Đà Lạt: Lại đổ bỏ hàng chục tấn hành tây vì ế

Thứ Ba, 16/06/2015, 10:15
Năm thứ hai liên tiếp người trồng hành tây tại Đà Lạt (Lâm Đồng) phải chấp nhận đổ bỏ hàng chục tấn hành vì không thể trữ trong kho lâu hơn được nữa, hành đã nảy mầm, hư hỏng trong khi giá cả vẫn không có gì khả quan.

Vừa qua nghĩa trang Thánh Mẫu, phường 7, TP Đà Lạt được vài chục mét, một mùi thơm thơm, nông nồng, hắc hắc của hành tây bị người dân bổ bỏ trong các vực sâu theo gió thổi sộc lên, đó là dấu hiệu một mùa hành tây trở thành loại nông sản đắng đối với người nông dân. Cách mặt đường 4m là đống hành tây mà một gia đình kề đó đã đổ cách đây chừng chục ngày, hành bắt đầu thối rửa, nảy mầm. Một cậu bé khoảng 8 tuổi thấy có người lạ liền từ trong căn nhà gỗ lụp xụp chạy ra nói: “Hành bố cháu mới đổ, 2 tấn đó, chú cứ đi thắng xuống dưới, người ta cũng đổ nhiều lắm!..”.


Thấy chúng tôi ngao ngán nhìn thành quả lao động của người dân bị đỏ bỏ, anh Phan Thành Hùng, tổ 1, khu Đất Mới, phường 7 vua tay nói: “Úi cha….chỗ đó thì đã thấm vào đâu, ngay nhà tôi đây này, đã đổ hết 5 tấn rồi!...”. Theo anh Hùng, vụ hành tây Đồng Xuân vừa qua, gia đình anh trồng hơn 8 sào hành, thu về khoảng 80 tấn củ. Do thời điểm thu hoạch giá hành xuống rất thấp nên gia đình anh phải thuê gần 60 công lao động tập trung thu hoạch hành để tránh những cơn mưa. Thế nhưng một lượng lớn hành tây trong lúc thu hoạch đã trúng mưa đá, trữ được 2 tháng thì hành thối rữa, mọc cây, bén rễ trong khi giá vẫn không lên. Vài tuần gần đây, vợ chồng anh Hùng phải vào kho nhặt bỏ khoảng 5 tấn hành hư hỏng đem đổ đế tránh lây lan ra những củ hành khác.

Hàng chục tấn hành tây phải đổ bỏ do thối.

Sáng ngày 15/6, vợ chồng anh Hùng mở kho bán tháo khoảng 4 tấn hành tây đã có dấu hiệu hư hỏng với giá chỉ 500 đồng/kg. “Để trong kho thì cũng đến nước đổ đi, đổ đi thì mình lại phải mất thêm tiền thuê nhân công bốc, chở đi đổ, xe cộ… bán tháo đi được đồng nào thì hay đồng đó, có vẫn cứ hơn là không!...” - anh Hùng uể oải nói.

Hiện tại, thương lái tới địa phương mua hành loại một với giá từ 2.500 -2.900 đồng/kg, hành xấu hơn chỉ vài trăm đồng. Theo nhiều người trồng hành tây nơi đây, như vậy là giá đã nhích hơn trước được vài trăm đồng/kg so với thời điểm chính vụ thu hoạch rộ. Nhiều gia đình kỳ vọng trong thời gian tới giá sẽ khá hơn nên vẫn trữ hàng chục tấn hành trong kho đem theo sự thấp thỏm, hồi hộp trong khi số hành hư phải đổ bỏ đã lên đến hàng tấn.

Gia đình anh Phan Thanh Hùng bán tháo hành tây có nguy cơ hư hỏng với giá 500 đồng/kg.

Ông Võ Thắng, một trường trồng hành cho biết: “Mỗi sào hành trung bình đạt năng suất từ 8-10 tấn, với giá bán cao nhất hiện nay là 2.900 đồng/kg thì nhà vườn mới chỉ hòa vốn nếu gia đình nào hành không bị thối, và 100% đều loại 1, còn thối thì lỗ nặng là chắc. Đó là chưa tính công sức lao động bỏ vào đó liên tục trong vòng 3 tháng, cất trữ khoảng 3 tháng nữa”.

Trong khi đó, tại huyện Đơn Dương, nơi trồng hành tây lớn nhất Lâm Đồng người dân cũng đang lâm vào hoàn cảnh tương tự. Nhiều gia đình xây kho, trữ hàng trăm tấn hành tây chờ cơ hội tăng giá nhưng bất thành. Hành củ mọc rễ, lên mầm, hư hỏng do thối, rất nhiều gia đình đã phải chở hành đi đổ dọc theo quốc lộ 27, chấp nhận thêm một vụ hành thấp bại nặng nề.

Hàng trăm tấn hành tây được các gia đình tích trữ chờ tăng giá đang có nguy cơ hư hỏng.

Ông Nguyễn Quang Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân phường 7, nơi trồng nhiều hành tây lớn nhất TP Đà Lạt cho biết, trong vụ Đông Xuân vừa qua, thống kê riêng tại khu vực Đất Mới có khoảng 200ha hành, tương đương với 2.000 tấn hành củ thương phẩm. Tuy nhiên, năm nay giá hành từ đầu vụ xuống rất thấp nên phần lớn người dân thu hoạch cho vào kho trữ chờ giá lên mới bán. Do gặp thời tiết bất lợi ngay từ lúc mới thu hoạch nên đã dẫn đến hành mới trữ được 2 tháng thì xảy ra hư hỏng, thối hoặc lên mầm. Thực trạng trên chủ yếu rơi vào giống hành Mỹ hoặc Hà Lan, riêng giống hành tây Nhật thì có thể trữ trong kho được lâu hơn.

Theo ông Thuận, nguyên nhân khiến giá hành tây xuống thấp trong hai năm qua, nhất là niên vụ này là do người dân đã đổ xô trồng hành tây quá nhiều, không riêng gì Đà Lạt mà các huyện Đơn Dương, Lạc Dương, Đức Trọng người dân cũng trồng với diện tích rất lớn.

“Cung vượt quá cầu đã khiến người nông dân phải gánh thiệt hại như hôm nay mặc dù chúng tôi đã vận động người dân không nên tập trung trồng hành tây quá nhiều. Thế nhưng, thói quan canh tác trong nhiều năm qua đã khiến người dân không dứt được khỏi với cây trồng này mặc dù nó đang có quá nhiều may rủi”-ông Thuận nói.

Trong khi đó, một nông dân chuyên trồng hành tây là bà Nguyễn Thị Thủy, khu Đất Mới cho biết, những năm gần đây làm nông nghiệp khả năng rủi ro rất cao. Trong tất cả các cây trồng của Đà Lạt, khi gặp rủi ro về giá vào thời điểm được thu hoạch thì hành tây, khoai tây là cây có thể mạnh đặc biệt, bởi có thể trữ vào kho được 3-4 tháng nhằm chờ cơ hội lên giá, trong khi hầu hết các loại cây trồng còn lại đều không làm được điều này. Đó là lý do chính dù không mặn mà nhưng người dân vẫn chọn hành tây để trồng vào vụ Đông Xuân.

Ông Lê Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết, hiện nay Lâm Đồng đã có ý tưởng xây dựng hệ thống dự báo thị trường. Tuy nhiên, ý tưởng này hiện vẫn là  ý tưởng chứ chưa thực hiện được. Theo ông Minh, khi nào triển khai được hệ thống dự báo thị trường này người dân sẽ hạn chế được nhiều rủi ro về giá, xác định được nhu cầu của thị trường để lựa chọn cây trồng thích hợp.
Kim Ngân
.
.
.