Đỉnh lạm phát sẽ qua trong quý I?

Thứ Hai, 20/02/2023, 08:15

Dù được kìm giữ tốt trong năm 2022, nhưng đà tăng lạm phát những tháng cuối năm được cho là sẽ gây áp lực lên mục tiêu kìm giữ lạm phát năm 2023. Vậy, liệu lạm phát có phải vấn đề quan ngại lớn nhất của Việt Nam trong năm 2023?

Lạm phát, nghe có vẻ hơi “vĩ mô”, nhưng chỉ số này có tác động trực tiếp tới tất cả mọi lĩnh vực kinh tế, tới túi tiền của từng người dân, bởi vì liên quan đến lạm phát sẽ kéo theo những động thái điều hành của chính sách tiền tệ, điều đó ảnh hưởng rất lớn tới các thị trường tài sản ở Việt Nam cũng như sức khỏe của doanh nghiệp nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng.

PGS.TS Phạm Thế Anh, chuyên gia Kinh tế vĩ mô, Giảng viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, nếu so sánh tỷ lệ lạm phát của Việt Nam so với các nước lớn trên thế giới, chúng ta đang ở vùng lạm phát tương đối thấp, có thể chấp nhận được. Trung bình cả năm qua, Việt Nam có tỷ lệ lạm phát khoảng 3,15% trong khi các nước phát triển như Mỹ hay khu vực châu Âu gặp phải vấn đề rất nghiêm trọng về lạm phát, có những thời điểm lên tới gần 2 con số. Tuy nhiên vấn đề lạm phát năm nay khác với năm ngoái, sẽ chuyển dịch từ khu vực các nền kinh tế tiên tiến sang các nước đang phát triển.

1.jpg -0
Các chuyên gia nhận định mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2023 là khả thi.

“Biểu đồ đầu tiên thấy rằng lạm phát ở các nước phát triển quá đỉnh, tuy nhiên một số nước đang phát triển hiện nay đang gặp phải vấn đề lạm phát gia tăng. Đối với Việt Nam thì sao? Lạm phát của Việt Nam trong năm qua tăng dần qua từng quý và đến cuối năm và thậm chí đến tháng 1/2023, lạm phát lên tới đỉnh điểm, so với cùng kỳ tăng 4,89%, tức đã đạt đỉnh làm dấy lên các quan ngại về việc lạm phát sẽ tiếp tục gia tăng hay không trong năm 2023 và kéo theo động thái chính sách tiền tệ rất thận trọng trong việc kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, đối với lạm phát ở Việt Nam, theo quan điểm của tôi, lạm phát của tháng 1/2023 sẽ đạt đỉnh, nếu tính theo cùng kỳ năm, từ tháng 2 trở đi sẽ chứng kiến lạm phát giảm dần và trong vòng khoảng 2,3 tháng tới xuống còn khoảng 3 - 3,5%”, TS Phạm Thế Anh nhận định và đưa ra lập luận đó là thứ nhất, sức cầu tiêu dùng của Việt Nam đến chủ yếu từ việc tăng trưởng kinh tế chậm lại, thu nhập của người dân sụt giảm.

Thứ 2, các thị trường của Việt Nam đã có sự giảm giá rất mạnh, vốn hóa của thị trường bất động sản, thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu sụt rất mạnh trong những tháng vừa qua, làm cho cầu tiêu dùng sẽ giảm. Với mặt bằng lãi suất ở mức cao như hiện nay, làm cho chi phí cơ hội của việc tiêu dùng đắt đỏ hơn và người ta sẽ thiên về tiết kiệm nhiều hơn. Do vậy, cũng ảnh hưởng sức cầu. Thứ 3 nữa nhìn vào vấn đề tăng trưởng tiền tệ, trong năm qua lần đầu tiên ở Việt Nam có tăng trưởng cung tiền rất thấp, dưới 4%. Trong khi đó các năm trước đấy, tăng trưởng cung tiền lên tới tầm khoảng 14-15%, thậm chí nhẹ cũng như năm 2021 cũng phải gần 11%, thế nên yếu tố tiền tệ gây ra lạm phát sẽ giảm rất nhiều, hạn chế rất nhiều trong năm 2023.

“Lập luận khác cho rằng lạm phát của Việt Nam trong năm 2023 không phải vấn đề lớn mà vấn đề suy thoái nhiều hơn đó là tỷ giá tương đối ổn định, với chênh lệch lãi suất trong nước và quốc tế hiện nay, chúng ta thấy rằng tỷ giá tương đối ổn định. Cuối cùng, giá nguyên vật liệu trên thế giới đã vượt qua đỉnh giá nên lạm phát không phải vấn đề lớn”, ông Thế Anh nói.

Cũng bàn về lạm phát năm 2023, TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, dự báo lạm phát so với cùng kỳ tại Việt Nam sẽ có xu hướng giảm dần sau khi đạt đỉnh vào tháng 1-2023, sau đó giảm dần về mức 3% vào cuối năm 2023 nhờ chính sách tiền tệ thận trọng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong năm 2022, cũng như nguy cơ kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. “Áp lực lạm phát trong năm 2023 có thể đến từ việc Nhà nước điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục cũng như giá điện. Mặc dù vậy, nếu việc điều chỉnh giá được thực hiện trong nửa cuối năm 2023 với mức điều chỉnh không quá lớn, mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%, hay thậm chí dưới 4% là hoàn toàn khả thi”, ông Độ cho biết.

Cũng cho rằng đỉnh lạm phát sẽ rơi vào quý I/2023, sau đó giảm dần, bà Katrina Ell, chuyên gia kinh tế của tổ chức đánh giá tín dụng Moody's, cho biết lạm phát đã đi qua đỉnh ở hầu hết các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương và đang theo xu hướng giảm dần.

“Nguyên nhân chính hạ nhiệt lạm phát ở khu vực châu Á là do giá dầu thế giới đã giảm khá nhiều từ đỉnh và giá lương thực, thực phẩm cũng đã đi xuống. Về trường hợp của Việt Nam, chúng tôi cho rằng lạm phát sẽ đạt đỉnh trong quý I năm nay và sau đó giảm dần. Hiện nay, nhiều yếu tố tác động đến lạm phát ở Việt Nam như giá thực phẩm, giá nhiên liệu, đồ dùng gia đình và chi phí xây dựng. Sắp tới khi có những thay đổi về giá điện, việc kiểm soát lạm phát sẽ cần lưu tâm hơn. Có thể cần nhiều trợ cấp giá năng lượng hơn nữa để giảm bớt gánh nặng cho các hộ gia đình có thu nhập thấp. Năm nay, kiềm chế lạm phát tiếp tục là thách thức với Việt Nam dù các bạn vẫn đang làm tốt việc này", bà Katrina Ell thông tin.

Hà An
.
.
.