Cú hích cho điện sạch từ trạm biến áp và tuyến dây 500 kV đầu tiên do tư nhân thực hiện

Thứ Sáu, 10/12/2021, 11:40

Đến nay, công trình Trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và tuyến dây 500 kV, 220 KV tại tỉnh Ninh Thuận do Trungnam Group đầu tư, bàn giao cho Nhà nước với giá 0 đồng, đã được đưa vào vận hành đảm bảo tuyệt đối an toàn hơn 1 năm. Công trình này đã góp phần tạo cú hích đưa tỉnh Ninh Thuận thực sự trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước theo tinh thần Nghị quyết 115 của Chính phủ...

Trạm biến áp và tuyến dây 500 kV được đưa vào khai thác, trở thành một mắt xích trong hệ thống truyền tải điện Quốc gia cũng đã đưa Trungnam Group trở thành nhà đầu tư tư nhân đầu tiên của cả nước tham gia xây dựng công trình truyền tải điện ở cấp độ 500 kV.  Công trình cũng góp phần hiện thực hóa chủ trương của Đảng về đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, khuyến khích và tạo điều kiện để kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng theo tinh thần Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Cú hích cho điện sạch từ công trình Trạm biến áp và tuyến dây 500kV đầu tiên do tư nhân thực hiện   -0
Trạm biến áp 500kV Thuận Nam.

Đánh giá lại kết quả sau 1 năm công trình được đưa vào vận hành, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trungnam Group cho biết, Trạm biến áp và tuyến dây 500 kV đã chứng minh được hiệu quả và mang lại lợi ích thiết thực; giúp giải tỏa toàn bộ công suất các nhà máy điện gió, điện mặt trời ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận. Các nhà máy điện gió, điện mặt trời trên địa bàn tránh được tình trạng phải giảm phát gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng mỗi năm; góp phần tăng nguồn thu ngân sách và cải thiện môi trường thu hút đầu tư cho tỉnh Ninh Thuận.

Cùng với việc đóng góp nguồn phát cho hệ thống điện Quốc gia, thông qua việc đầu tư, đưa vào vận hành hệ thống truyền tải 500 kV Thuận Nam, Trungnam Group đã góp phần chia sẻ đáng kể gánh nặng và giảm áp lực cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong việc huy động công suất và giải quyết tình trạng quá tải lưới điện tại khu vực Ninh Thuận.

Trong hơn 1 năm vận hành vừa qua, lượng điện từ Nhà máy điện mặt trời 450 MW của Trungnam Group thông qua Trạm biến áp và tuyến dây 500 kV trên chỉ chiếm 8% trong quy mô truyền tải, phần còn lại là truyền tải hộ các nhà máy điện khác trong khu vực và nhà máy nhiệt điện Vân Phong trong tương lai. Theo tính toán của ông Tiến, chi phí truyền tải thu từ các nhà máy điện tham gia đấu nối, giải tỏa công suất qua hệ thống Trạm 500 kV Thuận Nam đã lên đến hơn 200 tỷ đồng. Trong thời gian sắp tới, khi đường dây Vân Phong - Thuận Nam đi vào hoạt động, cùng với việc các dự án năng lượng khác tiếp tục tham gia đấu nối, với khả năng truyền tải của hệ thống Trạm biến áp 500 kV Thuận Nam lên đến 6000 MW, chi phí truyền tải đơn vị quản lý Nhà nước thu về sẽ đạt mức 2.000 tỷ đồng mỗi năm.

Công trình Trạm biến áp 500 kV Thuận Nam với công suất 3 x 900 MW, tuyến dây 500kV Thuận Nam - Vĩnh Tân dài 13,2 km và tuyến dây 220 kV dài 2 km với số vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng được Trungnam Group hoàn thành trong thời gian ngắn kỷ lục hơn 3 tháng dưới sự giám sát của ngành điện và thi công trong điều kiện địa hình đồi núi phức tạp, hiểm trở. Đi liền với công trình truyền tải do nhà đầu tư bỏ tiền làm, bàn giao miễn phí cho Nhà nước này, Trungnam Group cũng được giao làm chủ đầu tư Nhà máy điện mặt trời công suất 450 MW tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.

Dự án điện mặt trời có công suất rất lớn này cũng được nhà đầu tư hoàn thành trong vòng 6 tháng. Đây là những lợi thế lớn về mặt thời gian của việc đầu tư bằng vốn tư nhân so với đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách để kịp thời đáp ứng giải tỏa công suất cho vài chục nhà máy điện gió, điện mặt trời đang bị giảm phát ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận. 

Dù đã trở thành Trung tâm phát triển năng lượng tái tạo của cả nước, nhưng trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ vào ngày 2/12 vừa qua, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND Ninh Thuận vẫn nêu ra một loạt khó khăn, vướng mắc và kiến nghị về lĩnh vực này. Với điện gió, ông Nam cho biết, theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì các dự án điện gió vận hành trước ngày 1/11/2021 được hưởng giá điện 8,5 cent/KWh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh COVID-19, một số dự án đã thi công hoàn thành nhưng khó khăn trong công tác vận hành, do đội ngũ chuyên gia nước ngoài chưa thể vào địa phương để xử lý phần mềm các cấu hình thiết bị, nên không hoàn thành phát điện hòa lưới theo mốc thời hạn trên để được hưởng chính sách giá ưu đãi.

Về điện mặt trời, chính sách giá điện mặt trời theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng đã hết hiệu lực từ ngày 1/1/2021, đến nay chưa ban hành chính sách giá điện mới và cơ chế phát triển các dự án điện mặt trời mới. Vì vậy, nhiều dự án điện mặt trời đã hoàn thành nhưng chưa có giá điện, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến thu hút đầu tư của Ninh Thuận.

Về tình hình thực hiện Nghị quyết 115 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách đặc thù của Ninh Thuận, ông Nam thông tin, đến nay chủ trương thay thế nguồn điện hạt nhân 4.600 MW bằng nguồn điện khí LNG tại Trung tâm điện lực Cà Ná trong Quy hoạch điện VIII vẫn chưa được bổ sung. Do đó, để tạo điều kiện cho địa phương có tiềm năng, lợi thế về phát triển năng lượng tái tạo, thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, ông Trần Quốc Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo nhất là điện gió ngoài khơi trong Quy hoạch điện VIII để thực hiện chủ trương xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo theo tinh thần Nghị quyết 115 của Chính phủ. Đồng thời chấp thuận chủ trương bổ sung cảng LNG và trung tâm tái hóa khí LNG Cà Ná vào Quy hoạch năng lượng Quốc gia để tận dụng lợi thế của cảng nước sâu này.

Đức Thắng
.
.
.