Giá vàng SJC sẽ tiếp tục giảm?

Thứ Ba, 04/06/2024, 08:28

Ngày đầu tiên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện bán vàng trực tiếp cho người dân qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty TNHH MTV Vàng bạc đã quý Sài Gòn (SJC), giá vàng đã xuống dưới 80 triệu đồng/lượng. Khoảng cách với thế giới thu hẹp còn khoảng 7 triệu đồng/lượng. Vậy, giá vàng liệu có còn giảm tiếp?

Ngày 3/6, dù chỉ mở bán trong 1,5 tiếng vào buổi chiều, những các điểm bán vàng của 4 ngân hàng đã ghi nhận lượng người đến giao dịch rất đông. Có những người xếp hàng từ trước giờ mở cửa vài tiếng đồng hồ, bất chấp cái nắng gay gắt của mùa hè miền Bắc. Hầu hết các cửa hàng vàng đều "cháy" hàng trong thời gian ngắn. Nhiều người mua hàng chục lượng vàng một lúc, thậm chí có một khách hàng đã mua tới 75 lượng vàng, chiếm hơn 50% số vàng được bán ra tại một điểm bán hàng. Nhiều người dân xếp hàng đã bỏ về trong tâm trạng chán nản, bức xúc.

"Chúng tôi bị động về nguồn cung, xin khách hàng thông cảm", nhân viên VietinBank phân bua. Hiện, giá vàng được các ngân hàng bán chênh 1 triệu đồng mỗi lượng so với giá mua từ NHNN, chính thức xuống dưới mốc 80 triệu đồng/lượng. Mức giá này, so với lúc đỉnh, hiện thấp hơn 12 triệu đồng/lượng. So với giá thế giới, hiện giá vàng SJC chỉ còn cao hơn 7 triệu đồng/lượng.

gia-vang.jpg -0
Người dân đổ xô đi mua vàng từ các ngân hàng.

Trước đó, chỉ trong vòng 5 ngày kể từ khi phát đi thông báo NHNN sẽ bán vàng trực tiếp cho người dân thông qua 4 ngân hàng, giá đã giảm tới 10 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Một số chuyên gia cho rằng rất có thể giá sẽ còn giảm trong thời gian tới. Chuyên gia kinh tế độc lập Nguyễn Đức Hùng Linh nhận định, giá vàng SJC đang tiếp tục giảm, xuống dưới 80 triệu đồng, trong khi giá thế giới đi ngang.

"Kể cả khi chưa có 1 lượng vàng nào bán ra theo cách mới, thì 5 ngày trước đó, chênh lệch giá vàng đã giảm từ 26% xuống 12%. Mức 12% có thể coi là mức chấp nhận được và không nhất thiết phải can thiệp/bình ổn", ông Linh nhận xét. Theo vị chuyên gia này, chênh lệch giá vàng SJC so với các loại vàng khác đã luôn tồn tại, ngay cả trước khi đấu thầu vàng năm 2013.

"Một loại hàng hóa được đảm bảo chất lượng, uy tín và có thanh khoản cao nhất thị trường thì có thể coi là một loại "hàng hiệu" và giao dịch ở mức "premium" (chênh cao hơn) so với các loại hàng khác. Nếu không thích sự chênh lệch này của SJC, chúng ta vẫn có nhiều loại vàng khác để lựa chọn để cho tặng hoặc tích trữ. Còn những người đến mua vàng, họ đã chờ đợi 5 ngày qua và kỳ vọng được mua với giá thấp hơn giá bán của các cửa hàng vàng. Chính sự chờ đợi này là một nguyên nhân khiến cầu giảm, làm giảm chênh lệch và mang lại lợi ích rõ ràng cho những người đang thực sự có nhu cầu (vì giá giảm). Bong bóng tài sản, hay làm giá đầu cơ chỉ đạt được khi đánh vào sự nóng vội của người mua", ông Linh phân tích.

Ông cũng lưu ý là quyết định mua hôm nay của người dân cũng không chắc lợi hay thiệt, vì giá cũng có thể giảm hoặc tăng vào ngày mai và nhiều ngày sau.

Vậy, giá vàng những ngày tới sẽ tiếp tục giảm, tăng hay đi ngang? Nhận định về giá vàng, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), đồng thời là cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới cho rằng nếu bán thấp hơn giá thị trường 5 - 10 triệu đồng/lượng thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ đổ xô mua. Nếu không cung ứng đủ, thì giá cũng sẽ không giảm hơn so với hiện tại là bao.

"Tôi cho rằng giá vàng miếng SJC khó lòng giảm xuống đột ngột vì để làm được điều này cần lượng vàng rất lớn. Để bão hoà được thị trường, lượng vàng bán ra phải gấp 2 - 3 lần số vàng NHNN đã bán trong các phiên đấu thầu. Đồng thời, mức giá mà NHNN bán cho nhóm Big 4 cũng cần phải thấp thì mới tạo được hiệu ứng lan toả với những người có vàng. Theo đó, những người đang nắm giữ vàng cũng sẽ bán ra vì họ sợ giá trong thời gian tới còn giảm thêm nữa", ông Khánh nói.

Trong khi đó, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, có hai yếu tố quyết định biện pháp này có thành công về lâu dài hay không, gồm thứ nhất, lượng vàng mà NHNN đang có liệu có đáp ứng đủ nhu cầu không. Nếu muốn duy trì mức hiện tại sẽ đòi hỏi lượng vàng rất lớn. Yếu tố thứ hai là giá bán phải phù hợp. "Theo tôi mức chênh lệch với giá vàng thế giới 3 - 5 triệu đồng/lượng là phù hợp. Mức chênh lệch 3 triệu đồng/lượng có thể được xem là mức hỗ trợ, khi đó, giá có thể tăng bật trở lại", ông Hiếu nói.

Phân tích rộng hơn, ngoài giải pháp bán vàng thông qua NHNN, các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục thanh, kiểm tra và quản lý thị trường vàng chặt chẽ. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đề xuất, trong giai đoạn trước mắt, NHNN cần quản lý chặt chẽ thị trường vàng để hướng dòng ngoại hối và ngoại tệ vào việc mua máy móc thiết bị nguyên vật liệu phục vụ nhu cầu tăng trưởng sản xuất phát triển của nền kinh tế quốc dân, tạo công ăn việc làm. Bên cạnh đó, việc sửa đổi Nghị định 24 sớm là cấp thiết.

Còn ông Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia thì cho rằng, về dài hạn, để quản lý thị trường vàng hiệu quả, phải xây dựng một thị trường vàng chuyên nghiệp theo các chuẩn mực quốc tế. Ở đó, thị trường được tiếp nhận các công cụ, các dịch vụ theo quy luật cung cầu và rời xa dần tập quán mua bán vàng dưới dạng vật chất.

"Một thị trường với các chứng chỉ vàng, các giao dịch vàng tài khoản... sẽ cho thấy các tiện ích vượt trội so với vàng vật chất mà người dân tiếp nhận. Cho nên cần phải chỉnh sửa ngay Nghị định 24 để có một khuôn khổ pháp lý hội nhập quốc tế sâu hơn, để có một thị trường chuyên nghiệp hơn", ông Phước nói.

Hà An
.
.
.