Giải ngân vốn đầu tư công thấp vì COVID-19
Đại dịch COVID-19 bùng phát phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội. Một số địa bàn, cơ sở, xã, phường, khu công nghiệp… phải áp dụng biện pháp phong tỏa, cách ly, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện và giải ngân các dự án.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có văn bản gửi Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đầu năm 2021 và giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Theo đó, bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các dự án đủ điều kiện giải ngân đến hết tháng 7/2021 là 398,6 nghìn tỷ đồng, đạt 86,4% kế hoạch. Vốn nước ngoài đạt 89,27% kế hoạch. Số vốn chưa phân bổ còn tới 62,6 nghìn tỷ đồng.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, dự kiến giải ngân đến ngày 31/7 đạt 169,3 nghìn tỷ đồng, đạt 36,71% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ 2020. Có 10 bộ và 32 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên mức trung bình của cả nước (36,71%); 7 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn và 2 bộ, cơ quan trung ương đã giải ngân nhưng tỷ lệ giải ngân dưới 1%.
Để đẩy nhanh giải ngân trong những tháng cuối năm, Bộ KH&ĐT đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chuẩn bị các thủ tục đầu tư cần thiết cho các dự án khởi công mới để có thể giao được Kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2021 ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; rà soát việc phân bổ kế hoạch vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, kéo dài. Kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan trong trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra.
Kiên quyết chống trì trệ, xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực trong đầu tư công. Thực hiện đấu thầu qua mạng theo quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực. Xử lý nghiêm các trường hợp nhà thầu vi phạm tiến độ hợp đồng. Về phía chính sách, Bộ KH&ĐT tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các Luật, Pháp lệnh có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu đồng bộ, không phù hợp với thực tiễn đang gây khó khăn, vướng mắc cho đầu tư.