Chuyển đổi xanh xuất khẩu để đáp ứng "luật chơi" mới
Ngày 24/11, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với các dự án do chính phủ Thụy Sĩ hỗ trợ, tổ chức Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2023 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu xanh”.
Xu hướng tất yếu
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, vấn đề phát triển xanh, xuất khẩu xanh, bền vững không còn là chủ đề mới. Hiện nay, các cơ quan chính phủ, tổ chức công và khối tư nhân trên thế giới đã đặt sự quan tâm lớn tới vấn đề liên quan tới chủ đề thương mại xanh.
“Xu hướng phát triển này đã và đang hình thành nên “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư”, Thứ trưởng nhấn mạnh và cho biết, nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu như chính sách tăng trưởng xanh châu Âu, thỏa thuận xanh châu Âu kèm theo các cơ chế chương trình như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (Carbon Border Adjustment Mechanism - CBAM); Chiến lược từ Trang trại đến bàn ăn (Farm to Fork); Kế hoạch Hành động kinh tế tuần hoàn (Circular Economy Action Plan) hay Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030...
Theo lãnh đạo ngành Công Thương, để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, các nước xuất khẩu cần thay đổi tư duy, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi cung ứng, trong thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm thải carbon, nghiên cứu ban hành chính sách, cơ chế hỗ trợ triển khai các giải pháp áp dụng công nghệ sạch, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, sản xuất sạch hơn, kinh tế tuần hoàn.
Doanh nghiệp phải chủ động thay đổi nhận thức về sản xuất xanh
Ông Đinh Quốc Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, ngành Thép - một trong những ngành tiêu tốn năng lượng và phát thải nhiều, buộc phải thúc đẩy nhanh hơn quá trình sản xuất xanh, giảm phát thải để tăng xuất khẩu vào EU, hướng tới phục tiêu Net Zero trong dài hạn. Làm thép xanh là con đường dài, đòi hỏi nguồn lực về tài chính, công nghệ, cũng như sự chủ động của doanh nghiệp, nhất là khi các quy định giảm phát thải carbon vẫn còn mới.
Theo ông Thái, ngành Thép Việt Nam và các doanh nghiệp thép đã, đang và sẽ tiếp tục phối hợp với đơn vị liên quan để có hành động đáp ứng được CBAM. Thời gian tới, Hiệp hội sẽ tiếp tục nghiên cứu giải pháp và lộ trình triển khai nhằm cân bằng việc dần giảm phát thải carbon, đảm bảo tiến tới một ngành sản xuất thép có khả năng cạnh tranh và phát triển xanh.
Để đẩy mạnh xuất khẩu, các doanh nghiệp thép trong nước phải nâng cao kiến thức và hướng tới sản xuất xanh, bền vững, bắt kịp xu thế của thế giới. Để thúc đẩy xuất khẩu, ngoài sự nỗ lực từ phía doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cần đơn giản hóa thủ tục nhận và báo cáo dữ liệu liên quan đến phát thải CO2, đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng chiến lược/kế hoạch hành động để ứng phó với Cơ chế CBAM. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần được hướng dẫn chi tiết hơn về xác nhận lượng khí thải carbon và gửi dữ liệu cho các đối tượng liên quan đến phát thải CO2…
Ông Lê Văn An, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam cũng cho rằng, trong việc chuyển đổi xanh thì có thể bắt đầu tư năng lượng tái tạo, tận dụng hồ thuỷ lợi, kênh mương tưới tiêu để sản xuất điện năng lượng mặt trời. Cùng với đó, trồng tre ở ven các hồ thuỷ lợi vừa mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân, giữ nước, đất và cây tre cũng mang lại giá trị cả về tín chỉ carbon. Nếu chúng ta thực hiện được thì việc chuyển đổi sản xuất xanh hoá sẽ rất hiệu quả trong việc phát triển thị trường và xuất khẩu vào thị trường EU. Ví dụ về cây tre, ông Lê Văn An cho biết, cây tre có thể dùng để sản xuất than, than đấy sản xuất ra hạt nhựa và độ phân hủy cao, phù hợp với yêu cầu xanh hoá của EU hay viên nén tre để sản xuất điện sinh khối…Cơ hội sản xuất xanh phụ thuộc rất lớn vào doanh nghiệp, việc chuyển đổi cần có thời gian và sự hướng dẫn cụ thể để đáp ứng được các tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu yêu cầu.
TS. Nguyễn Phương Nam, chuyên gia đánh giá quốc tế của UNFCCC cho rằng, phần lớn doanh nghiệp trong nước là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đưa sản phẩm ra thị trường đã khó, để sản xuất sản phẩm xanh còn khó hơn rất nhiều. Do đó với nguồn lực hạn chế, doanh nghiệp cần xác định được đâu là lĩnh vực mũi nhọn, dòng sản phẩm cạnh tranh nhất của mình. “Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần có sự linh hoạt nhất định, tập trung một, hai sản phẩm chứ không nên dàn trải. Khi có kinh tế tốt có thể mở rộng nhiều sản phẩm”, ông Nguyễn Phương Nam gợi ý, đồng thời cho biết một trong những vấn đề doanh nghiệp cần lưu ý là thông tin về kiểm kê khí nhà kính trên sản phẩm. Đây sẽ là thông tin lợi thế để doanh nghiệp tạo “uy tín” sản phẩm trên thị trường.
Dưới góc nhìn của bà Nguyễn Minh Huệ, Quản lý dự án, Công Ty Tư Vấn Và Dịch Vụ Đổi Mới Khí Hậu KLINOVA, để chuyển đổi xanh phải bắt đầu từ nhận thức của doanh nghiệp, có muốn làm hay không? Nếu doanh nghiệp không muốn làm thì tất cả hành động đều vô nghĩa. Tiếp đó là sự quyết tâm của đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp để quyết định chuyển đổi và thực thi quá trình chuyển đổi xanh.
Về vấn đề kiểm kê khí nhà kính cần bắt đầu từ dữ liệu. Nếu doanh nghiệp có dữ liệu tốt sẽ bắt đầu thuận lợi, vì yêu cầu chuyển đổi số hay chuyển đổi xanh đều cần đến dữ liệu. Do đó, ngay từ bây giờ doanh nghiệp cần lưu trữ cũng như chuẩn hóa được dữ liệu.