Đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Cao Bằng
Từ khi được công nhận, Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng đã góp phần đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Có được kết quả này, Ban Quản lý Công viên đã tích cực kết nối mạng lưới, hợp tác đa chiều, đặc biệt là phát huy vai trò của các đối tác thuộc mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu. Những đối tác này đã trở thành kênh truyền tải, giới thiệu văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, thiên nhiên tươi đẹp, con người chân tình của Cao Bằng.
Đối tác là những tổ chức, cá nhân tiên phong trong thực hành phát triển du lịch bền vững, chia sẻ trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với môi trường trong hoạt động kinh doanh dịch vụ, được mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu khuyến khích triển khai đối với các đơn vị khác nhau trên vùng Công viên địa chất.
Hiện nay, Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng có trên 50 đối tác. Số lượng các đối tác tiềm năng mong muốn trở thành đối tác chính thức của Công viên địa chất ngày càng nhiều. Trước đây, các đối tác chủ yếu là các đơn vị kinh doanh, nhà hàng, khách sạn, đơn vị lữ hành, thì nay đã mở rộng ra nhiều đối tác kinh doanh dịch vụ khác nhau. Qua 4 năm hoạt động, các đối tác này đã hoạt động tích cực, từng bước phát huy vai trò trong việc góp phần phát triển du lịch bền vững.
Năm 2021, khi Làng nghề giấy bản Quốc Dân (huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng) được chọn là điểm bổ sung trong Tuyến trải nghiệm văn hóa bản địa ở "xứ sở thần tiên" Cao Bằng, gia đình chị Nông Thị Kính (xóm Dìa Trên, xã Quốc Dân, huyện Quảng Hòa) được lựa chọn đưa vào điểm đối tác làng nghề.
Chị Kính cho biết, khi trở thành đối tác của Công viên địa chất, gia đình chị đã tích cực tham gia các lớp tập huấn về bảo tồn và phát triển nghề; bắt tay vào thực hiện nâng cao chất lượng các sản phẩm lưu niệm bán cho du khách. Hiện nay, gia đình chị Kính đã trở thành một điểm đến quen thuộc đối với du khách mỗi khi đến Cao Bằng. Chị Kính đã phối hợp với các phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng một điểm trải nghiệm nghề làm giấy và làm các sản phẩm thủ công truyền thống từ giấy bản cho du khách.
Tại làng đá Khuổi Ky (xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh), các đối tác của Công viên Địa chất đã vận động các hộ dân tham gia thành lập Ban điều phối và Giám sát phát triển du lịch tại Làng Văn hóa dân tộc Tày xóm Khuổi Ky, thống nhất ban hành quy chế tổ chức, hoạt động; phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền trong việc đảm bảo các quy định kinh doanh du lịch, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, thực hiện công tác vệ sinh môi trường và các hoạt động chung.
Ngoài việc đi đầu trong cộng đồng tham gia bảo vệ tài nguyên du lịch, các đối tác của Công viên địa chất cũng là những người tiên phong trong bảo vệ môi trường. Năm 2023, tại cơ sở Lan Homestay (huyện Trùng Khánh) đã triển khai hiệu quả mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn, sử dụng men vi sinh để xử lý rác thải hữu cơ và phân loại rác thải tái chế.
Chủ cở sở Lan Homestay Hoàng Thị Lan cho biết, năm 2023, Ban Quản lý Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng đã hỗ trợ cung cấp cho các đối tác tại xã Đàm Thủy 14 thùng phân loại rác thải, 7 tủ thu gom rác thải tái chế, men vi sinh cho người dân trong làng. Từ thành công trong bảo vệ môi trường, Ban Quản lý đã tổ chức cho các đối tác khác đến học tập kinh nghiệm. Hiện nay, các đối tác như: Nassan Green farm, Mộc homestay, Kolia… cũng đã bắt đầu triển khai hoạt động có nhiều ý nghĩa này.
Phó Giám đốc Ban Quản lý Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng Vi Trần Thùy cho biết, các đối tác của Công viên địa chất là những cá nhân, tổ chức tích cực nhất trong các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch. Họ trở thành những người tư vấn, cung cấp thông tin, giới thiệu cho du khách về các sản phẩm du lịch Cao Bằng. Hộ cũng là những cộng tác viên, tuyên truyền viên, hỗ trợ tỉnh tổ chức các sự kiện lớn như Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024, với sự tham gia của gần 800 đại biểu quốc tế, sẽ diễn ra tại Cao Bằng vào tháng 9/2024.
Ban Quản lý Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng tiếp tục hỗ trợ các đối tác về đào tạo ngoại ngữ, tập huấn kỹ năng, kết nối trang thông tin điện tử để tuyên truyền, quảng bá sản phẩm; nâng cao nhận thức của các đơn vị, cá nhân tham gia mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu, từ đó mở ra hướng phát triển hiệu quả và bền vững trên vùng di sản...