Gạo Việt Nam “rộng cửa” vào thị trường châu Âu

Thứ Năm, 27/01/2022, 08:13

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) đã mở ra cơ hội lớn chưa từng có cho gạo Việt. Nhờ những ưu đãi về thuế quan, xuất khẩu (XK) các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao sang thị trường châu Âu (EU) được đánh giá cao và cho các kết quả tích cực.

Điều đó cho thấy, các doanh nghiệp đã tận dụng hiệu quả một số lợi thế từ Hiệp định EVFTA để gia tăng giá trị XK gạo sang EU, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá cước vận tải biển đi EU tăng mạnh và nhập khẩu gạo của thị trường này giảm trong năm 2021.

Theo Bộ Công Thương, năm vừa qua, gạo Việt Nam đã được đẩy mạnh XK sang các thị trường trong khối EU như: Đức, Hà Lan, Pháp, Thụy Điển, Bỉ… và đem lại kết quả khá tích cực. Đặc biệt, giá trị XK gạo có sự tăng trưởng rất cao. Năm 2021, XK gạo sang EU đạt 60.000 tấn, trị giá 41 triệu USD, tăng gần 1% về lượng, nhưng tăng hơn 20% về trị giá so với năm 2020. Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), trong 10 nguồn cung gạo ngoại khối lớn cho EU, gạo XK của Việt Nam vào EU đạt mức tăng giá mạnh nhất, tăng 20,3%, đạt trung bình 781 USD/tấn.

Đáng chú ý, vào cuối năm 2021, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (LTG) đã công bố hoàn thành việc XK lô hàng gạo cuối cùng trong năm 2021 lên tới 4.170 tấn gạo, gồm gạo thơm và gạo trắng sang thị trường châu Âu. Đây cũng là lô hàng gạo XK đầu tiên công ty này sử dụng tàu biển dạng hàng rời (bulk carrier) nhằm tiết kiệm chi phí tại thời điểm phí vận chuyển bằng container đang rất cao do ảnh hưởng dịch COVID-19. Đáng chú ý, lô gạo XK này được sản xuất thông qua chuỗi giá trị nông nghiệp của tập đoàn, quy trình canh tác được kiểm soát chặt chẽ từ hạt giống tới hạt gạo nhằm đáp ứng các tiêu chí khắt khe nhất của thị trường châu Âu. Tính chung trong năm 2021, LTG đã XK hơn 80.000 tấn gạo tới các đối tác quốc tế ở EU, Vương quốc Anh, châu Phi, Australia, khu vực Trung Đông và các nước láng giềng ở châu Á. Tổng giá trị XK gạo lên tới hơn 1.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 24% doanh thu gạo của tập đoàn. Năm 2021, sản lượng gạo XK của Lộc Trời chiếm gần 70% tổng lượng gạo XK của Việt Nam sang EU. Riêng đối với thị trường châu Âu, từ tháng 9/2020, LTG được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn để XK lô hàng gạo thơm đầu tiên đi thị trường châu Âu theo Hiệp định EVFTA và liên tục phát triển thị trường này trong hơn một năm qua.

Theo ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, công ty vừa có thêm các đối tác mới tại Thụy Điển và Đức trong năm 2021. Với đơn hàng hơn 4.000 tấn vừa XK sang châu Âu trước thềm năm mới, Lộc Trời tin tưởng năm 2022 sẽ mang lại nhiều cơ hội cho lúa gạo của Việt Nam tại thị trường châu Âu và nhiều thị trường khác... Cùng với các doanh nghiệp khác như Trung An, Tân Long, nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh XK gạo sang thị trường EU. Bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty Lương thực thực phẩm Long An cũng cho rằng, XK gạo sang EU dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2022 bởi hỗ trợ của EVFTA.

1.jpg -0
Năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU có khả năng tăng khá.

Theo cam kết, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm. Cam kết này giúp Việt Nam mỗi năm có thể XK khoảng 100.000 tấn vào EU. Đặc biệt, đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm, mở ra cơ hội để gạo Việt Nam có lợi thế để cạnh tranh với gạo của các nước khác khi XK vào thị trường này. Ngoài ra, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, giá XK gạo tăng cao hơn từ 10-20 USD/tấn, tùy loại. Thực tế là trong năm 2021, giá gạo XK của Việt Nam xếp ở nhóm cao nhất trong các nước XK gạo truyền thống đã bù đắp cho lượng XK bị giảm sút do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Khả năng này có thể duy trì trong năm 2022 khi dịch COVID-19 vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhu cầu lương thực còn tiếp tục tăng cao mở ra cơ hội tăng trưởng xuất khẩu gạo. Gạo Việt Nam cũng sẽ hưởng lợi từ mức giá tăng chung trên thị trường thế giới. “Dự báo, năm 2022 vẫn có nhiều cơ hội cho XK gạo Việt, bởi nhu cầu của thế giới tăng, hơn nữa chất lượng gạo của Việt Nam được người tiêu dùng trên nhiều nước ưa chuộng,” bà Liên nhìn nhận.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), với 27 nước thành viên, dân số khoảng 516 triệu người, GDP mỗi người dân trên 35.000 USD/năm, thị trường EU có nhu cầu nhập khẩu số lượng lớn hàng hóa, nhất là nông sản (mỗi năm nhập khẩu hơn 160 tỷ USD) từ khắp nơi trên thế giới. Vì vậy năm 2022, XK gạo của Việt Nam sang EU có khả năng tăng khá. Trong khi đó, chất lượng gạo Việt Nam được cải thiện, chủ yếu là các loại gạo thơm, đánh trúng được thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu. Việc tận dụng lợi thế EVFTA để XK gạo thơm với thuế 0% nằm trong tay các doanh nghiệp có vùng nguyên liệu lớn, được canh tác theo tiêu chuẩn cao… Điều này cho thấy, vấn đề chất lượng đóng vai trò rất quan trọng và để xuất khẩu bền vững, các doanh nghiệp cần tập trung đầu tư về vấn đề chất lượng, thương hiệu gạo.

Theo Bộ Công Thương, EVFTA là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Khi được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho XK của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, trong đó có mặt hàng gạo cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh như thủy hải sản.

Phan Đức
.
.
.