Chuyển đổi sản xuất xanh để bắt kịp xu hướng thế giới

Thứ Hai, 21/08/2023, 07:49

Xu hướng tiêu dùng tại một số nước đang chuyển dần sang tiêu dùng xanh, từ nông sản, thực phẩm tới các sản phẩm may mặc đều hướng tới xanh, sạch và bền vững. Để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn khắt khe do các thị trường nhập khẩu đặt ra, xuất khẩu (XK) của Việt Nam cần đẩy mạnh liên kết theo hướng xanh.

Tạo chứng chỉ carbon cho cây lúa Việt Nam

Xu hướng tiêu dùng xanh dựa trên lý thuyết về bảo vệ môi trường, đặc biệt là các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính. Châu Âu và Mỹ đã ban hành các qui định liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính, bắt đầu áp dụng từ 2024 và sẽ tăng mức độ theo từng năm. Đối với sản xuất lúa gạo, đây là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất trên phạm vi toàn cầu. Do đó việc xây dựng qui trình sản xuất lúa giảm phát thải là một trong những quan tâm hàng đầu của thế giới.

Trao đổi với PV Báo CAND về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc tập đoàn Lộc Trời cho biết, Lộc Trời đã nhận ra được thách thức này từ nhiều năm trước và đã bắt tay vào thực hiện mô hình sản xuất xanh từ năm 2018, đến năm 2020 thì thành công. Lộc Trời là công ty đầu tiên trên thế giới được các đơn vị kiểm định quốc tế xác nhận là công ty sản xuất lúa xanh nhất thế giới thông qua hệ thống chấm điểm của nền tảng sản xuất lúa gạo bền vững (SRP: Sustainable Rice Platform). Theo đó, Lộc Trời chọn thực hiện sản xuất lúa theo mô hình SRP vì mô hình này cùng lúc đáp ứng được hơn 8 trách nhiệm của người trồng lúa về môi trường, sinh vật gây hại, bảo vệ trẻ em, bảo vệ quyền lợi phụ nữ, bảo vệ sức khỏe nông dân…

4-2.jpg -0
Cán bộ kỹ thuật của Tập đoàn Lộc Trời kiểm tra năng suất lúa sản xuất theo hướng hữu cơ tại xã Hồ Sơn, Tam Đảo.

Sau khi chọn được mô hình tối ưu, Lộc Trời mời bà con nông dân cùng tham gia, tiến hành hàng loạt chương trình huấn luyện trong nhiều năm để từng bước đưa mô hình lý thuyết vào thực tế canh tác của từng hộ nông dân. Mục tiêu của Lộc Trời không chỉ dừng ở chỗ chứng minh mô hình mà còn phải đảm bảo mô hình có thể nhân rộng, phổ biến được trên diện tích lớn và tạo ra được kết quả ở qui mô cả nước. Đến nay, Lộc Trời là doanh nghiệp (DN) đầu tiên tạo ra chứng chỉ carbon cho cây lúa Việt Nam, cũng như là đơn vị duy nhất trong nước tạo ra được chứng chỉ carbon xanh cho cây lúa ở khu vực Đông Nam Á.

Theo ông Nguyễn Duy Thuận, để tạo ra chứng chỉ carbon cho cây lúa Việt Nam, Lộc Trời đã xây dựng các vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn quốc tế và có hệ thống MRV là công cụ đánh giá các hoạt động giảm phát thải nhà kính. Đến nay quy trình sản xuất đã được số hóa gần như toàn bộ, có thể truy xuất được online cũng như xác minh trực tiếp tại đồng ruộng, với nông dân và trên thực địa. Các vùng nguyên liệu lúa của Lộc Trời được tổ chức sản xuất theo quy trình canh tác theo tiêu chuẩn bền vững quốc tế (SRP).

Đây là qui trình được Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI) và Tổ chức Lương thực Liên Hiệp Quốc (FAO) ban hành. Tổ chức xác nhận là Control Union/Global GAP. Diện tích canh tác của Lộc Trời hằng năm tương đương 500 ngàn hecta mùa vụ, mỗi vụ mùa kéo dài trung bình 123 ngày, đa phần canh tác 3 vụ/năm. Đồng thời, Lộc Trời là đơn vị đầu tiên và duy nhất trên thế giới được đánh giá SRP 100 điểm trong 3 năm liên tục từ 2020-2022 trên diện tích canh tác khoảng 250ha/năm.

Đối với ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, xanh hoá không còn là xu hướng mà đã hiện hữu và được các DN dệt may đón nhận và đầu tư thích đáng. Khoảng 50% DN dệt may đã “xanh hoá sản xuất” mới có thể có đơn hàng trong bối cảnh thị trường khó khăn, cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.

Ông Phạm Tùng Linh, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đức Giang cho biết, để bắt kịp xu hướng tiêu dùng của thị trường nhập khẩu, DN. đã chuyển hướng đầu tư sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn, sử dụng năng lượng tái tạo để giảm phát thải cacbon, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời ứng dụng công nghệ số để thiết kế sản phẩm mẫu.

4-3.jpg -0
Xanh hoá, phát triển bền vững là con đường phải đi với ngành dệt may.

Đổi mới để tham gia xâu chuỗi sản xuất toàn cầu

Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, châu Âu là một trong các thị trường XK hàng đầu của Việt Nam, tuy nhiên, những thay đổi về xu hướng tiêu dùng cũng như các quy định, tiêu chuẩn mới đang là những thách thức lớn đối với DN XK Việt Nam. Hiện tại Bỉ và EU xu hướng tiêu dùng từ thực phẩm, sản phẩm may mặc, da giày… đều hướng đến sản phẩm xanh, sạch, bền vững và điều này tác động đến xu hướng thu mua của nhà mua hàng quốc tế.

Cùng với đó, các tiêu chuẩn môi trường, trách nhiệm xã hội, lao động được ban hành ngày càng chặt chẽ. Đặc biệt Ủy ban châu Âu (EC) vừa có đề xuất áp dụng chương trình trách nhiệm nhà sản xuất mở rộng bắt buộc (EPR) với DN sản xuất dệt may. Theo đó, DN sản xuất dệt may phải đảm bảo trách nhiệm cho toàn bộ vòng đời của sản phẩm, hỗ trợ sự quản lý bền vững rác thải dệt may khắp châu Âu. Theo ông Trần Ngọc Quân, việc đưa ra quy định khắt khe hơn với mặt hàng dệt may của EU sẽ gây sức ép rất lớn cho DN XK Việt Nam, như buộc phải chuẩn bị quy trình sản xuất tuần hoàn, giảm rác thải từ dệt may; sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, có thể tái chế.

“Từ các quy định của thị trường, đơn hàng sẽ không còn ồ ạt, hạn chế quyền tiếp cận thị trường, hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. Tuy nhiên, nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn, đòi hỏi sẽ là cơ hội để hàng hoá Việt Nam có chỗ đứng vững chắc tại thị trường châu Âu”, ông Quân nói.

Theo bà Brigitte Heuser, chuyên gia ngành dệt may (SIPPO - Chương trình Xúc tiến Nhập khẩu Thụy Sỹ), sản xuất xanh là xu hướng tất yếu nhất là trong ngành dệt may, do đó, DN Việt Nam cần đồng bộ quy trình sản xuất, đảm bảo trách nhiệm trong sản xuất, sản phẩm của mình. Theo đó, ngành dệt may cần chuyển đổi thành chuỗi giá trị hiệu quả và bền vững thông qua nhiều sáng kiến, quy định mới để thúc đẩy tính bền vững và tuần hoàn. Đây cũng là một trong những thách thức lớn nhằm đạt được tổng hóa học xanh cũng như đáp ứng những đòi hỏi công nghệ đổi mới - năng lượng thấp, công nghệ nhuộm vải không dùng nước, giải pháp tái chế chất thải...

Để hỗ trợ các DN dệt may vượt qua thách thức, tận dụng được những cơ hội tiến sâu vào các thị trường, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đề nghị các hiệp hội, ngành hàng chủ động hướng dẫn, hỗ trợ DN trong xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại phù hợp với nhu cầu và năng lực của mỗi đơn vị, chủ động chuyển đổi sản xuất, kinh doanh phù hợp với xu hướng thị trường. Đặc biệt, chuyển đổi XK xanh, bền vững; tập trung cung cấp thông tin về hoạt động của DN, trao đổi kịp thời với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và các Bộ ngành liên quan, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để phân phối thực hiện có hiệu quả.

Lưu Hiệp
.
.
.