Gỡ vướng gói hỗ trợ lãi suất 2%
Với quy mô tới 40 nghìn tỷ đồng giải ngân trong vòng 2 năm, và được kỳ vọng là phao cứu sinh cho doanh nghiệp, song sau 3 tháng triển khai, gói hỗ trợ lãi suất 2% vẫn ì ạch khi tới cuối tháng 8, mới chỉ có khoảng 13,5 tỷ đồng được hỗ trợ.
Trước sự sốt ruột của Chính phủ, Quốc hội, ngày 26/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức Hội nghị trực tuyến về triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Ngân hàng, doanh nghiệp đều than khó
Theo báo cáo nhanh từ các ngân hàng thương mại (NHTM), sau 3 tháng triển khai, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt gần 4.407 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 4.300 tỷ đồng; dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đến cuối tháng 8/2022 mới chỉ khoảng 13,5 tỷ.
Chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc, ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng giám đốc (TGĐ) Vietcombank cho biết, theo quy định, gói hỗ trợ chỉ hướng đến các đối tượng có khả năng phục hồi. Tuy nhiên, cái khó là các cơ quan, bộ, ngành vẫn chưa có các hướng dẫn cụ thể.
"Như thế nào là doanh nghiệp có khả năng phục hồi? Cần xác định định nghĩa có khả năng phục hồi theo doanh thu hay lợi nhuận? Tăng trưởng bao lâu được coi là phục hồi? Cái này rất khó xác định. Tất nhiên, mỗi ngân hàng sẽ có quy chuẩn khác nhau. Theo đó, tôi cho rằng chúng ta cần phải có hướng dẫn rõ ràng", ông Cường nói.
Bên cạnh đó, mặc dù các lĩnh vực, ngành nghề được hỗ trợ đã được cụ thể hóa từ Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ, song khi triển khai trong thực tiễn cho thấy các NHTM gặp khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất trong một số trường hợp khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành.
Trong khi đó, ông Phạm Toàn Vượng, Phó TGĐ Agribank thì chỉ ra 4 cái khó. Một là, đa số khách hàng của Agribank là khách hàng cá nhân, chiếm 96% tổng số lượng khách hàng, vướng mắc nhiều thứ nên số lượng khách hàng thực tế đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất còn hạn chế. Hai là, vướng mắc liên quan đến hồ sơ, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay. Ba là, một số hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng trong thực tế vừa có sự tương đồng nhưng cũng có sự khác biệt với các ngành nghề/lĩnh vực được quy định và không thể tách bạch chi tiết nên cần có hướng dẫn cụ thể hơn. Bốn là, chương trình hỗ trợ lãi suất được lấy kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước nên chi nhánh, khách hàng cũng thận trọng trong quá trình thực hiện.
Cùng chia sẻ, ông Nguyễn Hưng, TGĐ TPBank cho biết, hiện nay nhiều hộ gia đình sản xuất kinh doanh vay vốn tại các NHTM nhưng không có đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ. Trong khi đó, đây lại là đối tượng đông đảo, đang cần được hỗ trợ. Do đó, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có giải đáp, hướng dẫn cụ thể hơn.
Cũng theo TGĐ TPBank, các ngân hàng cũng còn tâm lý e ngại khi triển khai thực hiện do một số chương trình hỗ trợ lãi suất, gồm chương trình hỗ trợ lãi suất năm 2009 và một số chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước vẫn chưa được quyết toán số tiền đã hỗ trợ lãi suất cho khách hàng.
Ngoài ra, đây là chương trình có nguồn tiền hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước nên các NHTM cũng thận trọng, đảm bảo dòng tiền hỗ trợ được đến đúng đối tượng, đúng mục tiêu, an toàn và hiệu quả, nên các NHTM mất nhiều thời gian chuẩn bị, xây dựng hệ thống tự động để theo dõi, hạch toán, quản lý dữ liệu báo cáo nhằm đảm bảo tính chính xác của dữ liệu trong công tác thanh, quyết toán, kiểm toán khi tham gia Chương trình được hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước.
Giải tỏa tâm lý e ngại về thanh tra, kiểm tra
Bên cạnh đó, một lý do khá đặc biết đến từ phía khách hàng đó, là chính khách hàng đủ điều kiện cũng không muốn vay vốn. Cụ thể, theo phản ảnh từ các lãnh đạo ngân hàng, một số chi nhánh ngân hàng đã chủ động liên hệ, hướng dẫn khách hàng làm thủ tục, hồ sơ hỗ trợ, song bản thân khách hàng, nhất là các doanh nghiệp, cũng có tâm lý e ngại trong trường hợp sơ suất khi tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước, phải tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ví dụ tại Vietcombank, một trong những ngân hàng cho vay đứng đầu hệ thống với quy mô tín dụng hơn 1,1 triệu tỷ đồng (tính đến cuối tháng 6/2022), sở hữu tệp khách hàng lên tới hàng triệu đơn vị, nhưng theo Phó TGĐ Vietcombank, đến thời điểm hiện tại, ngân hàng mới chỉ nhận được đơn đề nghị hỗ trợ lãi suất từ… 50 khách hàng. Hay như tại TPBank, ngân hàng đã tiếp cận gần 500 khách hàng thuộc đối tượng nhận hỗ trợ nhưng tỷ lệ khách hàng đề nghị hỗ trợ rất thấp, chỉ có 30 khách hàng, trong đó, tới thời điểm hiện tại, ngân hàng mới chỉ hỗ trợ được 3 khách hàng.
"Họ lo lắng số tiền hỗ trợ lãi suất thì không được bao nhiêu mà đến khi thanh quyết toán, kiểm toán sau này lại sẽ gặp nhiều khó khăn nên không mấy mặn mà. Các quy định hiện nay còn chưa chi tiết cộng thêm tâm lý e ngại của khách hàng nên rất khó để các ngân hàng thực hiện gói hỗ trợ. TPBank được giao chỉ tiêu hỗ trợ 700 tỷ đồng, nhưng với tình hình hiện tại, e là chúng tôi sẽ không thể giải ngân hết được", ông Nguyễn Hưng cho biết.
Trước những khó khăn này, đại diện Agribank cho rằng, để đẩy nhanh gói hỗ trợ lãi suất 2%, trước hết, Chính phủ, các bộ, ngành, NHNN xem xét mở rộng đối tượng hỗ trợ lãi suất, cụ thể là đối với khách hàng là hộ kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Hai là, đề nghị các cơ quan Thanh tra, Kiểm toán, cơ quan quản lý nhà nước thống nhất hướng dẫn các nội dung trong triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31, đặc biệt là các nội dung về hóa đơn, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn đối với khách hàng khi giải ngân sử dụng bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ. Ba là, đối với các trường hợp khách hàng đã giải ngân và ký hợp đồng tín dụng từ 1/1/2022 đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ và khi thống nhất về đối tượng và điều kiện áp dụng đã quá kỳ hạn trả lãi, đề nghị NHNN, các bộ, ngành xem xét cho phép các tổ chức tín dụng thống kê và hạch toán bổ sung hỗ trợ lãi suất đối với các khách hàng này.
Tương tự, ông Nguyễn Việt Cường, Phó TGĐ Vietcombank cũng kiến nghị, NHNN phải phối hợp với các bộ, ngành ban hành tiêu chí cụ thể về khả năng phục hồi và mở rộng phạm vi khách hàng được hỗ trợ, cho phép các hộ kinh doanh không có đăng ký kinh doanh được hỗ trợ lãi suất. Một số lãnh đạo ngân hàng khác kiến nghị các bộ, ngành có giải pháp tháo gỡ về hóa đơn bán lẻ, dư nợ các khoản vay bằng ngoại tệ, mở rộng đối tượng về xuất khẩu lúa gạo, xây lắp... Đồng thời, có giải pháp giải tỏa tâm lý e ngại về thanh tra, kiểm tra cho doanh nghiệp.