Dòng vốn FDI có khả năng tăng mạnh vào Việt Nam

Thứ Hai, 02/05/2022, 08:10

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ khởi sắc trở lại trong năm 2022 nhờ những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và chủ trương mở cửa trở lại nền kinh tế sau hai năm đóng cửa bởi dịch bệnh COVID-19.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam 4 tháng đầu năm 2022 đạt trên 10,8 tỷ USD vốn FDI. Đặc biệt, vốn FDI thực hiện tiếp tục là điểm sáng khi đạt 5,92 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giải ngân FDI cao nhất trong 5 năm qua

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, hiện đã có 72 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2022. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 3,1 tỷ USD, chiếm 28,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hàn Quốc đứng thứ hai với trên 1,82 tỷ USD; Đan Mạch tiếp tục đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần trên 1,32 tỷ USD. Các doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào 44 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 4 tháng đầu năm 2022. Trong đó, tỉnh Bình Dương dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,35 tỷ USD.

image001.jpg -0
Các nhà đầu tư vẫn nhìn nhận Việt Nam là điểm sáng với nhiều tiềm năng, cơ hội. Ảnh minh họa

Bắc Ninh đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 1,57 tỷ USD. TP Hồ Chí Minh vượt lên vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,28 tỷ USD. Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, các số liệu trên cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đã coi Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, thể hiện niềm tin về môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, khi Việt Nam kiểm soát tốt dịch COVID-19, nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng trở lại trong trạng thái bình thường mới. Bên cạnh đó, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam đạt 5,92 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái đây là mức cao nhất trong 5 năm qua.

Đáng chú ý, tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài vào ngành nghề nguy cơ ô nhiễm cao, công nghệ lạc hậu như dệt nhuộm đã giảm dần. Thực tế đang xuất hiện nhiều dự án chất lượng cao, theo xu hướng xanh, sử dụng năng lượng tái tạo đúng như định hướng của Chính phủ là chủ động chọn lọc, gia tăng chất lượng và sự đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài.

Trên thực tế, dù có những tác động bất lợi từ dịch COVID-19, song các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào nền kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam trong bối cảnh “bình thường mới”. Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn cho rằng, bên cạnh việc mở cửa trở lại, sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ Việt Nam cũng như khả năng phục hồi và thích ứng của doanh nghiệp nội địa đã khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn và tiềm năng đối với nhà đầu tư nước ngoài.

“Với những tín hiệu tích cực từ những tháng đầu năm cùng với sự lạc quan, tin tưởng vào môi trường đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư FDI, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào bức tranh thu hút vốn ngoại khởi sắc trong thời gian tới... Do vậy, với mục tiêu tăng trưởng vốn FDI đăng ký đạt khoảng 40 tỷ USD là con số hoàn toàn khả thi,” ông Toàn nhìn nhận.

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) Đỗ Nhất Hoàng thông tin, xu hướng gia tăng vốn, mở rộng đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài đã và đang thể hiện rõ nét.

Bức tranh thu hút vốn ngoại sẽ khởi sắc

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và khu công nghiệp theo hướng đồng bộ, hiện đại. Cùng với đó, hiện các tỉnh, thành phố đã mở cửa, tập trung khôi phục giao thương, du lịch, đón giới đầu tư nước ngoài, những đối tác lớn trong nỗ lực tìm nguồn vốn bổ sung. Bên cạnh đó, gần đây, Việt Nam nổi lên với vai trò như một trung tâm sản xuất mới, trong chuỗi cung ứng toàn cầu, với sự góp mặt của một số tên tuổi sáng giá trong lĩnh vực chế tạo, công nghệ cao như Samsung, Intel, LG, Foxconn…

Những tập đoàn, công ty nói trên vẫn đang tiếp tục nghiên cứu khả năng mở rộng đầu tư, gia tăng năng lực sản xuất, gia công linh kiện điện tử, thiết bị di động chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu ra thị trường toàn cầu. Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho khẳng định, Việt Nam không chỉ là cứ điểm sản xuất quan trọng hàng đầu, mà còn là địa điểm chiến lược trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển. Đó là minh chứng cho mục tiêu hoạt động lâu dài của tập đoàn này nói riêng và giới đầu tư quốc tế ở Việt Nam nói chung.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng lạc quan nhận định, với triển vọng phục hồi kinh tế hiện nay, môi trường đầu tư - kinh doanh liên tục cải thiện, cũng như hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, dự báo dòng vốn đầu tư nước ngoài có khả năng tăng mạnh, sẽ có nhiều dự án quy mô lớn, chất lượng cao của các tập đoàn hàng đầu thế giới đến Việt Nam.

Về triển vọng thu hút doanh nghiệp FDI thời gian tới, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết, các nhà đầu tư vẫn nhìn nhận Việt Nam là điểm sáng với nhiều tiềm năng, cơ hội, trước mắt là về các dự án đầu tư mới, mở rộng hoặc đầu tư tăng thêm. Một số nhà đầu tư lớn đã tìm hiểu, thăm dò về thị trường Việt Nam từ trước và vẫn ra quyết định đầu tư dù trong bối cảnh dịch bệnh.

Để mời gọi được nhiều nguồn vốn đầu tư FDI có chất lượng hơn nữa trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại cũng như các hoạt động ngoại giao để thúc đẩy được Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) sớm có hiệu lực. Về cải thiện môi trường đầu tư cũng cần phải tiếp tục nỗ lực, nhất là về nguồn nhân lực. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực để đảm bảo có thể đón được các dự án công nghệ cao từ các nước phát triển vào Việt Nam.

Về hạ tầng cũng cần được quy hoạch tốt hơn và phát triển hơn trong thời gian tới và đặc biệt là hạ tầng về công nghệ 4G về chuyển đổi số nếu chúng ta không làm tốt, không có sự chuẩn bị trước thì chúng ta khó có thể thu hút được nguồn vốn FDI chất lượng cao từ các nước phát triển. Về chính sách, chúng ta cũng cần có sự cải thiện hơn nữa để nhà đầu tư yên tâm hơn khi đầu tư vào Việt Nam.

Lưu Hiệp
.
.
.