Đồng bộ các giải pháp để “nâng đỡ” doanh nghiệp

Thứ Hai, 08/11/2021, 07:00

Đi qua “cơn bão” do dịch COVID-19 hoành hành, các doanh nghiệp (DN) trở lại hoạt động “yếu ớt” hơn lúc nào hết. Bởi vậy, cần nhiều giải pháp khơi thông nguồn lực để “nâng đỡ” DN, phát triển kinh tế.

Là DN “anh cả” trong ngành du lịch, với 1.700 nhân viên, Vietravel nhiều tháng nay đều ở trong tình trạng “đóng băng”. “Có những thời điểm, chúng tôi đến cơ quan chỉ 15-20 người để duy trì các hoạt động hành chính thông thường, bảo vệ cơ sở vật chất.

Doanh thu của Vietravel trước dịch khoảng 7.000-8.000 tỷ/năm, đến giờ này sau 3 tháng hoạt động, chúng tôi đang rất lo lắng không biết có đạt được khoảng 10% hay không? Dịch bệnh đã đánh lùi Vietravel trở lại 13-14 năm trước.

image001.jpg -0
Cần trao cơ hội chủ động cho doanh nghiệp.

Tất cả các công ty du lịch, lữ hành đều bị ảnh hưởng rất nặng nề”, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) cho biết.

Cũng “đầu bảng” về khó khăn, TS. Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cho biết, doanh thu các doanh nghiệp hàng không đều sụt giảm 90% so với cùng kỳ. Không chỉ các hãng bay mà những doanh nghiệp liên quan lĩnh vực hàng không trong Hiệp hội như dịch vụ mặt đất, cung cấp suất ăn, đào tạo đều chịu chung số phận.

Các hãng bay bằng mọi biện pháp đã cắt giảm chi phí tối đa. Năm 2019, chi phí bình quân của hai hãng hàng không lớn như Vietnam Airlines, VietJet Air bình quân 396 tỷ đồng/ngày, tương ứng 12.000 tỷ đồng/tháng. Nhưng đến 6 tháng đầu năm 2021, đã cắt giảm chỉ còn 2.100 tỷ đồng/tháng…

Những còn số biết nói trên cho thấy tình trạng khó khăn cùng cực của các DN. Bước sang tháng 10, với những tín hiệu tích cực trong việc kiểm soát dịch bệnh ở nhiều địa phương, nhất là mức độ bao phủ vaccine - “chìa khóa” mở cửa trở lại nền kinh tế - ngày càng tăng, nhiều DN rất lạc quan về tình hình kinh doanh những tháng cuối năm và thời gian tới.

Là cơ quan quản lý, đề xuất và thực hiện hàng loạt các biện pháp miễn giảm thuế phí để tháo gỡ khó khăn cho DN, Bộ Tài chính đã ráo riết thực hiện các biện pháp hỗ trợ DN. Trong phiên thảo luận tổ mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã nhấn mạnh kế hoạch ngắn hạn bây giờ DN cần đó là: Thị trường, nguồn nhân lực và vốn. Bên cạnh đó cần tháo gỡ về cơ chế, chính sách và thể chế.

Còn bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ thì cho rằng, hiện nay, tất cả chính sách tài khóa, tiền tệ đều là phao cứu sinh của DN.

“Tuy nhiên, giữa kỳ vọng trong thực tiễn với những gì chính sách thiết kế vẫn còn những khoảng cách nhất định. Vấn đề DN gặp phải hầu hết ở câu chuyện hiểu chính sách, các quy định không dễ để người dân và DN đọc là hiểu được ngay - với mặt bằng hiểu biết về chính sách pháp luật khác nhau. Thứ hai, bài toán tiếp cận. Trong giai đoạn vừa qua, có rất nhiều chính sách đã được triển khai nhưng đến khâu chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ, trao đổi trực tiếp với cán bộ công chức các cấp thì lại phát sinh những bất cập, bức xúc”, bà Thủy cho biết.

Cũng theo bà Thủy, nguyện vọng lớn nhất của cộng đồng DN lúc này là được hoạt động. Sau đó là nguyện vọng được cơ quan quản lý nhà nước đặt họ vào trong bài toán cùng quản lý về tính an toàn, rủi ro trong bối cảnh dịch, thay vì chỉ là đối tượng chịu sự quản lý, hoặc được nhận sự hỗ trợ của nhà nước, được giải cứu, luôn luôn đặt DN ở vai bị động.

“Vì sao các cơ quan xây dựng soạn thảo chính sách không chủ động đối thoại, chủ động đánh giá cùng DN xem hiệu ứng như thế nào, hiệu quả như thế nào, có nội dung gì cần điều chỉnh hay không? Những cơ chế đó vô cùng cần thiết trong giai đoạn tới, đấy là mong mỏi của cộng đồng DN, thể hiện sự tôn trọng cộng đồng DN. Đồng thời cho phép họ đóng góp tâm – trí - lực đồng hành với cơ quan quản lý nhà nước”, bà Thủy nói.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Kỳ đề nghị Chính phủ phải coi DN là đối tác, không nên coi là đối tượng. Người quản lý nhà nước hãy chọn cái gì tốt nhất cho DN, người dân để làm chứ đừng chọn cái gì tốt nhất cho người quản lý để làm!

Hà An
.
.
.