Để tránh rủi ro khi xuất khẩu vào thị trường RCEP
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực từ đầu năm 2022. RCEP có sự tham gia của 15 thành viên, ước tính chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và 30% dân số thế giới sẽ tạo ra thị trường trên quy mô 2,2 tỷ người, tương đương 26.200 tỷ USD, và là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, đơn giản các thủ tục hải quan, giảm thiểu các rào cản thương mại…
Hiệp định RCEP được đánh giá sẽ mang lại lợi ích cho nhiều ngành xuất khẩu (XK) chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, các DN cũng cần thận trọng vì các thị trường này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường…
Đây là khu vực có nhiều nền kinh tế đang trên đà phát triển, nhu cầu tiêu dùng đa dạng. Bên cạnh đó, một số quốc gia yêu cầu không quá cao về chất lượng sản phẩm, nên phù hợp với năng lực của phần lớn DNXK của Việt Nam. Hiệp định RCEP mở ra thêm cơ hội cho DN Việt Nam tăng cường XK và mở rộng thị trường, đặc biệt là các loại mặt hàng Việt Nam có lợi thế như: Gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản... Hiệp định RCEP cũng thiết lập thị trường XK ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN trong bối cảnh các chuỗi cung ứng bất ổn gần đây, đồng thời RCEP cũng tạo nên khuôn khổ pháp lý ràng buộc trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử... và tạo ra sân chơi công bằng trong khu vực.
Để hỗ trợ các DN XK cuả Việt Nam cập nhật về các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện XNK của thị trường RCEP, cũng như nhận diện các rủi ro khi XK vào thị trường này, ngày 8/6, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại các thị trường thành viên RCEP (Australia, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc) tổ chức tư vấn cho các DN Việt Nam XK sang thị trường RCEP. Ông Phạm Thế Cường, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cho biết, nhu cầu đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm thì thị trường Indonesia tăng rất nhanh, có thể nói đây là một trong những thị trường tăng nhanh nhất thế giới.
Hàng nông sản cuả Việt Nam XK sang Indonesia hiện tập trung vào các nhóm: Cà phê, chè, rau quả, gạo... và các mặt hàng nông sản tiềm năng khác của Việt Nam như mật ong, tinh bột sắn, củ gừng tươi, nghệ, hành, bánh kẹo... nên DN cần khai thác. Tuy nhiên, các DN cần lưu ý trong giao dịch. Cụ thể, DN cần cảnh giác khi thấy đối tác có các biểu hiện như: Đàm phán giá cả, hợp đồng diễn ra nhanh chóng, ít đàm phán mặc cả, chấp nhận giá cao; không cung cấp hoặc cung cấp hoặc cung cấp giấy tờ pháp lý DN dưới nhiều pháp nhân khác nhau.
“Vì vậy, trước khi ký hợp đồng đặt cọc, DN yêu cầu đối tác Indonesiaphải cung cấp chứng nhận, số đăng ký kinh doanh và mã số thuế. DN cũng tiến hành thực hiện việc thẩm tra đối tác thông qua cơ quan thương vụ, phòng tham tán thương mại và công nghiệp, các Hiệp hội của Indonesia, Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam CIC. DN tuyệt đối không chuyển tiền đặt cọc vào các tài khoản cá nhân. Các điều khoản hợp đồng phải chặt chẽ, đặc biệt các điều khoản bảo vệ quyền lợi cuả mình (phải có điều khoản về xử ý tranh chấp, khiếu nại”, ông Cường nói.
Với thị trường Malaysia, nhu cầu NK gạo của Việt Nam rất lớn từ 520.000 lên 700.000 tấn, nhu cầu NK cao đối với những nhóm sản phẩm có khả năng tự cung thấp như: thịt cừu, gừng, ớt, cải bắp, xoài, thịt bò… Tuy nhiên, vấn đề lừa đảo trong XK cũng xảy ra nhiều tại thị trường này. Trong thời gian gần đây, thương vụ Việt Nam tại Malaysia cũng đã giải quyết trường hợp một DN ở tỉnh Gia Lai đã bị đối tác ở Malaysia lừa 3 container hạt tiêu với trị giá hơn 200.000, do DN Việt Nam không tìm hiểu kỹ đối tác.
Bà Trần Lê Dung, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Malaysia khẳng định: Trong 2 năm dịch COVID -19 vừa qua, có rất nhiều DN Việt Nam bị lừa những đơn hàng rất lớn vào Malaysia. Vì thế, khi các DN có đơn đặt hàng từ Malaysia thì rất mong liên hệ với thương vụ để cùng tìm kiếm thông tin về DN NK tại Malaysia. Thực tế nhiều khi DN ở Malaysia họ đăng ký kinh doanh tại cổng thông tin của Chính phủ Malaysia, việc đăng ký DN từ những năm 2010 đến nay vẫn tồn tại, nhưng khi DN Việt Nam cùng với thương vụ đến tận nơi thì không có văn phòng cuả DN đó. Trích xuất từ các nguồn thông tin từ Chính phủ thì vẫn tồn tại, vẫn đăng ký kinh doanh, nhưng trong nhiều năm liền họ không có báo cáo tài chính - là nơi thể hiện tiềm năng XNK của DN. Báo cáo DN, báo cáo tài chính không tồn tại trong 2-3 năm thì đó gần như là DN “ma”, chuyên đi lừa đảo, thương vụ rất khó để hỗ trợ cho DN.
Để XK hiệu quả vào các thị trường RCEP, các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cũng lưu ý các DNXK: Sản phẩm phải đảm bảo nguồn nguyên liệu, các tiêu chuẩn vệ sinh ATTP, phải ghi nhãn sản phẩm với những thông tin thật rõ ràng (như: tên sản phẩm, thành phần, khối lượng tịnh, trọng lượng tinh, tên nhà sản xuất, NK, ngày sản xuất, ngày hết hạn…). Những nước có đông người hồi giáo thì các sản phẩm Halal phải có chứng nhận Halal. Đặc biệt, để xây dựng sự hiện diện lâu dài tại thị trường XK, DN cần có hệ thống phân phối, marketing phù hợp.