Để phát triển bền vững chuỗi giá trị lúa gạo

Thứ Tư, 13/03/2024, 07:04

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 2/3/2024 về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ đạo đẩy nhanh việc xây dựng, nhân rộng các mô hình chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm và đưa thương lái vào chuỗi ngành hàng lúa gạo.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, các tỉnh ĐBSCL đang thu hoạch vụ lúa Đông Xuân nhưng có hiện tượng doanh nghiệp chờ đợi giá lúa xuống thấp còn người dân mong muốn bán được giá cao. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm mất cơ hội xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp và ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập của người trồng lúa.

Ghi nhận tại các tỉnh ĐBSCL, hiện giá lúa giảm, tình trạng thương lái bỏ cọc khiến nông dân điêu đứng. Nông dân Nguyễn Văn Năm (ngụ huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) gieo sạ 1,5ha giống Đài Thơm 8 trong vụ lúa Đông Xuân. Khi lúa trổ đòng, thương lái đến đặt cọc toàn bộ diện tích là 3 triệu đồng, đồng thời “hợp đồng miệng” thu mua lúa với giá 9.000 đồng/kg, nhưng hiện nay, thương lái nói chỉ mua 7.800 đồng/kg, nếu không bán thì họ bỏ cọc. “Lúa chín phải thu hoạch mà tôi không có kho chứa nên bấm bụng bán với giá thấp hơn 1.200 đồng/kg so với trước khi giao kèo”, ông Năm than vãn.

gao.jpg -0
Nông dân đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch vụ lúa Đông Xuân.

Ông L.V.B., một thương lái thu mua lúa tại Cần Thơ trần tình do giá lúa trên thị trường giảm, họ phải mua giảm xuống, nếu vẫn giữ giá theo đặt cọc với nông dân thì thương lái thua lỗ nặng. Ông B. than vãn: “Giá lúa sụt, những thương lái như chúng tôi cũng lỗ vì cũng đâu có kho chứa để chờ giá tăng bán lại. Thu mua lúa tại ruộng của nông dân rồi đem thẳng đến nhà máy xay xát ra gạo, lúc này doanh nghiệp thu mua cũng giảm giá từ 300-500 đồng/kg gạo. Do vậy, có những ruộng chúng tôi phải bỏ cọc vì càng mua càng lỗ”.

Ngày 4/3 vừa qua, nhiều người dân đã đến trụ sở doanh nghiệp lương thực ở xã Thạnh Phú (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) để đòi tiền đã bán lúa Đông Xuân 2024. Theo người dân, công ty này thông qua các thương lái mua lúa của người dân nhưng không trả tiền ngay mà hẹn nhiều lần. Anh Nguyễn Văn Cọp (ngụ xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) thông tin, ngoài việc nợ tiền mua lúa thì thương lái còn đề nghị giảm giá lúa từ 8.500 đồng/kg xuống còn 8.300 đồng/kg. Theo đại diện doanh nghiệp, việc thanh toán bằng tiền mặt với số lượng rất lớn khi lúa thu hoạch rộ là rất khó khăn.

Vài tuần qua, dòng tiền có một số xáo trộn nên việc thu xếp tiền mặt để chi trả cho người dân bị chậm trễ. Còn hoạt động bán lúa của người dân vẫn còn thói quen bán cho thương lái và thương lái bán cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng đang thuyết phục các thương lái và người dân đăng ký liên kết sản xuất và mở tài khoản ngân hàng để có thể chuyển tiền trực tiếp thông qua ngân hàng thay vì phải rút tiền mặt và chi trả như hiện nay. Doanh nghiệp đã thu xếp với các ngân hàng mở tài khoản cho người dân để chuyển khoản trực tiếp sẽ nhanh chóng và chính xác.

TS Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nhận định vấn đề trên đã tồn tại từ lâu nay, chuỗi giá trị của ngành hàng lúa gạo chưa phát triển bền vững. Năm 2023, xuất khẩu gạo nước ta thắng lớn với số lượng xuất khẩu 8 triệu tấn mang về 4,6 tỷ USD nhưng nhiều doanh nghiệp than lỗ. Điều này do doanh nghiệp ký hợp đồng trước rồi mới thu mua lúa trong dân nhưng thời điểm đó giá lúa lên cao bắt buộc doanh nghiệp phải mua để giao. Còn hiện tại dù Việt Nam “rộng” đầu ra xuất khẩu thì đến mùa thu hoạch rộ vụ Đông Xuân, giá lúa lại giảm, tình trạng “bẻ kèo” xảy ra.

Trong Chỉ thị số 10, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chỉ đạo các địa phương vùng ĐBSCL đẩy nhanh việc xây dựng, nhân rộng các mô hình chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT và các địa phương nghiên cứu xây dựng thí điểm các mô hình đưa thương lái vào chuỗi giá trị ngành hàng lúa, gạo để vừa phát huy vai trò là cầu nối giữa người dân và doanh nghiệp, vừa hạn chế những rủi ro có thể xảy ra cho các bên tham gia chuỗi giá trị.

PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ, nguyên Phó Trưởng Khoa Phát triển nông thôn (Trường ĐH Cần Thơ) đề xuất các bên tham gia trong chuỗi cần chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro và tạo lòng tin với nhau. Điều này cần có cơ chế để doanh nghiệp gắn kết với thương lái và nông dân.

Văn Vĩnh
.
.
.