Gỡ “nút thắt” để thu hút đầu tư vào vùng Tây Nam Bộ

Thứ Sáu, 18/08/2023, 05:36

“Nút thắt” về hạ tầng giao thông tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang dần được tháo gỡ bằng tích cực cải cách hành chính, đồng hành cùng doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư. Điều này sẽ tạo môi trường đầu tư thông thoáng, kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều dự án vào vùng ĐBSCL.

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), tính đến quý II/2023, toàn vùng ĐBSCL thu hút 1.976 dự án FDI mới với tổng vốn đầu tư nước ngoài trên 35 tỷ USD.

Các dự án FDI này đến từ các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Trung Quốc… Long An và TP Cần Thơ đang là các địa phương dẫn đầu khu vực về thu hút đầu tư với nhiều dự án nổi bật, lượng vốn nước ngoài đăng ký đầu tư lớn.

nut that.jpg -0
Cầu Mỹ Thuận 2 (dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông) đang được gấp rút thi công.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, thời gian gần đây, thu hút FDI ở ĐBSCL có sự tăng vọt nhờ vào các dự án năng lượng Cần Thơ (dự án nhiệt điện Ô Môn II, tổng vốn khoảng 1,3 tỷ USD) và dự án nhà máy điện khí ở Bạc Liêu (khoảng 4 tỷ USD). Nếu không tính các dự án trên, nguồn vốn FDI vào ĐBSCL vẫn ở mức rất thấp so với cả nước (hiện tổng vốn FDI của cả nước là 449,5 tỷ USD).

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), nguyên Chủ tịch VCCI nhận định: Để tháo gỡ nút thắt về hạ tầng giao thông cho ĐBSCL, trong giai đoạn trung hạn 2021 – 2025, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã chuẩn bị đầu tư mới 37 dự án đường bộ, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không tại khu vực này với tổng mức đầu tư khoảng 198.823 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhu cầu vốn vượt quá khả năng cân đối.

Trong điều kiện nguồn lực khó khăn như hiện nay, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ cân đối tối thiểu khoảng 57.346 tỷ đầu tư cho các dự án động lực vùng gồm: Đầu tư tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, Mỹ An – Cao Lãnh, An Hữu - Cao Lãnh, Châu Đốc – Cần Thơ - Sóc Trăng, các cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi và nâng cấp một số tuyến quốc lộ quan trọng khác. Hoàn chỉnh dự án Luồng tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu, đầu tư giai đoạn 2 của tuyến kênh chợ Gạo, dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam và dự án nâng cao tĩnh không các cầu trên tuyến đường thủy vùng ĐBSCL.

Đặc biệt là tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ với tốc độ thiết kế khoảng 200km/h cho tàu khách và 120km/h cho tàu hàng. Tuyến đường sắt khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ chỉ còn 75-80 phút thay vì mất từ 3-4 giờ như hiện nay.

Hiện các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL đang tích cực đơn giản hoá thủ tục hành chính, nâng các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) để tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư, DN. Vừa qua, UBND TP Cần Thơ thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính là điều chỉnh dự án đầu tư trong trường hợp sử dụng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thuộc dự án đầu tư để góp vốn vào doanh nghiệp hoặc hợp tác kinh doanh đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh hoặc Ban Quản lý các Khu chế xuất và Khu công nghiệp. Thời gian giải quyết từ 25 ngày được rút ngắn xuống còn 20 ngày làm việc. Việc này nhằm giúp nhà đầu tư tiết kiệm thời gian hoàn thiện các thủ tục tiếp theo để dự án sớm đi vào hoạt động.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ DN, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn, UBND TP Cần Thơ và UBND tỉnh Vĩnh Long đã thành lập Tổ công tác đặc biệt. Tổ công tác đặc biệt tại TP Cần Thơ có nhiệm vụ rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của DN, nhà đầu tư, dự án đầu tư để báo cáo UBND thành phố chỉ đạo, giải quyết, tháo gỡ đối với các nội dung thuộc thẩm quyền; tổng hợp những khó khăn vượt thẩm quyền để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng và bộ, ngành Trung ương xem xét, tháo gỡ.

Văn Vĩnh
.
.
.