Doanh nghiệp FDI hưởng lợi đến 70% từ việc tận dụng các FTA
Trong điều kiện doanh nghiệp (DN) nội địa tận dụng các cam kết trong hiệp định thương mại tự do (FTA) còn rất hạn chế, phần lớn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tận dụng được lợi thế từ các FTA.
Song song đó, tình hình thế giới còn nhiều bất ổn đã tác động lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) của DN. Ngày 5/7/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 93/NQ-CP về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030, với mục tiêu giải quyết những vấn đề bất cập trong hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Việt Nam đã tham gia 16 FTA, trong đó có 3 FTA thế hệ mới với những tiêu chuẩn cao, toàn diện, ngang với những thị trường lớn như EU, Canada, Mexico, Nhật Bản... Bà Lâm Thị Quỳnh Anh - Trưởng phòng Hội nhập trong nước, Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế nhận định: “Với 16 FTA này, Việt Nam có mạng lưới với khoảng 60 đối tác, phủ rộng tới 90% GDP của toàn cầu. Tuy nhiên, hoạt động XNK của chúng ta trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều tồn tại và đối mặt với những thách thức. Rõ nhất là năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của DN và sản phẩm của nước ta mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn yếu so với thế giới, kể cả các nước trong khu vực”.
Ông Phạm Bình An, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo TP Hồ Chí Minh về hội nhập quốc tế, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh nhìn nhận, năng lực cạnh tranh của DN hạn chế một phần là do đa số DN Việt Nam là DN vừa và nhỏ. Như tại TP Hồ Chí Minh, có gần 300 ngàn DN đang hoạt động (chiếm gần 30% cả nước). Mặc dù số lượng DN đông, nhưng rất nhiều DN nhỏ, siêu nhỏ nên khó tham gia vào khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu, các DN này chỉ mới dừng lại ở khâu gia công chế biến, hoặc là tham gia vào những công đoạn chưa có giá trị gia tăng cao. Vì vậy, nên vấn đề hội nhập chủ yếu là các DN lớn, DN có XK quan tâm nhiều, còn các DN nhỏ, siêu nhỏ ít quan tâm. “Đây cũng là tình trạng chung của nhiều tỉnh, thành. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này không chỉ các DN chủ động mà các Hiệp hội ngành hàng, các đơn vị có chức năng hỗ trợ DN cũng cần phải quan tâm”, ông An nói.
Khẳng định việc thực thi các FTA trong thời gian qua của các DN trong nước chưa hiệu quả, bà Lâm Thị Quỳnh Anh dẫn chứng: Tỷ lệ DN tận dụng lợi thế từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chỉ mới 5%, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) khoảng 26%, đây là con số rất thấp chưa đạt kỳ vọng. Khảo sát DN về thực thi FTA, chỉ có khoảng 24% DN được khảo sát nói là đã tận dụng được cơ hội FTA. Điều đó cho thấy, hiện tại sức cạnh tranh của DN rất yếu. Không những thế, trong thời gian qua, việc thực thi FTA thì đối tượng hưởng lợi chính không phải là DN nội địa mà là DN FDI. Các DN FDI chiếm tới 70% tổng giá trị XK và tập trung chủ yếu ở các tập đoàn lớn. Chính vì vậy, thời gian tới, các DN nội địa cần phải tận dụng tốt hơn nữa các cam kết FTA để đẩy mạnh XK.
Trước thực trạng đó, Nghị quyết 93 ra đời tập trung vào 5 nhóm giải pháp chính: Cải cách thể chế để có một hệ thống luật pháp hoàn thiện, giúp DN có môi trường thuận lợi trong hội nhập kinh tế quốc tế; Tập trung vào nâng cao sức cạnh tranh của DN; Cải thiện môi trường kinh doanh; Thực thi hiệu quả các FTA; Hội nhập toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Để nâng cao hiệu quả những định hướng trong Nghị quyết 93, bà Lâm Thị Quỳnh Anh khuyến nghị DN: Cần tìm hiểu kỹ các FTA, các cam kết liên quan đến giảm thuế, cam kết về xuất xứ, môi trường, phát triển bền vững… Chỉ khi nào DN nắm vững các cam kết thì mới tận dụng tốt được các lợi thế do FTA mang lại.