Đầu tư có điều kiện, dự án điện mặt trời vẫn bị dừng mua hơn 1/3 công suất

Thứ Sáu, 25/02/2022, 08:12

Liên quan đến việc giải quyết vướng mắc tại dự án điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam công suất 450 MW đi kèm công trình trạm biến áp 500kV và tuyến dây 500/220kV, ngày 14/1 vừa qua Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc bàn giao lưới điện 500kV Thuận Nam - Vĩnh Tân do đơn vị tư nhân đầu tư sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp nhận, quản lý vận hành.

Trong đó Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn EVN làm việc với nhà đầu tư về việc bàn giao, tiếp nhận, quản lý lưới truyền tải điện 500 kV trên do nhà đầu tư bàn giao 0 đồng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 25/1.

Về tính toán giá điện đối với phần công suất nguồn điện mặt trời đã đưa vào vận hành trong năm 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận nhưng không đáp ứng yêu cầu giá điện theo Quyết định 13/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Công thương chỉ đạo EVN nghiên cứu, đề xuất theo hướng đấu thầu, đấu giá công khai, minh bạch. Đối với việc vận hành phần phát điện công suất nguồn điện mặt trời đã đưa vào vận hành trong năm 2020 trên địa bàn Ninh Thuận hiện chưa có giá điện, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng giao Bộ Công thương chỉ đạo EVN có phương án vận hành hợp lý. Đồng thời khẩn trương nghiên cứu, xác định giá điện đối với phần công suất này.

2.jpg -0
Trạm biến áp và tuyến dây 500kV tại dự án điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam.

Tuy nhiên, theo đại diện nhà đầu tư, từ đó đến nay EVN chưa hề có động thái nào trong việc tiếp nhận bàn giao phần hạ tầng truyền tải điện trên từ nhà đầu tư. Ngày 22/2 vừa qua, Công ty Mua bán điện - thành viên của EVN đã có văn bản gửi Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam thông báo sẽ ngừng khai thác đối với phần công suất chưa có cơ chế giá điện tại dự án này.

Trước đó, phản ánh về vướng mắc này với Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương, ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch HĐQT Trungnam Group cho biết, dự án điện mặt trời Trung Nam 450MW là dự án đầu tư có điều kiện. Để được làm chủ dự án này, nhà đầu tư phải bỏ tiền làm hạ tầng truyền tải, sau đó bàn giao miễn phí cho Nhà nước. Song tại thời điểm đưa vào vận hành thương mại, dự án chỉ có 277MW nằm trong phạm vi 2.000MW điện mặt trời được Thủ tướng cho phép tỉnh Ninh Thuận phát triển và được hưởng giá bán điện ưu đãi 9,35cent/kWh. Phần công suất còn lại khoảng 172MW đến nay chưa được xác định cơ chế giá.

Trong khi đó, khi xây dựng phương án tài chính của dự án, Trungnam Group sẽ hoàn trả vốn vay cho các tổ chức tín dụng bằng doanh thu bán điện từ nhà máy điện mặt trời 450MW.

Nhằm gỡ khó cho công trình trạm biến áp và tuyến dây 500kV đầu tiên do tư nhân tham gia đầu tư, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận cũng đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Chính phủ cùng các Bộ, ngành xem xét tiếp tục huy động, không cắt giảm phần công suất 172MW chưa có cơ chế giá của dự án. Ngoài dự án điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam, tại Ninh Thuận còn có 2 nhà máy điện mặt trời khác là Thiên Tân 1.2 với công suất 85MW và Thiên Tân 1.3 có công suất 41MW cũng còn một phần công suất chưa được áp mức giá bán điện.

Đ.Thắng
.
.
.