Doanh nghiệp du lịch kiến nghị 4 giải pháp “phá băng” vượt đại dịch

Thứ Tư, 10/11/2021, 07:50

Từ ngày 12 đến ngày 22/8, Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thực hiện khảo sát về tình hình của doanh nghiệp (DN) du lịch sau đại dịch trên báo điện tử VnExpress. Có 1.853 DN trong lĩnh vực đã tham gia cuộc khảo sát này cho biết, chỉ có 4% trong số này “duy trì hoạt động kinh doanh”. Số còn lại đều lao đao, kiệt quệ do đại dịch COVID-19.

Thúc đẩy kết nối an toàn

Kết quả khảo sát cho thấy, DN thuộc tất cả các ngành kinh tế, tỷ lệ DN duy trì được hoạt động trong ngành du lịch thấp hơn gấp 4 lần so với mức trung bình (16%). Điều này cho thấy ngành du lịch lưu trú, ăn uống và du lịch là ngành kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bậc nhất bởi dịch bệnh.

Trong khi đó, dòng tiền cho hoạt động của các DN du lịch còn lại quá mỏng, có tới 67,2% các DN trả lời khảo sát thuộc nhóm “duy trì hoạt động kinh doanh” chỉ có dòng tiền tích lũy đủ cho hoạt động dưới 3 tháng. Tỉ lệ này ở nhóm “tạm ngừng hoạt động kinh doanh do dịch” lên tới 85,3%.

dn.jpg -0
Về bài toán mở cửa du lịch và du lịch quốc tế an toàn, cần có một kế hoạch khả thi nhưng linh hoạt và rõ ràng về phương pháp.

Theo các DN trong ngành, các khách sạn, nhà hàng đã phải đối mặt với tình trạng không có khách và gần như “đóng băng” mọi hoạt động, nhất là trong thời điểm nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch. Để đối phó với tình trạng này, hầu hết DN du lịch chọn cách giảm số lao động tại DN.

Hiện tại, khó khăn lớn nhất của nhiều DN ngành du lịch của cả 2 nhóm duy trì và tạm ngừng hoạt động do dịch COVID-19 gặp phải là trả tiền lương cho người lao động. Ngoài ra, các chi phí: Trả tiền lãi vay ngân hàng, trả tiền thuê đất/văn phòng, trả tiền điện, nước, đóng các khoản BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ thuộc “top 5” gánh nặng về tài chính đối với DN ngành du lịch trong bối cảnh hiện nay.

Hiện, Việt Nam đã chuyển sang trạng thái “thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh để vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa phục hồi kinh tế”, các DN du lịch cho rằng đây là thời điểm cần được hỗ trợ để mở cửa du lịch trở lại.

Theo ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, đại dịch COVID-19 gây thiệt hại rất lớn cho ngành du lịch địa phương, khách du lịch giảm 90%, nên để khôi phục trở lại, Phú Yên xác định mở cửa an toàn và kích cầu du lịch phù hợp với diễn biến thị trường.

Trước thực trạng này, các sở, ngành của tỉnh Phú Yên đã thống nhất tiêm chủng và triển khai đón khách an toàn...  Hiện, địa phương đang triển khai tiêm chủng cho người dân nhằm đạt miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, du khách và công ty lữ hành cần bảo đảm vấn đề dịch tễ, tiêu chuẩn, xét nghiệm PCR…

Đặc biệt, vấn đề ứng dụng công nghệ trong kiểm soát thông tin về du khách đến và đi, lịch sử dịch tễ, có xét nghiệm bảo đảm an toàn không. Trong bối cảnh ngày nay cần ứng dụng công nghệ đảm bảo mục tiêu phục hồi kinh tế là trách nhiệm và quyền lợi chung của mọi công dân.

Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho biết, việc tiêm vaccine diện rộng sẽ giúp quá trình đi lại dễ dàng hơn nhưng muốn thúc đẩy hoạt động du lịch lúc này công tác kết nối cần an toàn. Hiện tại, Hội Lữ hành Hà Nội tiếp tục làm việc với các tỉnh, thành phố là những trung tâm du lịch lớn để đưa ra những giải pháp hiệu quả trong việc đưa đón, phục vụ khách an toàn.

Bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc điều hành Công ty Du lịch Vietrantour mong muốn các địa phương đồng hành cùng DN để lựa chọn những điểm đến tốt, tạo an toàn cho hoạt động du lịch. Các địa phương cần công khai, minh bạch những cơ sở kinh doanh dịch vụ, điểm đến đủ điều kiện đón khách.

Cùng với đó, ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, nhằm tạo sự an tâm, thoải mái cho du khách, tỉnh Quảng Bình ban hành văn bản khung về khôi phục vụ du lịch trong trạng thái "bình thường mới". Quảng Bình thực hiện thí điểm du lịch trọn gói "1 cung đường, 2 điểm đến" từ những địa phương khác tới tỉnh và đã bắt đầu bán tour đón khách nên hy vọng ngành du lịch sẽ có tín hiệu khả quan trong thời gian tới.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cũng cho biết, Sở đã xây dựng, đề xuất các giai đoạn mở cửa du lịch dựa trên hướng dẫn “thích ứng an toàn với dịch COVID-19” của Bộ Y tế, gắn với 4 giai đoạn. Và nếu được UBND thành phố Hà Nội cho phép, ngành Du lịch Thủ đô sẽ triển khai mở cửa theo 3 giai đoạn, cho phép các cơ sở lưu trú, điểm đến du lịch, công ty lữ hành, vận chuyển đủ điều kiện hoạt động trở lại.

Các giải pháp phục hồi du lịch một cách thấu đáo, phù hợp

Dù dịch bệnh dần được kiểm soát nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia, dịch COVID-19 vẫn tiềm ẩn những nguy cơ khó lường, buộc ngành du lịch phải nghiên cứu các giải pháp phục hồi du lịch một cách thấu đáo, phù hợp. Trong đó, yếu tố an toàn phải đặt lên hàng đầu, từ an toàn ở tuyến điểm, an toàn trong chuỗi dịch vụ, an toàn trong tổ chức điều hành tour và trong cả công tác kiểm soát.

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 3/11, Ban IV kiến nghị 4 nhóm giải pháp để tháo gỡ khó khăn bao gồm: Đề nghị Chính phủ xem xét giải pháp “thiết kế một chương trình vay vốn trung và dài hạn trong khuôn khổ gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 2022 - 2023 dành riêng cho các DN khách sạn, hàng không, du lịch và dịch vụ du lịch”.

Theo các DN trong ngành, tín hiệu thị trường ngành du lịch xuất hiện ngay khi Chính phủ cùng chính quyền các địa phương và người dân nỗ lực thiết lập bối cảnh “bình thường mới” nhưng với nguồn lực quá mỏng hiện tại, các DN du lịch, dịch vụ du lịch cũng sẽ rất khó khăn để phục hồi, bứt phá nếu không có thêm trợ lực kịp thời của Chính phủ.

Thứ hai, đề xuất Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành cân nhắc các biện pháp hỗ trợ tiết giảm chi phí cho DN trong ngành này gắn với quá trình và mức độ phục hồi, tập trung vào các biện pháp như: Giảm chi phí nhiên liệu, điện, nước cho hoạt động, giảm thuế VAT, thuế TNDN... hoãn nộp các khoản thuế, phí với thời gian cho phép từ 12 - 18 tháng hoặc dài hơn, hoãn đóng và giảm tỉ lệ đóng BHXH đặc biệt trong những giai đoạn cần thu hút trở lại và ổn định nguồn lao động cho ngành; giảm tiền thuê đất...

Đối với vấn đề lao động, DN đề nghị bỏ các yêu cầu, giấy tờ chứng minh mức độ thiệt hại hoặc mức độ cắt giảm lao động của DN, hoặc giấy tờ chứng minh “không đủ kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng lao động”; đồng thời xem xét hỗ trợ trực tiếp tiền đào tạo cho DN để DN chủ động quyết định, thực hiện các phương thức đào tạo phù hợp.

Về bài toán mở cửa du lịch và du lịch quốc tế an toàn, Ban IV kiến nghị cần có một kế hoạch khả thi nhưng linh hoạt và rõ ràng về phương pháp cũng như rõ quy trình, trách nhiệm của tất cả các bên liên quan để tạo sự phối hợp nhịp nhàng, hạn chế tối đa các mặt rủi ro thông qua cuộc thảo luận do Thủ tướng Chính phủ chủ trì về chiến lược, lộ trình mở cửa du lịch Việt Nam.

Các ý kiến tại hội thảo sẽ là căn cứ để xác lập và giao trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, địa phương liên quan, hiệu triệu và giao vai trò cho cả khu vực DN để tiến trình mở cửa diễn ra khả thi, an toàn, hiệu quả.

Trước đó, tại hội nghị trực tuyến giữa Bộ VHTTDL với các địa phương về “tái khởi động du lịch”, ông Nguyễn Trung Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, trên cơ sở kiến nghị của các địa phương, DN du lịch, Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch đã kiên trì đề xuất và đã được Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ DN và người lao động: Gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất năm 2021; giảm giá bán điện cho cơ sở lưu trú du lịch từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất, thời gian hỗ trợ 7 tháng kể từ kỳ hóa đơn tiền điện tháng 6-12/2021; giảm 50% phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành đến hết năm 2021; miễn, giảm lãi vay; miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đến hết tháng 6/2022; lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đến hết năm 2021; hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn...

Về cơ bản, các chính sách trên được triển khai tương đối đồng bộ tại các địa phương, củng cố niềm tin và động lực cho doanh nghiệp du lịch khắc phục thiệt hại, vực dậy hoạt động kinh doanh, chung sức cùng toàn ngành du lịch vượt qua khó khăn, chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi, phát triển.

Lưu Hiệp - Nguyễn Hoa
.
.
.