Trò chuyện Chủ nhật

Công chức, viên chức rời sang khu vực tư là dịch chuyển lao động bình thường

Chủ Nhật, 09/10/2022, 07:31

Theo con số của Bộ Nội vụ, báo cáo của 28 cơ quan trung ương và 63 tỉnh, thành, từ năm 2020 đến 6 tháng đầu năm 2022 có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc. Trong đó khối giáo dục hơn 16.000, y tế 12.000 người nghỉ việc. Nhìn vào con số khiến không ít người giật mình.

Tuy nhiên, ở góc độ của một chuyên gia về khoa học lao động xã hội, TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng, đây không phải là vấn đề đáng lo. PV đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Thị Lan Hương xung quanh vấn đề này.

Công chức, viên chức rời sang khu vực tư là dịch chuyển lao động bình thường -0
TS Nguyễn Thị Lan Hương.

PV: Thưa TS Nguyễn Thị Lan Hương, gần 40 nghìn công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển từ khu vực công sang khu vực tư trong 2,5 năm qua là con số rất đáng để suy nghĩ. Là chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực khoa học lao động và xã hội, bà đánh giá thế nào về vấn đề này?

TS Nguyễn Thị Lan Hương: Tôi cho rằng, nhìn vào con số gần 40 nghìn công chức, viên chức bỏ ra ngoài chỉ trong 2,5 năm vừa qua đúng là có chút suy nghĩ nhưng không phải là báo động như người ta nói. Điều đó thể hiện rằng khu vực nhà nước hiện nay không còn hấp dẫn đối với nhiều người. Trước đây, người ta đổ xô vào khu vực nhà nước bởi lương có thể không cao nhưng lại có những đãi ngộ khác mà những khu vực khác không có được. Không chỉ Việt Nam mà ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng vậy. Trước đây, người ta bằng mọi cách để vào, nhưng nay lại có không ít người đi ra.

Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn tổng thể, nhóm rời khỏi khu vực nhà nước là nhóm nào, thuộc ngành nghề, lĩnh vực nào. Tôi cho rằng, ở khu vực nhà nước có nhiều người xin ra nhưng chắc chắn cũng sẽ có rất nhiều người nộp đơn để xin vào. Mọi người cứ để ý sẽ thấy, mỗi khi cơ quan nhà nước nào đó thông báo tuyển một vị trí vẫn sẽ có hàng trăm hồ sơ xin ứng tuyển. Do đó, theo quan điểm của tôi, việc người lao động dịch chuyển từ chỗ này sang chỗ kia, khu vực này sang khu vực kia là vấn đề của thị trường lao động, không có gì là phải đáng lo cả. Hiện tượng này là bất bình thường nhưng cái bất bình thường này chúng ta cũng giải thích được, và nó cũng chỉ là một xu hướng bình thường trong cuộc sống bởi dịch chuyển của thị trường lao động là bình thường.

Công chức, viên chức rời sang khu vực tư là dịch chuyển lao động bình thường -0
Từ năm 2020 đến 6 tháng đầu năm 2022 có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc.

PV: Theo con số của Bộ Nội vụ, những người xin ra chủ yếu là của 2 lĩnh vực y tế và giáo dục. Lý giải cho thực trạng này là do lĩnh vực giáo dục, y tế với công việc rất áp lực, rồi thu nhập chưa tốt nên có chuyện chuyển việc, nghỉ việc. Bà có đồng tình với lý giải này?

TS Nguyễn Thị Lan Hương: Tôi cho rằng nguyên nhân sâu xa của tình trạng này xuất phát từ việc hệ thống tiền lương, đãi ngộ chưa tốt. Tại sao hai lĩnh vực y tế và giáo dục có thể thuộc về dịch vụ công. Có nghĩa là có nguồn vào và nguồn ra, nhà nước chỉ hỗ trợ một phần chẳng hạn như khu vực hành chính thôi. Còn khu vực sự nghiệp thì người ta tự chủ. Cho nên nói rằng thu nhập thấp dẫn đến người ta bỏ ra ngoài chỉ là một góc độ, còn nguyên nhân chính là do hệ thống đó vận hành chưa đúng nguyên tắc của nó.

Ngoài cơ chế về tiền lương, còn cả cơ chế về quản lý cán bộ hiện nay cũng chưa đúng. Ví dụ như biên chế của bệnh viện, ở các tỉnh do Sở Nội vụ quản lý chẳng hạn. Việc chồng chéo trong quản lý sẽ khiến việc tuyển dụng không đáp ứng được yêu cầu, cũng như nguyện vọng của của đơn vị tuyển dụng và người vào làm việc. Chỉ có người làm việc trực tiếp tuyển thì mới chính xác được vị trí cần tuyển, người được tuyển dụng vào phải đáp ứng được những gì về chuyên môn. Cho nên cơ chế tuyển dụng, cơ chế sử dụng, cơ chế đãi ngộ… là có vấn đề mới dẫn đến tình trạng này. Người ta nói nhiều về câu chuyện tăng lương, nhưng theo tôi tăng lương sẽ không giải quyết được triệt để vấn đề bởi mức tăng lương của nhà nước sẽ không bao giờ "đu" được với thị trường.

PV: Theo lý giải, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng công chức, viên chức ồ ạt nghỉ việc như: Về mặt khách quan là do khu vực công và tư hiện nay đang có sự cạnh tranh; còn về mặt chủ quan là do chế độ chính sách tiền lương còn rất nhiều khó khăn trong khu vực công, so với nhu cầu cuộc sống vẫn chưa theo kịp, rồi môi trường làm việc, điều kiện làm việc một số thời điểm trong khu vực công cũng chưa thực sự hấp dẫn, chưa thực sự tạo ra cơ hội để cán bộ, công chức, viên chức phát huy tốt năng lực của mình…, lý giải việc này như thế nào?

TS Nguyễn Thị Lan Hương: Tôi cho rằng, lý do khách quan chỉ là phần nhỏ mà chủ yếu ở đây là do chủ quan. Khu vực nhà nước cũng chỉ là một khu vực của nền kinh tế, bên cạnh đó còn khu vực kinh tế tư nhân, khu vực kinh tế tập thể, khu vực kinh tế hộ gia đình, khu vực kinh tế FDI… Thật ra khu vực nhà nước là khu vực mà ai người ta cũng muốn vào. Giờ nói có đến 40 nghìn người xin ra, mọi người thấy hoảng, chứ chỉ cần một bộ nào đó thông báo tuyển dụng thì 1 vị trí có khi có đến cả nghìn lá đơn. Cho nên cái việc vào ra trong nền kinh tế thị trường này cần bình tĩnh nhìn nhận và chắc chắn sẽ không xảy ra vấn đề gì cả.

Trước đây chúng ta không có con số thống kê cụ thể nên giờ nhìn con số thấy hãi chứ thực ra năm nào mà chẳng có người vào người ra. Gần đây công chức, viên chức xin thôi việc có tăng lên, nhưng tỷ lệ thôi việc trong hơn 2 năm gần đây chỉ chiếm khoảng 2% so với tổng số biên chế công chức, viên chức. Trong khi chỉ tiêu tinh giản biên chế từ năm 2021 tới 2026 đặt ra là 15%. Những ngày qua người ta cứ nói về việc đó như là “làn sóng thôi việc” khiến cho người nghe thấy hoang mang. Theo tôi, cách gọi đó chưa chính xác, vì có “thôi việc” thì sẽ có “tuyển dụng”, “có vào, có ra”, có người rời đi thì sẽ có người gia nhập. Đấy là chuyện hết sức bình thường. Vấn đề ở đây là mình muốn giữ ai. Trong đội ngũ rời đi đó nếu toàn là những người giỏi, người tài thì mình cần và cố gắng giữ lại. Lao động bậc 3 thì ngoài thị trường có rất nhiều, nhưng một người giỏi, biết việc và có kinh nghiệm thì không phải có nhiều. Do đó, những người này thì thật sự cần giữ.

PV: Đang có ý kiến cho rằng, để trở thành công chức, viên chức đòi hỏi phải tốt nghiệp đại học, cao đẳng và trải qua các kỳ thi tuyển rất khó khăn. Đây là nguồn lao động thực sự có chất lượng và chúng ta đang để mất nguồn nhân sự chất lượng này để làm việc trong khu vực công. Bà có nghĩ thế không?

TS Nguyễn Thị Lan Hương: Điều này là đúng nhưng chưa đủ. Trước hết, chúng ta phải nhìn nhận lại cho đúng kể cả từ bằng cấp, chứng chỉ của người ta. Tôi ví dụ như ở Nhật Bản, ngày 5/3 hằng năm họ có đợt thi tuyển công chức, gọi là mùa thi tuyển công chức. Sau đó, những người thi tuyển có thể cầm kết quả thi tuyển đó đi nộp hồ sơ vào các cơ quan, đơn vị nhà nước. Họ tổ chức một kỳ thi như thế để đội ngũ công chức có một trình độ tối thiểu nhất định và cũng là để chuẩn hóa về các quy định liên quan đến trình độ, tiêu chuẩn của công chức. Chúng ta cũng cần chuẩn hóa giống như họ để có được nguồn nhân lực cho khu vực nhà nước tốt nhất. Vấn đề này chúng tôi đã đề cập đến rất nhiều lần tại các hội thảo khoa học.

Thực tế cho thấy, hầu như đa số những người giỏi chuyên môn, nghiệp vụ đang làm ở khu vực ngoài công lập đều đã từng có thời gian làm việc và được rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, vững chuyên môn trong khu vực công. Chẳng có ai yếu kém mà được khu vực ngoài công lập mời về hoặc tiếp nhận vào làm việc. Làm việc ở khu vực công hay khu vực tư đều phục vụ nhân dân, phát triển đất nước. Vì thế, không nên nghĩ đây là “chảy máu chất xám” trong khu vực công. Ngược lại, phải nghĩ rằng đây là tín hiệu tốt, cho thấy tư duy của người lao động đã thay đổi, không còn phân biệt khu vực công với khu vực tư và giúp chúng ta nhận thức được trong kinh tế thị trường sẽ luôn có sự dịch chuyển cơ cấu nhân lực xã hội. Từ đó phải có các chính sách thu hút, giữ chân và phát triển nguồn nhân lực trong khu vực công, bảo đảm tính cạnh tranh với khu vực tư.

PV: Theo bà, chúng ta cần có những giải pháp, điều chỉnh chính sách như thế nào để giữ chân và thu hút được đội ngũ nhân sự có chất lượng cao làm việc trong khu vực công?

TS Nguyễn Thị Lan Hương: Có nhiều vấn đề chúng ta cần thay đổi cho phù hợp với thực tế hiện nay chẳng hạn như phải cải cách hệ thống quản lý, thay đổi cơ chế đãi ngộ. Chính sách về tiền lương rất quan trọng nhưng nếu làm không tốt thì cũng không giải quyết được vấn đề. Nhà nước cần phải quan tâm nghiên cứu để sớm đổi mới thể chế, chế độ tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức, sớm cải cách tiền lương theo vị trí việc làm; xây dựng môi trường làm việc, tạo động lực cho công chức, viên chức làm việc… để bảo đảm tính cạnh tranh, tính hấp dẫn so với khu vực tư, nhằm thu hút, trọng dụng người giỏi chuyên môn, nghiệp vụ vào làm việc.

Cùng với đó, các cơ quan nhà nước cũng cần tiếp tục cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức, tập trung vào thay đổi cơ chế tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức theo vị trí việc làm; thực hiện tinh giản biên chế; đổi mới cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong khu vực sự nghiệp công. Việc này nên thực hiện theo hướng dù kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp, hoặc từ nguồn thu sự nghiệp, thì các đơn vị sự nghiệp đều được giao quyền tự chủ với mục tiêu là hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hơn nữa, Chính phủ cần có Chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các cơ quan hành chính từ Trung ương đến địa phương.

PV: Xin cảm ơn TS Nguyễn Thị Lan Hương!

Phan Hoạt (thực hiện)
.
.
.