Doanh nghiệp “3 tại chỗ” đối mặt với hàng loạt khó khăn

Thứ Tư, 04/08/2021, 06:19

Sau thời gian thực hiện “3 tại chỗ”(làm, ăn, nghỉ tại chỗ), để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa sản xuất theo yêu cầu của thành phố (TP) Hồ Chí Minh, một vấn đề khiến cả người lao động (NLĐ) và cả doanh nghiệp (DN) đều lo lắng đó là: NLĐ có tâm lý muốn về quê vì sợ dịch kéo dài.

 

Còn với DN thì không chỉ “gánh” thêm chi phí ăn ở, xét nghiệm… cho NLĐ mà còn đứng trước tình trạng thiếu hụt lao động để sản xuất. Đã có nhiều DN nỗ lực áp dụng mô hình “3 tại chỗ” nhưng vẫn xuất hiện các ca F0 khiến DN hết sức lo lắng…

3 tai cho.jpg -0
Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi thực hiện “3 tại chỗ”. 

Đại diện Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho biết, Công ty đã thực hiện phương châm “3 tại chỗ” từ ngày 28-6, đã tổ chức xét nghiệm định kỳ hàng tuần và đã tiêm ngừa cho NLĐ. Từ ngày 19/7 đến 27/7, công ty tổ chức thực hiện 10 lượt xét nghiệm cho NLĐ. Qua đó, phát hiện 43 ca nhiễm COVID -19 (ca F0).

Các ca nhiễm tập trung chủ yếu ở bộ phận tiếp nhận nguồn lợn hơi, bộ phận thu mua và cung ứng. Ngay sau khi phát hiện ca nghi nhiễm đầu tiên, công ty đã phối hợp với các đơn vị chức năng đưa các ca F0 đi cách ly theo quy định, đồng thời sàng lọc, tổ chức khoanh vùng phong tỏa tạm thời các khu vực có ca nghi nhiễm và thực hiện các quy định theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC). Các ca F1 được chuyển đến nơi tập trung trên địa bàn quận Bình Thạnh.

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết: “Thị trường TP Hồ Chí Minh bình thường tiêu thụ khoảng 10.000 con lợn 1 ngày. Hiện nay, trong tình hình thực hiện giãn cách xã hội theo CT 16, lượng thịt gia súc tiêu thụ hàng ngày giảm chỉ còn ở mức 5.000 - 6.000 con/ngày. Có ngày lượng cung ứng còn giảm xuống mức 4.500 con. Riêng công ty Vissan cung cấp mỗi ngày khoảng 600 con, tương đương 10% tổng lượng cung của TP. Hồ Chí Minh”.

Mặc dù hoạt động sản xuất gặp nhiều khó khăn, nhưng Vissan công bố vẫn tiếp tục cung ứng mặt hàng thực phẩm tươi sống tại thị trường TP Hồ Chí Minh. Riêng các hoạt động kinh doanh khác sẽ được khôi phục dần sau khi lực lượng lao động tại các khu vực cách ly đủ điều kiện trở lại làm việc.

“Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp hiện nay, việc đảm bảo được nguồn cung ứng thực phẩm cho người dân rất quan trọng. Do đó, với vai trò là một trong những DN tham gia bình ổn thị trường, Vissan luôn đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm với giá cả ổn định đến người dân TP. Đó là mục tiêu của một DN có trách nhiệm với xã hội và cộng đồng”, đại diện Vissan chia sẻ.

Thực tế, nhiều DN tại TP Hồ Chí Minh thực hiện “3 tại chỗ” vẫn phát hiện những ca F0 đã tỏ ra khá lúng túng. Do năng lực y tế tại chỗ gần như bằng không, trong khi hệ thống y tế địa phương đã quá tải, nên khâu xử lý với các ca F0, F1 trong các nhà máy này đang rất rối. Trước tình hình đó, ông Phạm Văn Việt -Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean kiến nghị ngành y tế sớm hướng dẫn quy trình xử lý cụ thể hơn trong trường hợp DN thực hiện “3 tại chỗ”, nhưng xuất hiện ca nhiễm COVID-19.

Ngoài việc lo ngại bùng phát dịch, các DN thực hiện “3 tại chỗ” còn rất lo lắng khi cùng lúc phải “gánh” thêm nhiều chi phí. Họ phải bỏ tiền để xét nghiệm cho công nhân theo định kỳ 7 ngày/lần, mỗi lần xét nghiệm không dưới 300.000 đồng/người; phải xây dựng, cơi nới nhà xưởng để lo chỗ ở và chi phí ăn uống 3 bữa/ngày cho công nhân. Các chi phí phát sinh cao đã khiến nhiều DN, đặc biệt là DN có số lượng lao động lớn khó trụ nổi đã dần rút lui.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực - Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết: “Hiện nay 70% DN thuộc Hiệp hội đang phải bán bù lỗ và huề vốn bởi giá nguyên liệu đầu vào đều tăng. Nếu thực hiện “3 tại chỗ” kéo dài quá 1 tháng thì các DN có từ 300-1.000 công nhân sẽ nảy sinh hàng loạt vấn đề”.

Với ngành Dệt may, ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean chia sẻ: Đây là một trong những ngành đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn nên các DN luôn cố gắng để duy trì sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, do đặc thù là ngành dệt may có số lượng lao động đông nên các DN rất khó bố trí sản xuất “3 tại chỗ”. Dù đã cố gắng, nhưng hiện chỉ có khoảng từ 10 - 15% số lượng DN đang nỗ lực duy trì sản xuất, với công suất hoạt động cũng chỉ từ 35 - 40%.

Đánh giá lại sau hơn 2 tuần các DN thực hiện phương thức “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường – 2 địa điểm” theo chỉ đạo của UBND TP (kể từ ngày 15/7), ông Chu Tiến Dũng- Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh (HUBA) nhìn nhận: Chưa bao giờ DN lại phải đối mặt với những áp lực khó khăn lớn như hiện nay. Đó là DN vừa phải ứng phó với việc đứt gãy chuỗi cung ứng, với nhiều khó khăn phát sinh trong vận chuyển nguyên liệu, lưu thông hàng hóa, lại vừa phải chăm lo đảm bảo đời sống, sinh hoạt hàng ngày cho NLĐ.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã phát sinh rất nhiều khó khăn, cần các cơ quan chức năng nhanh chóng hướng dẫn DN thực hiện "3 tại chỗ" thế nào để thuận lợi hơn trong việc tổ chức hoạt động trong giai đoạn khó khăn này. Về việc tiêm vaccine để ổn định tâm lý cho NLĐ, ông Chu Tiến Dũng cho biết, HUBA đang kiến nghị với TP để các DN sớm được tiếp cận nguồn vaccine. Trong đợt 5, TP ưu tiên tiêm vaccine cho một số đối tượng. Các DN trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp sẽ được xem xét trong các đợt tiếp theo. Hiện thành phố đã quyết định thành lập Trung tâm Điều phối tiêm vaccine, các DN cần bình tĩnh chờ giải pháp thích hợp từ thành phố.

Với những khó khăn của DN khi áp dụng phương thức “3 tại chỗ”, ngày 31/7 ông Phan Văn Mãi - Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo thành lập nhóm "xử lý nhanh", ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP đứng đầu, với sự tham gia của lãnh đạo các hiệp hội, viện nghiên cứu phát triển TP, tổ tư vấn của TP... Nhóm “xử lý nhanh” ra đời nhằm tháo gỡ những vướng mắc của DN, có các giải pháp hỗ trợ kịp thời để DN duy trì sản xuất, giữ DN tồn tại trong điều kiện có dịch và hậu dịch.

Thúy Hà
.
.
.