Đánh thức tiềm năng du lịch ở miền Tây Quảng Trị

Thứ Tư, 11/12/2024, 07:31

Từ TP Đông Hà - tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị ngược quốc lộ 9 lên các huyện vùng cao Đakrông, Hướng Hóa, có khá nhiều cảnh đẹp tự nhiên nằm ở những vị trí thuận lợi, du khách có thể dễ dàng dừng chân ghé thăm, chiêm ngưỡng và trải nghiệm. Tuy nhiên, đến nay những điểm cảnh quan này vẫn chưa được quan tâm đầu tư để phục vụ phát triển du lịch.

Cách Đông Hà tầm 50 - 60km, Đakrông có hệ thống di tích lịch sử và cảnh quan thiên nhiên đặc sắc với trên 10 hang động lớn, nhỏ. Một trong những điểm hấp dẫn du khách thập phương dừng chân thăm thú, trải nghiệm là suối nước nóng Klu nằm trên địa bàn xã Đakrông, bên dòng sông Đakrông huyền thoại. Con suối này chảy từ thượng nguồn núi Đồng Cho nằm về phía Tây, cách đó chừng 2km. Xung quanh suối là những rừng cây cổ thụ cùng những tảng đá núi trải dài theo hình bậc thang cao dần lên phía thượng nguồn, trông như ai đó đã sắp xếp sẵn.

Đến đây, du khách có cảm giác thoải mái và thích thú khi vừa đắm mình trong dòng nước chừng 40 độ C vừa ngắm cảnh vật xung quanh thật yên tĩnh, giải tỏa được những lo âu, phiền muộn của cuộc sống thường ngày với bộn bề công việc và lo toan hay gặp phải.

Từ đây, đi thêm chừng 7km là vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông rộng lớn với hàng chục ngàn hécta, nơi đang giữ gìn một kho tàng động vật, thực vật phong phú và quý hiếm. Du khách có thể tham quan, khám phá thoải mái dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ của cán bộ Ban quản lý khu bảo tồn. Bên cạnh, du khách có điều kiện để thưởng thức các món ăn mang tính đặc sản của bản địa như cơm lam, rau rừng, cháo ốc, rượu đoác. Hay thưởng thức kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú của đồng bào Bru-Vân Kiều, Pa Kô từ các loại nhạc cụ như cồng chiêng, đàn Ta Lư, khèn bè, các lễ hội như mừng lúa mới, đón mừng năm mới…

Tiếp tục ngược quốc lộ 9, du khách dễ dàng bắt gặp hàng chục điểm cảnh quan tuyệt đẹp nằm cách hai bên đường Hồ Chí Minh qua địa bàn huyện Hướng Hóa không xa. Chẳng hạn, thác Chênh Vênh thuộc xã Hướng Phùng, cách quốc lộ 9 từ ngã ba tượng đài chiến thắng Khe Sanh đi vào theo đường Hồ Chí Minh chỉ 27km và cách đường này chỉ chưa tới 1km. Khi đến thác Chênh Vênh, điểm nhấn chính là dòng thác mẹ nằm ẩn khuất sau những tảng đá lớn trơn nhẵn chắn ngang giữa dòng nước từ thác đổ về. Thác mẹ cao khoảng 20m, rộng chừng 3-4m với dòng nước trắng xóa tuôn đổ xuống lòng hồ xanh biếc, xung quanh là núi đá và cây rừng tạo không gian mát mẻ, lý tưởng để trải nghiệm.

2.jpg -0
Khách du lịch tại suối A Lao, xã Tà Long, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.

Bà Hồ Thị Ba, Tổ trưởng Tổ du lịch cộng đồng thôn Chênh Vênh cho biết, hiện toàn thôn có gần 20 hộ gia đình tham gia Tổ du lịch cộng đồng. Bà con cùng khai thác các sản phẩm từ du lịch như thác Chênh Vênh, đèo Sa Mù, rừng cộng đồng. Bên cạnh đó, một số hộ dân đầu tư xây dựng mô hình homestay phục vụ khách du lịch lưu trú. Điều đặc biệt, các cơ sở này được xây dựng theo kiểu nhà sàn truyền thống của đồng bào Vân Kiều. Vì thế, khách du lịch còn có dịp trải nghiệm đời sống sinh hoạt của người dân bản địa, nhất là tìm hiểu, thưởng thức các lễ hội đặc sắc, trình diễn nhạc cụ cồng chiêng và các làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Vân Kiều và thưởng thức các món ăn đặc trưng.

Cách Hướng Phùng chưa tới 15km là điểm du lịch thác Tà Puồng nằm ở thôn Trăng Tà Puồng thuộc xã Hướng Việt. Đến đây, khách du lịch không chỉ được hòa mình vào dòng nước xanh mát, mà còn tham gia trải nghiệm chèo thuyền sup, cũng như được thưởng thức các món ăn đặc sản của đồng bào Vân Kiều do các thành viên trong Tổ mô hình quản lý du lịch cộng đồng Trăng Tà Puồng chế biến.

Ông Trần Văn Quảng, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị chia sẻ, huyện vùng cao Hướng Hóa được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh, hệ thống động, thác nước hùng vĩ còn nguyên sơ và hình thái khí hậu lý tưởng. Tuy nhiên, hiện nay mức độ đầu tư, khai thác du lịch ở đây hoàn toàn chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế sẵn có của nó. Đơn cử, bên cạnh các thác Chênh Vênh, Tà Puồng chỉ mới được đầu tư manh mún và rất nhỏ lẻ, phát triển theo mô hình tự quản của người dân bản địa, các thác nước cạnh đó cũng rất tuyệt đẹp như Ồ Ồ, Xăn Đư, cùng với hệ thống hang động mới được phát hiện như Vân Tiên, Brai, Kulum, Trĩa, rồi nhiều thắng cảnh khác gắn với lịch sử như đồi Động Tri, đèo Sa Mù và khoảng 21 di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh trên địa bàn huyện này, hầu như chưa được đầu tư để khai thác, phát triển du lịch.

Ông Hà Sỹ Đồng, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện nay địa phương đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng tỉ lệ 1/2000 Khu du lịch sinh thái Brai-Tà Puồng kết hợp phát triển du lịch cộng đồng tại khu vực thôn Trăng Tà Puồng, xã Hướng Việt và núi Brai ở thôn A Xốc, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa. Dự án có quy mô khoảng 170ha với tổng vốn đầu tư ước 200 tỉ đồng nhằm xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp với nhiều hoạt động trải nghiệm.

Tại Đakrông, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã phê duyệt dự án Khu du lịch sinh thái thác Ba Vòi trên diện tích 120ha với vốn đầu tư khoảng 200 tỉ đồng nhằm tạo các trò chơi mạo hiểm, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên và du lịch cộng đồng. Ngoài ra, Dự án Khu du lịch sinh thái thác Luồi kết hợp phát triển du lịch cộng đồng trên diện tích khoảng 50ha tại xã Mò Ó, huyện Đakrông với các loại hình vui chơi, khám phá, trải nghiệm thiên nhiên và văn hóa các đồng bào dân tộc cũng được đưa vào phương án phát triển KT-XH của địa phương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa những dự án này rất cần những nhà đầu tư có thiện chí, hiện địa phương đang sẵn sàng tạo mọi điều kiện tốt nhất để mời gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp không khói này.

Thanh Bình
.
.
.