Đổi mới sáng tạo - chìa khóa cho khát vọng phát triển
Đại dịch COVID-19 vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp (DN) chuyển mình thích nghi với dòng chảy kinh tế mới. Đó là sự tiếp cận đối với chuyển đổi số, kinh tế số, trong đó khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo (ĐMST) đang ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi tổ chức, mỗi quốc gia.
Việt Nam đã bắt kịp theo xu hướng, ĐMST trên các ngành, lĩnh vực. Việt Nam xác định ĐMST, tăng năng suất nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Chuyển đổi số - con đường tất yếu của doanh nghiệp
Tại Hội thảo “Đổi mới sáng tạo: Kết nối chính sách với doanh nghiệp Việt Nam”, ngày 15/12, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới, sáng tạo quốc gia (NIC - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - KH&ĐT) cho biết, cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang diễn ra với quy mô lớn, tốc độ rất nhanh và chưa từng có tiền lệ. COVID-19 đang diễn ra phức tạp, Việt Nam cần tìm kiếm động lực mới để tạo ra một giai đoạn tăng trưởng tiếp theo và phát triển hệ sinh thái ĐMST, nâng cao năng lực ĐMST quốc gia là một trong các ưu tiên hàng đầu.
Theo ông Huy, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành một loạt văn bản quan trọng liên quan đến ĐMST. Có thể nói, lần đầu tiên, các chính sách về ưu đãi đầu tư, đặc biệt là cho ĐMST, đã được quy định cụ thể trong Luật và Nghị định.
Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) cũng cho rằng, chuyển đổi số là giải pháp mà các DN không thể không triển khai. Chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho DN. Chuyển đổi số trong DN là việc tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý nhằm nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho DN.
Chuyển đổi số với các hoạt động, như: Số hóa dữ liệu, quản lý, kinh doanh của DN, áp dụng công nghệ số để tự động hóa, tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ, quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, quy trình báo cáo, phối hợp công việc đến việc chuyển đổi toàn bộ mô hình kinh doanh, tạo thêm giá trị mới cho DN.
Chỉ báo kinh tế số tại Việt Nam cho thấy, Việt Nam có tỷ lệ thuê bao băng rộng (cả cố đinh và di động) tương đối tốt so với một số quốc gia trong khu vực (Thái Lan, Indonesia, Malaysia). Tỷ lệ các DN trực tuyến sử dụng thanh toán kỹ thuật số cũng ngang bằng với một số nước trong khu vực. Tuy nhiên, môi trường kinh tế số của Việt Nam vẫn còn hạn chế. Cụ thể là, tỷ lệ giao dịch kỹ thuật số của Việt Nam chỉ đạt 22%. Trong khi đó, ở Indonesia là 34% và Thái Lan là 62%.
Đồng thời, tỷ lệ thanh toán online khi mua sắm trên Internet của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực (chỉ đạt 10%) so với 49% của Indonesia và 52% của Malaysia. Cùng với đó, các DN còn gặp nhiều rào cản, khó khăn trong chuyển đổi số, như: Chi phí đầu tư vào chuyển đổi số cao; hạ tầng công nghệ thông tin kém phát triển; các giải pháp về rủi ro an ninh mạng khó tiếp cận Đồng thời, nguồn nhân lực chuyển đổi số hạn chế; các DN còn thiếu tiếp cận, kiến thức/thông tin về công nghệ số.
Bà Nguyễn Thy Nga, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đầu tư và quản lý V-startup cũng cho rằng, ĐMST là việc áp dụng các phương pháp tổ chức, quản lý mới trong thực hiện các hoạt động của công ty nhằm làm tăng hiệu quả kinh doanh trên cơ sở cắt giảm chi phí giao dịch và chi phí hành chính, cải thiện các mối quan hệ với bên ngoài để nâng cao kiến thức, tăng năng suất lao động từ đó nâng cao hiệu quả công việc.
Theo bà Thy Nga, DN được đẩy vào vai trò trung tâm của ĐMST, trong đó từ lãnh đạo đến nhân viên phải thấm rõ tinh thần của ĐMST và tự ý thức mỗi ngày để nâng cao hiệu suất hiệu quả công việc trong hoạt động kinh doanh của mình. Tất cả các DN luôn luôn phải đổi mới, phát triển và đẩy mạnh hoạt động của DN, công nghệ số trong từng DN để tiến tới chuyển đổi số.
Khơi thông mọi nguồn lực cho đầu tư, kinh doanh
Ông Nguyễn Tuấn Lương, Trưởng phòng Đổi mới sáng tạo (UNDP) cho rằng, để vừa kết hợp ĐMST và phát triển bền vững, UNDP đã đồng hành ĐMST khu vực công và DN trong việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn; đồng thời, xây dựng hệ sinh thái, chia sẻ lan tỏa những giá trị sáng tạo, bền vững.
“Với khu vực công, UNDP đã xây dựng một chương trình ĐMST trong khu vực công, ngoài ra chúng tôi cũng chia sẻ kinh nghiệm với các cơ quan nhà nước và gắn kết những thành phần liên quan", ông Lương nói. Ông Lương cũng thông tin, trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay, khảo sát các DN tạo tác động xã hội cho thấy, có 77% COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động; 76% suy giảm doanh thu; 59% khó khăn trong phát triển thị trường; 41% khủng hoảng trong duy trì dòng vốn. Vì vậy, khi đồng hành cùng DN trong việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, thì UNDP luôn phải dấn thân với họ, sâu sát với các DN trong chuyển đổi số, cũng như xây dựng một mạng lưới để cùng với họ xây dựng một hệ sinh thái ĐMST.
Đại diện cho Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia, Bộ KH&CN, TS Chử Đức Hoàng nhận định, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được coi là một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, nhiều DN gặp khó khăn về nâng cao năng lực, tổ chức hoạt động nghiên cứu và phát triển, trích lập quỹ phát triển, duy trì hệ sinh thái nhà trường - nhà khoa học - nhà DN bền vững.