Doanh nghiệp "phận nhỏ" với áp lực chuyển đổi số
Sau đợt dịch COVID-19 bùng phát, các doanh nghiệp (DN) mới ý thức sâu sắc được rằng, việc áp dụng chuyển đổi số trong DN là hết sức quan trọng. Chuyển đổi số sẽ giúp DN cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng, tối ưu hóa năng suất làm việc của nhân viên, tăng doanh số và lợi nhuận...
Tuy nhiên, trên thực tế việc áp dụng chuyển đổi số chỉ thành công ở những DN lớn, còn những DN nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn còn vướng nhiều khó khăn...
Dịch COVID-19 đã khiến các DN, đặc biệt DNNVV gặp trở ngại khi tiếp cận khách hàng, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy, mất cân đối dòng tiền, khó khăn trong quản trị lao động... Một số DN còn bị giảm đơn hàng, giảm sản lượng, phải trì hoãn, giã
n tiến độ đầu tư, thậm chí huỷ dự án đang thực hiện hoặc sẽ thực hiện... Trước thực tế đó, để thích ứng được với bối cảnh mới, DNNVV cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong DN, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật số đáp ứng yêu cầu chuyển đổi. Tuy nhận định rõ tầm quan trọng của việc chuyển đổi số nhưng các DNNVV vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.
Theo khảo sát về thực trạng chuyển đổi số trong DN trước bối cảnh dịch COVID-19 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), số lượng DN so với thời điểm trước COVID-19 ứng dụng các công cụ chuyển đổi số tăng 60,6%, trong đó tập trung vào các giải pháp làm việc trực tuyến, họp trực tuyến, tiếp thị trực tuyến. Tuy nhiên, các DNNVV đang phải đối mặt với rào cản trong quá trình chuyển đổi số đó là thiếu kỹ năng số và nhân lực (17%), thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh (60,7%), thiếu tư duy kỹ thuật số.
Ông Nguyễn Phước Hưng – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh nhìn nhận, chuyển đổi số thành công chủ yếu ở các DN lớn, còn ở các DNNVV thì chưa nhiều. “Ở góc độ Hiệp hội DN, chúng tôi thấy rằng trong tình hình hiện nay, các DN đã nhận thức được chuyển đổi số là tất yếu và việc nhận thức đó đặc biệt trong thời điểm dịch COVID-19 vừa rồi. Các chủ DN, quản lý thấy rõ hơn tầm quan trọng chuyển đổi số. Tuy nhiên, trong việc thực hiện chuyển đổi số vẫn còn khá lúng túng, không biết bắt đầu phải làm thế nào, nhận thức của người lao động trong DN cũng chưa diễn tiến đồng bộ với chủ DN”.
Cũng theo ông Hưng, để hỗ trợ DNNVV, trong thời gian qua Hiệp hội DNTP luôn đồng hành với các DNNVV để tìm kiếm những nhà cung cấp giải pháp, có uy tín, linh hoạt, sẵn lòng hỗ trợ các DNNVV trong chuyển đổi số.
Ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho biết, UBND TP Hồ Chí Minh giao cho Viện Nghiên cứu phát triển thành phố nhiệm vụ về đánh giá, đóng góp của kinh tế số vào sự tăng trưởng thành phố. Theo nghiên cứu bước đầu, quy mô kinh tế số của TP Hồ Chí Minh hiện chiếm khoảng 14,41% trong tổng giá trị GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của TP Hồ Chí Minh. Con số nêu trên mang tính tham khảo bởi phần lớn thời gian trong năm 2021, TP Hồ Chí Minh bị đại dịch COVID – 19 hoành hành, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt kinh tế - xã hội. Còn với mục tiêu kinh tế số của thành phố đến 2025 sẽ chiếm 25% và đến 2030 chiếm 40% trong tổng giá trị GRDP, có thể đạt được trong chương trình chuyển đổi số.
“Hiện TP Hồ Chí Minh được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế số. Hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin khá tốt, phủ sóng rộng, mật độ người dùng cao”, ông An nhận xét.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc chuyển đổi số trong DN là xu hướng tất yếu để giúp DN ổn định và phát triển sau dịch COVID-19 và tăng khả năng cạnh tranh. Bà Võ Thị Trung Trinh - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố đã có những chính sách về chuyển đổi số để hỗ trợ DN. Trong chương trình chuyển đổi số thành phố đã ban hành tháng 7/2021, gần đây là kế hoạch chuyển đổi số của thành phố năm 2022, tập trung một số nội dung: Phát triển chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số.
Đối với hoạt động của DN về chuyển đổi số, hiện nay Sở Thông tin và Truyền thông đang chủ trì, tham mưu cho UBND TP chương trình hỗ trợ cho các DN công nghệ số để thực hiện triển khai những nền tảng số. Nhằm thực hiện chuyển đổi số cho DNNVV, thành phố đã ra đời Trung tâm chuyển đổi số. Đây là nơi chuyển giao những công nghệ, những thông tin liên quan việc chuyển đổi số của thành phố.
Bên cạnh đó, thành phố cũng chỉ đạo các đơn vị có liên quan, trong đó có Sở Khoa học Công nghệ tập trung vào các cơ chế tài chính và các cơ chế để làm sao phát triển được những ứng dụng mang tính đổi mới sáng tạo. Cụ thể là 2 nội dung: Hướng dẫn việc khai thác DN sử dụng quỹ phát triển khoa học công nghệ để thực hiện chuyển đổi số của mình làm sao cho thuận lợi; thành phố ban hành chính sách thử nghiệm để DN mạnh dạn đầu tư vào những công nghệ mới có tính đột phá để thực hiện chuyển đổi số.