Điểm tựa cho người nghèo ở Đam Rông
Những năm trở lại đây, nguồn vốn tín dụng chính sách đã trở thành “điểm tựa” vững chắc cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện Đam Rông (Lâm Đồng) có việc làm ổn định, yên tâm lao động, sản xuất, nâng cao đời sống, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội ở địa phương.
Ông Kră Jăn K’Bình ở thôn Đa Tế, xã Đạ Mrông vẫn nhớ rõ hoàn cảnh khó khăn của gia đình 12 năm về trước, là hộ nghèo cả gia đình chỉ trông chờ vào hơn 2 sào đất canh tác và một ít diện tích cà phê già cỗi. Dù chăm chỉ chịu khó nhưng cuộc sống của gia đình vẫn luôn trong tình trạng thiếu trước, hụt sau. Muốn đầu tư phát triển chăn nuôi và trồng trọt nhưng do không có vốn, cái nghèo cứ đeo bám gia đình ông.
Thế rồi, cuối năm 2012, khi tham gia vào Hội Nông dân xã, ông Bình được Hội đứng ra tín chấp cho vay vốn NHCSXH số tiền 10 triệu đồng để chăm sóc cây cà phê và nuôi bò, từ đó, thu nhập của gia đình từng bước được cải thiện, 4 năm sau, ông đã trả cả gốc, lãi cho ngân hàng.
Năm 2016, ông mạnh dạn vay vốn NHCSXH chương trình hộ mới thoát nghèo số tiền 40 triệu đồng để cải tạo vườn cà phê. Đến năm 2021, ông Bình tiếp tục trả hết số nợ trên và mạnh dạn vay thêm 70 triệu đồng vốn hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn và chương trình Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Từ những nguồn vốn này, ông Bình đầu tư chăm sóc 1ha cà phê, mở rộng 2 sào đất ven suối để trồng dâu nuôi tằm và kết hợp chăm nuôi bò. Nguồn vốn tín dụng chính sách chính là điểm tựa vững chắc cho gia đình ông thoát nghèo bền vững.
Ông Bình tâm sự: “Trước đây, gia đình ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, chăm sóc cho con cái học hành. Gần đây, tôi đã vay vốn NHCSXH huyện để chăm sóc cà phê, trồng dâu nuôi tằm. Kinh tế gia đình đã ổn định, đủ để lo cho con cái học hành, xây dựng gia đình. Rất cảm ơn Nhà nước đã quan tâm”!
Đứng giữa vườn sầu riêng, chôm chôm trĩu quả bà Phạm Thị Thu Hà ở thôn Pang Pế Nâm, xã Đạ R’sal không dấu được niềm vui, bà Hà cho biết: Năm 2013, bà đã vay vốn NHCSXH huyện 17 triệu đồng để đầu tư mua cây ăn trái, như: sầu riêng, bơ, chôm chôm từ miền Tây về trồng. Nhận thấy cây ăn trái phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai ở địa phương, đến năm 2015, bà trả hết số nợ trên và tiếp tục vay vốn NHCSXH 50 triệu đồng để chăm sóc vườn cà phê và cây ăn trái. Sau gần 10 năm, bà Hà đã xây dựng cho mình một mô hình cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao, gồm: 2ha sầu riêng, chôm chôm, 1ha cà phê cao sản đã cho thu hoạch ổn định.
Bà Hà chia sẻ: “Được NHCSXH quan tâm và giúp đỡ cho gia đình tôi vay vốn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, làm ăn ổn định. Đến nay, cuộc sống đã tạm ổn, tạo điều kiện cho các cháu có cơ hội học tập đến nơi, đến chốn.”
Theo báo cáo của NHCSXH huyện Đam Rông, doanh số cho vay 4 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 74 tỷ đồng, cho 1.347 lượt khách hàng vay vốn, bình quân vay 54,9 triệu đồng/hộ. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách này đã giúp 1.347 hộ tiếp cận nguồn vốn để đầu tư chăm sóc, cải tạo 500ha cà phê; hỗ trợ 600 lao động được sử dụng nguồn vốn tạo việc làm, nâng cao thu nhập; xây dựng hơn 425 công trình nước sạch, vệ sinh đạt chuẩn; 7 hộ chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận nguồn vốn để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH huyện Đam Rôn Phùng Thị Phi cho biết: Đến nay, tổng dư nợ tại đơn vị đạt hơn 514 tỷ đồng cho 7.654 lượt khách hàng vay vốn 17 chương trình tín dụng, tăng gần 28 tỷ đồng, tăng 5,58% so với đầu năm. Nguồn vốn tín dụng chính sách được các đối tượng hưởng thụ tập trung đầu tư vào chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; xây dựng các mô hình kinh tế nông trại, trang trại, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhất là hỗ trợ người dân vùng đồng bào DTTS giảm nghèo có hiệu quả.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Chính vì vậy, những năm qua, NHCSXH huyện Đam Rông đã đồng hành với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc triển khai chương trình này. Đặc biệt, các chương trình vay vốn tại NHCSXH huyện đã tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa tiếp cận được nguồn vốn vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Nguồn vốn cũng đã góp phần làm tốt công tác an sinh xã hội tại địa phương.
Thực tế cho thấy, để nguồn vốn tín dụng chính sách trở thành “điểm tựa vững chắc” cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện Đam Rông, cần phát huy tốt vai trò của MTTQ và các tổ chính trị -xã hội ở cấp cơ sở trong việc bảo lãnh cho vay, hướng dẫn tổ chức sản xuất kinh doanh, giám sát, sử dụng vốn có hiệu quả. Có như vậy, vốn tín dụng chính sách mới góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia cũng như thực hiện chính sách an sinh xã hội ở địa phương.