Doanh nghiệp bán dẫn tiếp tục đổ vốn vào Việt Nam
11 tháng năm 2024, các nhà đầu tư FDI đã đổ vào Việt Nam 31,4 tỷ USD, trong đó nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng, sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn trong 11 tháng.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn thực hiện, tính đến 30/11, các dự án đầu tư nước ngoài ước tính đã giải ngân được khoảng 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023. Thời gian qua, tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã thu hút được các doanh nghiệp (DN) bán dẫn đến đầu tư, trong đó Bắc Ninh là một điển hình. Trong thời gian qua, nhiều dự án đầu tư quy mô lớn đã đổ về Bắc Ninh, điển hình như dự án Nhà máy FCPV Foxconn Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư 383,3 triệu USD hay dự án bảng mạch in (PCB) công nghệ chính xác cao Victory Giant Việt Nam với tổng vốn đầu tư 260 triệu USD…

Dự án máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện Goertek với tổng vốn đầu tư 280 triệu USD; dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của Amkor Technology Việt Nam điều chỉnh tăng thêm 1,07 tỷ USD... Đáng chú ý, Bắc Ninh đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển dự án với Samsung Display với số vốn đầu tư lên đến 1,8 tỷ USD. Trong 11 tháng, Bắc Ninh dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 5,04 tỷ USD, chiếm 16% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp hơn 3 lần cùng kỳ.
Nhiều DN lớn trong ngành bán dẫn thế giới đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam. Trong đó có nhiều tên tuổi lớn trong ngành bán dẫn thế giới như Intel, Amkor, Ampere, Marvell, Cadence, Renesas, Synopsys, Qorvo... Bên cạnh đó, một số công ty trong nước cũng đã gia nhập thị trường công nghiệp bán dẫn như Viettel, FPT, VNChip… Hiệp hội bán dẫn toàn cầu (SEMI) dự báo, thị trường bán dẫn của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 7,01 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng ngành bình quân mỗi năm khoảng 6,69% trong giai đoạn 2023 - 2028.
Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) cho biết, Việt Nam là một trong những nước có nhiều cơ hội để phát triển ngành chất bán dẫn. Vì vậy, các tập đoàn lớn của Hàn Quốc vẫn đang tiếp tục xem xét cơ hội đầu tư mở rộng các chuỗi giá trị cung ứng của chất bán dẫn tại Việt Nam. Hiện nay, các DN Hàn Quốc trong lĩnh vực chất bán dẫn đã có những bước đầu tư đầu tiên tại Việt Nam, như Công ty Han Yang ở Phú Thọ, Amkor ở Bắc Ninh hay Hana Micron. Các công ty này đều đang gia công và lắp ráp công đoạn cuối cùng trong chuỗi giá trị cung ứng chất bán dẫn. Trong tháng 9/2024, Công ty CP Signetics (Hàn Quốc) và Tập đoàn CNCTech đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư dự án nhà máy bán dẫn trị giá 100 triệu USD tại Khu công nghiệp Bá Thiện - Phân khu I, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động vào tháng 10/2025, nhà máy này sẽ sản xuất các linh kiện bán dẫn phục vụ các ngành công nghiệp như sản xuất chip nhớ, GPU, TV và các sản phẩm điện tử khác. Việc xây dựng nhà máy này không chỉ giúp Signetics gia tăng năng lực sản xuất mà còn góp phần cung ứng các linh kiện bán dẫn cho những tập đoàn điện tử lớn, bao gồm Samsung, SK, và các hãng điện tử hàng đầu khác.
Trao đổi với PV Báo CAND chiều 7/12, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, xu hướng nhà đầu tư FDI đổ vốn vào công nghiệp bán dẫn, công nghiệp điện tử trong thời gian qua là rất tốt, cùng với DN FDI thì FPT cũng đã khởi công xây dựng trung tâm trí tuệ nhân tạo hơn 4.000 tỷ đồng tại Bình Định. Đặc biệt, mới đây ông Jensen Huang, Nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc NVIDIA đã đến Việt Nam lần thứ 2, và Tập đoàn NVIDIA đã hợp tác với Việt Nam để thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam. Điều này cho thấy tín hiệu tốt trong thu hút đầu tư bán dẫn và các ngành công nghiệp điện tử. Hiện, xu hướng tham gia vào thị trường bán dẫn đang mở ra cơ hội cho Việt Nam. Song, để nắm bắt được cơ hội này thì cần phải đào tạo được nguồn nhân lực và xây dựng một hệ sinh thái cho ngành công nghiệp bán dẫn phát triển.
Để có được nguồn nhân lực đáp ứng cho ngành bán dẫn thì cần có sự hợp tác, liên kết giữa các trường đại học, cao đẳng, DN. Ở góc độ DN, ông Nguyễn Mạnh Chiến, Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH Hana Micron Vina (Bắc Giang) cho biết, Công ty hiện có 1.800 công nhân, trong năm 2025 nếu kinh tế tốt lên, đơn hàng nhiều thì sẽ tuyển thêm lao động, có thể từ vài trăm cho tới hàng nghìn người. "Ngành bán dẫn phát triển, đơn hàng nhiều thì số lao động cũng sẽ tuyển dụng tăng lên. Song, có một vấn đề là hiện nay để tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao là rất khó, để chủ động trong việc đáp ứng các yêu cầu về ngành bán dẫn, DN tuyển dụng và đào tạo lại từ đầu trong vòng 1 năm mới thích ứng được", ông Chiến nói và cho biết, Hana Micron Vina đã liên kết với Trường Cao đẳng Công nghệ Việt Hàn đào tạo các lớp về công nghệ chất bán dẫn. Và có kế hoạch liên kết với Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp mở thêm một lớp chất bán dẫn. Các sinh viên đào tạo xong sẽ vào làm tại Hana Micron Vina. "Việt Nam chưa có đào tạo bán dẫn, các trường trong nước nên đẩy mạnh đào tạo bán dẫn, điện tử, tự động hoá, điện công nghiệp, điện tử… để thích ứng dần với ngành bán dẫn. Bởi, đây là các ngành căn bản chính trong đào tạo chuyên sâu bán dẫn", ông Chiến cho hay…