tục cấp phép cho 13 dự án còn lại.
Đồng thời, từ nay đến cuối năm, TP Hà Nội đẩy nhanh tiến độ khởi công xây dựng ít nhất 20 cụm công nghiệp; đầu năm 2022 sẽ khởi công 18 cụm công nghiệp; tiếp tục ứng dụng, mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức 4 theo hướng hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh", Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nêu rõ.