FTA- Động lực thúc đẩy phục hồi kinh tế hậu COVID-19

Chủ Nhật, 01/05/2022, 12:34

Việt Nam đã tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và 2 Hiệp định đang đàm phán, mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu (XK). Đây là cơ hội để Việt Nam kết nối, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, việc chủ động khai thác, tận dụng các FTA để gia tăng XK được coi là một trong những động lực tăng trưởng.

Doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội từ các FTA

Vui mừng chia sẻ với chúng tôi về những đơn hàng vừa mới chốt đến hết quý III/2022, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh, ông Phạm Xuân Hồng cho hay, doanh nghiệp (DN) dệt may ở TP Hồ Chí Minh từ Tết đến nay tương đối ổn định về kế hoạch sản xuất và lao động. Trong khó khăn chung của dịch bệnh, DN ngành dệt may đã chủ động và tìm kiếm các cơ hội từ các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực. Như Công ty CP May Sài Gòn 3 đã tận dụng được các ưu đãi về xuất xứ trong CPTPP để XK các đơn hàng sang thị trường Nhật Bản; các ưu đãi của EVFTA để đưa đơn hàng sang EU. Hiện, công ty vẫn đang tìm kiếm các bạn hàng mới tại Anh và EU để nâng cao thị phần.

Để có thể chinh phục được thị trường và tận dụng hiệu quả các FTA, ông Phạm Xuân Hồng cho rằng, trước hết DN phải tìm hiểu kỹ thông tin về hiệp định, đồng thời bản thân các DN phải chuẩn bị đầy đủ các yếu tố trong quản trị, nguồn lao động ổn định, chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng một cách chuẩn xác và thuận lợi. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để giữ chân bạn hàng và mở rộng thị phần được hiệu quả.

Trang 17: FTA- Động lực thúc đẩy phục hồi kinh tế hậu COVID-19 -0
Các FTA góp phần quan trọng trong việc tạo môi trường đầu tư thông thoáng.

Chia sẻ về việc đẩy mạnh XK thông qua tận dụng tối đa cơ hội từ các FTA hiện có, ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cũng cho hay, EVFTA có hiệu lực, thuế suất một số loại rau, quả của Việt Nam vào EU được giảm về 0%, đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các nước trong khu vực. Nhờ đạt các tiêu chuẩn, công ty đã tận dụng rất tốt các ưu đãi từ Hiệp định EVFTA. Theo đó, trong năm 2021, kim ngạch XK của công ty đạt trên 172 triệu USD, tăng hơn 40% so với năm 2020, trong đó thị trường châu Âu chiếm khoảng 60%. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group vui mừng cho biết, DN đã kết nối được với một siêu thị lớn của Pháp để cung cấp hàng hóa thường xuyên. Điều này sẽ giúp DN có thêm cơ hội chinh phục và mở rộng XK rau quả sang Pháp cũng như sang EU. Với sự nhạy bén, linh hoạt, cùng sự thuận lợi từ các FTA, DN sẽ tận dụng tốt hơn cơ hội từ các thị trường, dự báo XK rau quả năm 2022 sẽ tăng trưởng tốt hơn năm trước.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cũng cho hay, May 10 đang phát huy lợi thế từ 2 FTA chính là CPTPP và EVFTA, trong đó, việc khai thác các thị trường là thành viên EVFTA thuận lợi hơn, bởi tỷ trọng hàng may mặc XK của Việt Nam vào châu Âu còn rất thấp. Có thể thấy, vượt qua 2 năm đại dịch đầy thách thức, đến nay, các DN đều đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm ứng phó, xoay chuyển tình thế để duy trì sản xuất, đáp ứng đơn hàng XK. Sự thích ứng này thể hiện ở mức tăng trưởng xuất khẩu 19% và xuất siêu trên 4 tỷ USD trong năm 2021. Bước sang năm thứ 3 đại dịch, khi vaccine phòng COVID-19 đã được bao phủ ở mức cao, việc giữ cho các nhà máy luôn sáng đèn, sản xuất đạt hiệu suất cao chắc chắn là điểm nhấn để các nhà mua hàng tiếp tục chọn Việt Nam là đối tác. Hiện nay, toàn bộ mặt hàng truyền thống của May 10 đều kín đơn hàng đến hết tháng 6/2022.

Hiện, các DN của Việt Nam đang khai thác hiệu quả các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta đã và sẽ tiếp tục gia tăng, đặt ra nhiều cơ hội. Trên thực tế, trong quý I/2022 kim ngạch XNK ước tính đạt 176,35 tỷ USD, tăng 14,37% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 88,58 tỷ USD, tăng 12,9%; nhập khẩu hàng hóa đạt 87,77 tỷ USD, tăng 15,9%. Cán cân thương mại hàng hóa quý I/2022 ước tính xuất siêu 809 triệu USD. Trong năm 2022, xuất khẩu phấn đấu đạt trên 356 tỷ USD.

Trang 17: FTA- Động lực thúc đẩy phục hồi kinh tế hậu COVID-19 -0
Việt Nam đã nhanh chóng tận dụng được các cơ hội từ những FTA.

Doanh nghiệp buộc phải trưởng thành với tốc độ nhanh hơn

PGS.TS Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) cho rằng, Việt Nam đã nhanh chóng tận dụng được các cơ hội từ những FTA. Để duy trì lợi thế XK, thời gian tới phải thực hiện tốt các cam kết, tận dụng tốt hơn nữa các FTA. Ngoài các FTA như CPTPP, EVFTA, năm 2022, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) cũng bắt đầu có hiệu lực sẽ là điều kiện thuận lợi hơn để đưa hàng hóa vào thị trường các nước ASEAN cũng như thị trường Trung Quốc. Đó là điều cần đặc biệt quan tâm.

Các FTA góp phần quan trọng trong việc tạo môi trường đầu tư thông thoáng, từ đó thu hút nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn, có tiềm năng từ các nước trong khu vực và thế giới đầu tư vào Việt Nam. Kết quả đáng ghi nhận về thu hút đầu tư nước ngoài trong 2 năm gần đây đã thể hiện điều đó, tạo ra động lực tăng trưởng cho nền kinh tế. Đáng lưu ý là đã xuất hiện xu hướng tăng tốc đầu tư vào Việt Nam thông qua dự án công nghệ cao, xây dựng “cứ điểm” sản xuất hiện đại của giới đầu tư quốc tế.

TS. Lê Huy Khôi, Trưởng phòng Quản lý khoa học và Đào tạo sau đại học, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho rằng, FTA sẽ là cú hích cho XK và tạo động lực tăng trưởng. Riêng những tác động về kinh tế rất nổi bật, bởi FTA là hướng mở cho hàng XK của Việt Nam. Năm 2021, XK là điểm sáng, động lực tăng trưởng chính là nhờ XK sang những thị trường đã ký FTA. Ngoài ra, nhờ tham gia FTA mà nhiều DN, ngành hàng của Việt Nam đã nhanh chóng thích nghi, vươn lên, đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu, với tiêu chuẩn cao và ngày càng cạnh tranh hiệu quả. Vì vậy, có thể thấy rõ ý nghĩa to lớn, tổng hợp mà các FTA mang lại. “Giao thương với thị trường thành viên các FTA đòi hỏi sự tương xứng, vì vậy DN Việt Nam phải tự cải thiện, nâng mình lên; bắt kịp cả về chất lượng sản phẩm cũng như thích nghi trước diễn biến tình huống. Điều đó đồng nghĩa DN buộc phải trưởng thành với tốc độ nhanh và bản lĩnh hơn nếu không muốn mất cơ hội tham gia vào những “sân chơi” quy mô toàn cầu, nhiều thách thức nhưng cũng đầy tiềm năng”, TS Lê Huy Khôi nhấn mạnh.

Để tăng thêm tính cạnh tranh tại thị trường có ký kết FTA, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, DN cần lưu tâm đến chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, các hàng rào kỹ thuật, quy tắc xuất xứ và phát triển thương hiệu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong năm 2022, Bộ Công Thương chú trọng công tác triển khai thực hiện các Hiệp định thương mại tự do, nhất là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA... nhằm hỗ trợ các DN nắm được nội dung cam kết trong các FTA để vận dụng và phát huy hiệu quả ưu đãi của Hiệp định, tận dụng tối đa các cơ hội, hạn chế thách thức từ những Hiệp định này. Đặc biệt là Kế hoạch thực thi FTA thế hệ mới để hướng tới xuất nhập khẩu mang tính cân bằng hơn, đảm bảo thị trường ổn định, lâu dài, nâng cao hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế.

Lưu Hiệp
.
.
.