Đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu
Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng để thông tin một số kiến nghị của phía Quảng Tây (Trung Quốc) trong thúc đẩy thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới Việt - Trung.
Theo Bộ Công Thương, phía Quảng Tây cho biết, các cửa khẩu đường bộ giữa Quảng Tây với Việt Nam đều đã khôi phục thông quan bình thường. Trong đó, các cửa khẩu Hữu Nghị Quan, Pò Chài, Đông Hưng (cầu Bắc Luân 2 và lối mở km 3+4), Thủy Khẩu đang thực hiện hoạt động nhập khẩu trái cây từ Việt Nam. Quảng Tây đánh giá, mô hình thông quan mới (cắt, nối container) tại các cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan, Tân Thanh - Pò Chài đã phát huy hiệu quả, hạn chế rủi ro lây truyền dịch bệnh. Điều này giúp hai cặp cửa khẩu này trở thành cửa khẩu duy nhất trên tuyến biên giới hai nước không bị gián đoạn thông quan do dịch COVID-19.
Để tiếp tục làm tốt công tác tạo thuận lợi thông quan trong thời gian tới, phía Quảng Tây đề nghị các địa phương biên giới phía Việt Nam tăng cường công tác quản lý cửa khẩu, đặc biệt là việc thực hiện quản lý khép kín đối với các lái xe chuyên trách tại cửa khẩu Hoành Mô và Tà Lùng; kịp thời thông báo cho Quảng Tây về kết quả xét nghiệm COVID-19 hàng ngày đối với lái xe chuyên trách. Cần lập tức tạm dừng hoạt động vận tải đối với lái xe có kết quả xét nghiệm dương tính, đảm bảo đủ số lượng lái xe chuyên trách phục vụ nhằm đảm bảo ổn định hoạt động thông quan tại cửa khẩu.
Quảng Tây cho rằng trái cây Việt Nam đang bước vào vụ cao điểm xuất khẩu, phía Trung Quốc cũng cần thông quan nhanh đối với các hợp đồng xuất khẩu linh kiện điện tử và máy móc thiết bị qua cặp cửa khẩu Hữu Nghị Quan - Hữu Nghị. Do đó, Quảng Tây đề nghị hai bên phối hợp xem xét tổng thể hoạt động thông quan tại 2 cặp cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan và Tân Thanh - Pò Chài.
Phía Quảng Tây sẽ cung cấp dịch vụ thông quan chất lượng cao đối với trái cây Việt Nam xuất khẩu, đổi lại đề nghị Lạng Sơn tạo điều kiện tối đa cho thông quan hàng xuất khẩu của Trung Quốc nhằm đảm bảo ổn định chuỗi cung ứng của phía Trung Quốc và hoạt động xuất khẩu của Việt Nam; đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng cần trao đổi cụ thể với Chính quyền thành phố Bằng Tường về vấn đề điều tiết thông quan.
Quảng Tây cũng đề nghị phía Lạng Sơn khôi phục thực hiện việc tháo lắp rơ moóc (cắt, nối container) đối với xe hàng xuất khẩu Trung Quốc tại bãi hàng Xuân Cương như trước đây; đồng thời tiến hành khai báo hải quan tại bãi hàng này; đề nghị vùng đệm tại cửa khẩu Hữu Nghị Việt Nam chỉ dùng làm địa điểm tháo lắp rơ moóc đối với xe hàng xuất khẩu phía Việt Nam.
Chính quyền Quảng Tây đề nghị phía Lạng Sơn khẩn trương nâng cấp nền tảng "cửa khẩu số" tại cửa khẩu Tân Thanh. Trong thời gian chờ nâng cấp, tạm thời chưa đưa vào sử dụng nhằm nâng cao tốc độ thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài...
Trong trường hợp Lạng Sơn vẫn đưa vào sử dụng, đề nghị phía Việt Nam bố trí khu vực vùng đệm riêng dành cho các xe hàng chờ hoàn tất thủ tục khai báo, hạn chế tình trạng xe hàng dừng đỗ tại đường thông quan, ảnh hưởng đến lưu thông của các xe hàng xuất nhập khẩu khác. Phía Quảng Tây đánh giá, việc triển khai nền tảng quản lý cửa khẩu số tại cửa khẩu Tân Thanh đã khiến thời gian thông quan hàng hóa bị kéo dài, thậm chí xuất hiện ùn ứ tại Km 0.
Quảng Tây cũng đề nghị cơ quan Công an và Biên phòng Việt Nam đồng ý cho phép lái xe chuyên trách Trung Quốc thực hiện chế độ đăng ký hồ sơ và không tiến hành kiểm tra đối với từng lái xe khi nhập cảnh vào Việt Nam qua các cửa khẩu và cặp chợ hai nước, đặc biệt là tại các cặp cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan, Tà Lùng - Thủy Khẩu, Bắc Phong Sinh - Lý Hỏa.
Phía Trung Quốc sẽ thực hiện đăng ký hàng ngày đối với các lái xe xuất nhập cảnh, khi thông quan sẽ không tiến hành kiểm tra giấy tờ, hạn chế việc lái xe phải xuống xe hoặc hạ kính ca bin, giảm bớt rủi ro lây truyền dịch bệnh.
Bộ Công Thương cho rằng, các đề nghị trên của Quảng Tây là khá cụ thể đối với từng cửa khẩu, thể hiện sự tích cực trong điều phối, thúc đẩy nâng cao hiệu suất thông quan tại các cửa khẩu biên giới giữa hai bên. Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh nghiên cứu, đánh giá tính khả thi trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế tại từng cửa khẩu và hài hòa lợi ích của cả hai bên để chủ động trao đổi, phối hợp với phía Quảng Tây.