Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm thiểu rủi ro

Thứ Năm, 06/01/2022, 08:16

Tình trạng tắc nghẽn hàng hóa tại khu vực cửa khẩu Lạng Sơn, Quảng Ninh thời gian qua được đánh giá là ùn tắc nghiêm trọng nhất từ trước tới nay do Trung Quốc siết thông quan vì COVID-19. Trước thực tế này, doanh nghiệp (DN) sản xuất và xuất khẩu nông sản trong nước cũng phải thay đổi cách thức sản xuất đáp ứng được yêu cầu của nhà nhập khẩu, xuất khẩu (XK) chính ngạch để giảm thiểu rủi ro.

Kiểm soát dịch để thúc đẩy thông quan

Theo Tổng cục Hải quan, lũy kế 11 tháng năm 2021, XK nông sản sang Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc đạt 1,69 tỷ USD, tăng 18,3% so với 11 tháng năm 2020. Từ tháng 12/2021 do tác động của công tác phòng, chống dịch COVID-19 của phía Trung Quốc, tình hình thông quan bị dừng lại tại một số cửa khẩu, nên dẫn tới ùn tắc hàng hoá XK, hàng hoá tồn tại phía Việt Nam chủ yếu là nông sản. Tuy nhiên, đến nay, Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng đối với nông sản Việt Nam.

Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn Vy Công Tường cho biết, từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc áp dụng Lệnh 248, Lệnh 249, chủ trương quản lý chặt kinh tế biên mậu và thúc đẩy việc xuất nhập khẩu chính ngạch. Trong khi đó, hiện tỷ lệ XK nông sản chính ngạch qua địa bàn tỉnh rất thấp; kim ngạch XK chính ngạch chỉ chiếm 3% nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc.

Lý giải về vấn đề này, ông Vy Công Tường cho rằng, chính sách thương mại biên giới của Trung Quốc áp dụng miễn thuế nhập khẩu đối với cư dân biên giới khi nhập khẩu nông sản từ Việt Nam, mỗi người là 8.000 NDT/ngày (khoảng 28,7 triệu đồng) nên các DN phía Việt Nam và Trung Quốc không mặn mà nhập khẩu chính ngạch. Thay vào đó họ nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, phía Trung Quốc sẽ gom các lô hàng nhỏ thành lô hàng lớn để vận chuyển vào nội địa tiêu thụ. Do vậy, việc nhập khẩu tiểu ngạch vẫn chiếm vai trò chủ đạo trong XK nông sản sang Trung Quốc tại khu vực biên giới nhất là tại cửa khẩu Tân Thanh- Pò Chài.

Tuy nhiên, khi Trung Quốc thực hiện siết chặt việc nhập khẩu theo các thông báo mới nếu các DN, nhà sản xuất không thực hiện đầy đủ thì tình trạng ùn tắc hàng hóa mỗi mùa thu hoạch, hay khi Trung Quốc có chính sách bất thường sẽ lại xảy ra.

1.jpg -0
Doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Ông Hoàng Chí Hiền, Giám đốc Sở Công Thương Lào Cai cho biết, hiện tại, chỉ có cửa khẩu quốc tế Lào Cai hoạt động, chủ yếu xuất khẩu chính ngạch. Tuy nhiên, DN phía Trung Quốc tận dụng chính sách cư dân biên giới để được hưởng chính sách 8.000 tệ, tiết giảm chi phí. Nếu duy trì chính sách này thì sẽ nan giải. “Đề nghị Bộ NN&PTNT sớm đàm phán ký kết hiệp định về kiểm dịch nông, thủy, hải sản, mở rộng danh mục trái cây xuất sang Trung Quốc do phía bạn còn nhiều nhu cầu về nông sản Việt Nam. Đồng thời đề nghị các cơ quan ngoại giao trao đổi lại với các địa phương để dự báo, nhận định, tham mưu cho công tác điều hành chung; có thêm các chương trình xúc tiến, đối thoại...”, ông Hoàng Chí Hiền cho hay.

Để góp phần tháo gỡ tình trạng ách tắc hàng hóa tại khu vực biên giới, mới đây, tại cuộc hội đàm trực tuyến giữa Bộ Công Thương, sở Công thương các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng với Sở Thương mại Quảng Tây (Trung Quốc), Bộ Công Thương đã đề nghị khôi phục lại ngay việc thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu đang tạm dừng; đồng thời tăng thời gian thông quan tại tất cả các cửa khẩu. Đồng thời, phối hợp khuyến khích các DN hai bên thực hiện thông quan qua các cửa khẩu đường sắt, đường biển tiếp tục tạo thuận lợi thông quan cho mặt hàng thanh long xuất khẩu của Việt Nam…

Bộ Công Thương cũng đề nghị phía Quảng Tây thường xuyên cập nhật kế hoạch hoạt động của các cửa khẩu trên địa bàn, đồng thời phối hợp rà soát, hoàn thiện quy trình giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa đảm bảo thuận lợi, thông suốt và hiệu suất cao, chống ùn tắc.

Tại cuộc hội đàm, phản hồi những kiến nghị của Bộ Công Thương Việt Nam, Giám đốc Sở Thương mại Quảng Tây đánh giá cao đề xuất giải quyết ùn tắc hàng hóa của Việt Nam và giải thích Trung Quốc coi trọng chống dịch, đặt an toàn, tính mạng người dân lên hàng đầu nên đã siết chặt biện pháp phòng dịch tại cửa khẩu. Đại diện Quảng Tây đề nghị Việt Nam cùng tăng cường công tác phòng, chống dịch tại cửa khẩu, trao đổi thông tin về việc quản lý tại cửa khẩu và các tuyến đường giao thông, sớm hoàn thành việc mở rộng bãi Xuân Cương tại khu vực cửa khẩu Hữu Nghị. Phía Quảng Tây cho biết sẽ kéo dài thời gian thông quan trên cơ sở tính toán, bàn bạc và thống nhất của chính quyền địa phương hai bên cửa khẩu. Đối với những đề xuất của phía Việt Nam, Sở Thương mại Quảng Tây ghi nhận và sẽ báo cáo cấp trên.

Bên cạnh đó, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn Vũ Tuấn Bình vừa đề nghị Hải quan Nam Ninh (Trung Quốc) ưu tiên thủ tục hải quan đối với hàng nông sản, thủy sản XK của Việt Nam, đặc biệt những lô hàng đã được kiểm nghiệm, kiểm dịch của Trung Quốc (CCIC). Lãnh đạo Cục Hải quan Lạng Sơn đề nghị Hải quan Nam Ninh kịp thời trao đổi, cập nhật những chính sách mới liên quan tới lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan của Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực từ năm 2022 (nếu có) để phục vụ công tác quản lý nhà nước về hải quan và kiểm soát chống buôn lậu của Hải quan Việt Nam.

Mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa

Để giải quyết các vấn đề ùn tắc nông sản, ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, cần định hướng tập trung tiêu thụ tốt các sản phẩm đang vào mùa vụ. Những DN có khả năng chế biến sâu hoặc có công nghệ bảo quản cần tham gia vào quá trình này, tránh tình trạng để giá nông sản giảm sâu. Bên cạnh đó, bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban IV (HĐ tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cũng cho rằng, cùng với các biện pháp cấp bách trước mắt, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương cần đẩy mạnh các hội nghị xúc tiến thương mại để DN giảm bớt sự phụ thuộc vào một thị trường truyền thống. Về phía DN XK cần phải đa dạng hóa các loại hình vận tải; giảm sự phụ thuộc vào một thị trường truyền thống; nâng cao năng lực chế biến sâu và bảo quản lạnh ngay từ trong nội địa; cải thiện năng lực logistics của các tỉnh giáp biên.

Về dài hạn, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), các DN cần tận dụng để đa dạng hóa thị trường XK, trong đó XK nông sản đang có lợi thế từ các hiệp định thương mại với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EVFTA), Anh (UKVFTA)… Tuy nhiên, phải quy hoạch phát triển hàng hóa theo quy hoạch thống nhất. Đặc biệt, phải tổ chức kết hợp DN sản xuất, DN lưu thông, XK thành một chuỗi sản xuất kinh doanh, phát huy hiệu quả hoạt động XK, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.

Lưu Hiệp
.
.
.