Giá phân bón tăng phi mã
Từ đầu năm 2020 đến nay, giá phân bón có lúc tăng nhiều, có lúc tăng ít nhưng qua đánh giá chung của các chuyên gia và doanh nghiệp (DN), đây là đợt tăng mạnh thứ 3 trong khoảng 50 năm trở lại đây. Thực tế này đang là vấn đề khó khăn trong trồng trọt, canh tác của người dân.
Đây cũng là những vấn đề được các chuyên gia và nhà quản lý, DN cùng nhau thảo luận tại chương trình chính sách và đối thoại với chủ đề “Tìm giải pháp ổn định nguồn cung và bình ổn giá phân bón” do Báo Công Thương đã tổ chức ngày 30/8.
Ông Phùng Hà, Tổng Thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam cho biết, với tình hình phân bón trong nước tăng phi mã như hiện nay sẽ có lợi cho một số DN, song ảnh hưởng trực tiếp, và lớn nhất là ảnh hưởng đến nông dân trong hoạt động sản xuất. Đồng tình quan điểm trên, ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho rằng, từ đầu năm 2021 đến nay, các mặt hàng phân bón đồng loạt tăng cao, kéo theo chi phí đầu vào tăng, điều này không chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận của nông dân mà còn bào mòn nguồn lực đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. “Việc giá phân bón tăng cao, làm cho chi phí sản xuất nông nghiệp tăng theo, thu nhập giảm, người nông dân sẽ là những đối tượng bị thiệt hại nặng nề nhất", ông Huỳnh Tấn Đạt nói.
Thời gian qua, giá phân bón trên thị trường thế giới tăng đột biến, như lưu huỳnh tăng gấp đôi; ure tăng 89% làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Ông Vũ Xuân Hồng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết, công ty đứng trước thực tế không đủ nguyên liệu cho sản xuất như: Lưu huỳnh, kali… không được cung ứng đủ sẽ làm cho sản xuất không đạt công suất và sản xuất cầm chừng, tạo giá thành rất cao. Với nguyên liệu đầu vào như vậy, nên giá thành cao, giá bán cũng phải đưa lên cao làm giảm sức tiêu dùng của thị trường. Năm 2021, và 6 tháng qua, tiêu thụ phân bón sụt giảm 20-25% so với cùng kỳ.
Tuy vậy, để ổn định nguồn cung, DN phải chuẩn bị nguồn nguyên liệu đầu vào, bằng cách ký hợp đồng mua các lô lớn với giá cả hợp lý, tận dụng tối đa nguyên liệu trong nước để sản xuất chủ động hơn. Nhìn chung, giá phân bón trong nước vẫn được duy trì ở mức thấp hơn so với giá phân bón nhập khẩu cùng loại. Nhằm chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp, khó lường trong bối cảnh hiện nay, Cục Bảo vệ thực vật đã thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường, tình hình xuất khẩu, nhập khẩu để có các biện pháp ứng phó linh hoạt đối với một số mặt hàng phân bón chủ chốt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trong nước. Đồng thời các DN sản xuất phân bón cũng đã cam kết tiếp tục duy trì tối đa công suất, hạn chế xuất khẩu, cung ứng kịp thời và ưu tiên tối đa thị trường trong nước. Đến nay, các DN đều đang thực hiện tốt việc này, góp phần ổn định nguồn cung trong nước.
Ông Huỳnh Tấn Đạt cho hay, nhằm thúc đẩy người dân thay đổi phương thức canh tác, sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả, giảm chi phí đầu vào, Bộ NN&PTNT đã và đang thực hiện hàng loạt các giải pháp để thay đổi nhận thức của người dân trong việc sử dụng phân bón tiết kiệm và tăng sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, để giảm giá phân bón, DN cần chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, quy hoạch sản xuất, kinh doanh, thị trường để hài hoà lợi, ích, minh bạch giá cả để giảm tối đa sản xuất. Trong quá trình triển khai thực hiện, các cơ quan hữu quan tiếp tục triển khai giám sát giá cả trên thị trường, đảm bảo giá cả để không biến động quá, làm ảnh hưởng thị trường phân bón.
Rõ ràng, trong bối cảnh giá cả tăng cao, ngoài việc chủ động của người dân trong sử dụng phân bón thì các biện pháp hỗ trợ nông dân từ cơ quan quản lý, DN cũng là rất quan trọng. Ông Vũ Xuân Hồng, cho hay, đơn vị có nhiều kênh hỗ trợ nông dân như bán chậm trả, 4-6 tháng mới thu tiền, nhất là bà con vùng sâu, vùng xa, miền núi việc hỗ trợ này rất quan trọng. Ngoài ra, đơn vị đẩy mạnh trang bị kiến thức bón phân cho bà con nông dân, nhãn sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các loại sản phẩm. Trong lúc giá phân bón vô cơ cao, DN cũng đã nghiên cứu sản xuất loại phân bón khác, như phân bón hữu cơ, vô cơ vi sinh… qua đó giúp tăng hiệu quả chi phí về bón phân bón rất lớn cho nông dân.
Còn ông Phùng Hà cho rằng, trước những biến động về giá phân bón như trên, việc đảm bảo nguồn cung, không để thiếu phân bón sẽ đóng vai trò quan trọng. Đây thực sự vừa là cơ hội vừa là nhiệm vụ của các nhà sản xuất phân bón trong nước. Bên cạnh đó, có thể xem xét, tính toán đầu tư sản xuất các loại phân bón phải nhập khẩu. Về lâu dài để đảm bảo cho ngành phân bón phát triển bền vững, phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nên tiếp tục xem xét, sửa đổi Luật 71, đưa phân bón vào mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng.