Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh
Ngày 17/3 tại Hà Nội, đã diễn ra phiên họp kỹ thuật của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2023 với chủ đề Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh. Tham dự phiên họp có đại diện các bộ ngành và 12 nhóm đại diện của VBF, Hiệp hội và doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tại đây, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, việc chuyển hướng sang phát triển kinh tế xanh là xu thế tất yếu và là mục tiêu mà Việt Nam đang hướng đến nhằm thực hiện định hướng phát triển theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; đồng thời tạo cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển mới của thế giới.
Với việc xác định kinh tế xanh, chuyển đổi xanh là động lực tăng trưởng quan trọng trong dài hạn, Việt Nam đang tích cực triển khai lộ trình sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý nhằm huy động nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh và khuyến khích hoạt động sản xuất và đầu tư xanh, thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển dịch năng lượng, chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn, phát thải carbon thấp.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam luôn xác định cộng đồng doanh nghiệp có vai trò quan trọng, tích cực trong thực hiện các mục tiêu kinh tế xanh và tăng trưởng bền vững.
Tại phiên họp, 12 nhóm công tác của VBF đã nêu lên những vướng mắc, khó khăn về cơ chế, tính pháp lý của từng mảng như năng lượng, nông nghiệp, kinh tế số và kinh tế, thương mại, cơ sở hạ tầng, thuế và hải quan….
Trong đó, đại diện nhóm Nhóm công tác điện và năng lượng đưa ra thông tin nhà đầu tư quan tâm tới quy hoạch điện VIII và cho rằng việc sửa đổi Luật Điện lực gần đây sẽ tạo ra khuôn khổ thu hút thêm nguồn vốn từ khu vực tư nhân để hỗ trợ quá trình chuyển dịch năng lượng. Vấn đề biểu giá điện hỗ trợ (FIT) cho các dự án điện năng lượng mặt trời và năng lượng gió và giải pháp cho những dự án chuyển tiếp năng lượng tái tạo cũng được đưa ra.
Nhóm công tác cũng cho rằng, điện gió ngoài khơi có tiềm năng lớn ở Việt Nam và trong tương lai có thể trở thành một phần của phụ tải cơ sở cho lưới điện quốc gia. Gần đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm tới việc phát triển trang trại điện gió lớn ở ngoài khơi tại Việt Nam. Việc phát triển một dự án lớn như vậy, đòi hỏi Việt Nam cần đưa ra cơ chế và chính sách tạo sự ổn định và rõ ràng cho nhà đầu tư.
Nhóm công tác Đầu tư và Thương mại và Cơ sở hạ tầng nêu ra nhiều vấn đề liên quan đến đất đai. Theo đó, các công ty nước ngoài bày tỏ băn khoăn về việc có tiếp tục sử dụng quyền sử dụng đất và nhà xưởng sau khi hết thời hạn liên doanh hay việc thế chấp quyền sử dụng đất tại các tổ chức tín dụng nước ngoài.
Tại đây, các bộ ngành cũng đã giải đáp những kiến nghị của nhóm công tác. Phản hồi về những kiến nghị của nhóm công tác điện và năng lượng, ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, về quy hoạch điện VIII hiện Bộ Công Thương đang tiếp tục hoàn thiện nội dung. Bộ sẽ sớm hoàn thiện và gửi báo cáo lên Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.
Về cơ chế cho điện gió và mặt trời chuyển tiếp, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 15 quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp và Quyết định 21 về khung giá phát điện cho các nhà máy này. Hiện nay đã có khung giá cho các dự án điện gió, điện mặt trời, Bộ cũng gửi email, văn bản đề nghị các chủ đầu tư sớm triển khai đàm phán với EVN để đưa vào hoạt động. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã ban hành một số thông tư để hướng dẫn cụ thể. “Khung pháp lý cho các dự án này đã đầy đủ, thời gian tới, bên bán điện cần đàm phán với bên mua điện EVN theo quy định của Luật Điện lực, Quyết định 21 và thông tư 01”, ông Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.
Về phát triển điện mặt trời áp mái, ông Nguyễn Tuấn Anh thông tin, định hướng Quy hoạch Điện VIII sẽ đẩy mạnh các loại hình NLTT, trong đó ưu tiên nguồn tại chỗ, không đấu nối, không bán điện vào lưới điện quốc gia, khuyến khích điện mặt mái nhà của cơ sở sản xuất kinh doanh, tự sản xuất, tự sử dụng. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận, hiện đang khuyến khích phát triển các loại hình nguồn điện không phát lên lưới điện, do hiện quy mô các nguồn NLTT tương đối cao trong khi truyền tải, tích trữ cần có thời gian phát triển phù hợp. Thời gian tới, cần nghiên cứu đề xuất cơ chế cho loại hình nguồn điện như điện mặt trời mái nhà mà đấu nối lên lưới điện quốc gia.
Trao đổi kết luận tại phiên kỹ thuật của VBF, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, phiên kỹ thuật đã thu hút sự tham gia của hơn 300 đại biểu tham dự trực tiếp, 14 đại biểu từ khối doanh nghiệp phát biểu về 2 nhóm vấn đề chính có tính thời sự là kinh tế xanh, phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới. Sau 25 năm, VBF đã thực hiện rất hiệu quả vai trò cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, nhưng còn dư địa cải tiến cách làm. Theo đó, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị các nhóm công tác tiếp tục làm việc với cơ quan chuyên môn của các bộ ngành liên quan và có đề xuất giải pháp, khuyến nghị cụ thể, chuẩn bị tốt nhất cho phiên họp cấp cao VBF diễn ra vào ngày 19/3.