Doanh nghiệp Việt đang tận dụng hiệu quả thuế suất ưu đãi từ các FTA

Thứ Sáu, 12/11/2021, 06:06

Năm 2021, Việt Nam bước vào giai đoạn khó khăn, thách thức dưới áp lực chưa từng có của dịch bệnh. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu vẫn là điểm sáng của nền kinh tế, có được những kết quả tích cực đó có vai trò rất lớn của các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia. Các FTA này luôn là động lực quan trọng của nền kinh tế.

Theo Bộ Công Thương, năm 2021 là năm khó khăn đối với nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp (DN) nói riêng, tuy nhiên, trong bức tranh đó vẫn có những điểm sáng. Kim ngạch xuất nhập khẩu, đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu (XK) tăng trưởng rất mạnh. 8 tháng năm 2021, tốc độ tăng trưởng trên 20%, thậm chí còn cao hơn những năm không có COVID-19.

69933763_422052515106444_8017179180997279744_n.jpg -0
Các FTA mang đến cơ hội thị trường đa dạng hơn cho doanh nghiệp.

Đáng chú ý, tăng trưởng ghi nhận không chỉ từ các thị trường truyền thống như Trung Quốc, ASEAN mà cả thị trường Hoa Kỳ, và những thị trường Việt Nam đã ký FTA. Cụ thể, tăng trưởng XK sang hai thị trường mà Việt Nam mới có FTA, như Canada và Mexico liên tục duy trì hai con số.

Thị trường tiềm năng và còn nhỏ như Peru cũng tăng trưởng bất ngờ về kim ngạch XK, có giai đoạn lên đến 300%. Mặc dù, giá trị tuyệt đối còn thấp so với thị trường khác, nhưng về giá trị tương đối cho thấy, đang có sự chuyển hướng mạnh của các DN Việt Nam sang thị trường Peru. Còn với EU, sau 8 tháng, tăng trưởng XK khoảng gần 12%, thị trường Anh cũng tăng trưởng 2 con số.

Bên cạnh XK, kim ngạch nhập khẩu từ các thị trường Canada, Mexico, EU, Anh cũng có nhiều điểm chú ý. Đó là Việt Nam bắt đầu nhập khẩu nguyên liệu. Điều này thấy rõ khi kim ngạch nhập khẩu vải từ EU tăng đáng kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, các DN Việt Nam đang tận dụng thuế suất ưu đãi từ EVFTA, nhập khẩu nguyên liệu vải – đáp ứng quy tắc xuất xứ của EVFTA và XK trở lại thị trường EU.

Ngoài ra, việc nhập khẩu các mặt hàng khác như nông sản, thực phẩm vào Việt Nam cũng sẽ hỗ trợ nhiều cho việc đa dạng hóa thị trường. Điều đó cho thấy, Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đến nay, ngày càng nhiều DN tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định qua việc sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) ưu đãi.

Thống kê mới nhất của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, trong năm đầu tiên thực thi Hiệp định EVFTA, các cơ quan, tổ chức được uỷ quyển cấp C/O mẫu EUR.1 đã cấp khoảng 207.682 chứng nhận C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch đạt khoảng 7,71 tỷ USD đi 27 nước EU. Ngoài ra, các DN XK hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho 6.115 lô hàng được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA.

Tham tán thương mại Trần Ngọc Quân, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, kinh tế EU đang trong thời kỳ phục hồi, quan hệ thương mại Việt Nam-EU có nhiều cơ hội tăng cường hơn nữa trong thời gian tới. Việt Nam là số ít thị trường có FTA với EU, đây là lợi thế rất lớn. Từ tháng 6/2022, dự báo kinh tế EU sẽ phục hồi như trước đại dịch.

Như vậy, giai đoạn từ nay đến hết năm 2021 và đầu năm 2022 là cơ hội vàng để ký kết các hợp đồng cho giai đoạn sau đó.

Một số chuyên gia kinh tế nhận định, trước bối cảnh kinh tế phục hồi, cùng sự nổi lên của những xu hướng thương mại, đầu tư mới, Hiệp định EVFTA sẽ tạo điều kiện thuận lợi, khả năng cạnh tranh để Việt Nam tham gia vào quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng mới với các đối tác EU.

Đồng thời, đây là cơ hội để Việt Nam cơ cấu lại nền kinh tế theo xu hướng mới, hướng đến kinh tế số và kinh tế xanh, thân thiện môi trường, chuyển đổi sang công nghệ mới tiêu chuẩn cao hơn, giúp hàng hóa Việt Nam có thêm ưu thế về chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật ngày càng cao từ thị trường EU.

Từ kết quả thực thi EVFTA, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hay FTA Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) đã mở ra cơ hội cho DN Việt. Ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, qua việc thực thi này, nhiều DN hiểu rõ hơn, đầy đủ hơn và chính xác hơn về các hiệp định FTA. Khi các DN hiểu rõ hơn về lợi ích của các thị trường, họ sẽ không tập trung nhiều vào thị trường truyền thống, mà bắt đầu lấn sang các thị trường Việt Nam có FTA như Canada, Mexico hay là Peru. Đó chính là cơ hội mới.

Từ góc độ các tỉnh, thành phố. Theo Báo cáo về Kết quả thực hiện Hiệp định EVFTA, CPTPP trong năm 2020, hiện nay, các địa phương vẫn tập trung lớn vào các thị trường truyền thống. Tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu của các thị trường có FTA mới như EU hay trong khối CPTPP còn khiêm tốn, kể cả ở những tỉnh có kim ngạch XK trên 10 tỷ USD.

Đây cũng chính là cơ hội để các địa phương chú trọng hơn, vào cuộc mạnh mẽ hơn để phối hợp với DN tận dụng hiệu quả các FTA. Đặc biệt, “tư duy về làm luật và bắt đầu cải cách thể chế theo tiêu chuẩn của FTA thế hệ mới đã bắt đầu xuất hiện và phổ biến. Đơn cử, khi ban hành văn bản để thực thi CPTPP, các cơ quan ban hành và thực thi chính sách dần dần không nhìn vào tiêu chuẩn WTO, mà đã bắt đầu nhìn vào tiêu chuẩn của CPTPP.

Điều này thấy rõ trong Nghị định hướng dẫn Luật đầu tư nước ngoài, đưa tất cả các FTA được điều chỉnh cho một nghị định đầu tư. Đây là tư duy rất mới và hy vọng sẽ được lan truyền cho nhiều lĩnh vực khác,” ông Ngô Chung Khanh nhấn mạnh.

Việc Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi mang ý nghĩa quan trọng giúp bù đắp sự suy giảm của nền kinh tế trong giai đoạn dịch bệnh. Từ phía DN, EVFTA còn được khẳng định mang đến cơ hội thị trường đa dạng hơn cho DN, giúp DN lấy lại đà tăng trưởng hậu dịch bệnh.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội-CTCP (Hapro) cho rằng, với nhiều ưu đãi về thuế quan song EVFTA không hẳn là thuận lợi với tất cả DN và mọi loại hàng hoá. Điều quan trọng là DN phải chuẩn bị hành trang tốt cho mình, nhất là hàng hoá phải đảm bảo chất lượng.

Phan Đức
.
.
.