Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong đại dịch

Thứ Bảy, 31/07/2021, 09:13

Dịch bệnh COVID-19 với những thách thức chưa có tiền lệ cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) cả nước nói chung, Tây Nam Bộ nói riêng. Những ngày này, nhiều DN vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bắt nhịp với phương thức sản xuất, kinh doanh vừa cách ly, vừa sản xuất…

Dù rất khó khăn khi thực hiện "3 tại chỗ" do chi phí sản xuất tăng, công suất giảm, nhưng nhiều DN chế biến xuất khẩu tôm ở Sóc Trăng vẫn nỗ lực duy trì sản xuất không chỉ để thể hiện tinh thần chia sẻ, chung vai trong chuỗi giá trị của con tôm mà còn là biện pháp đảm bảo sự tồn tại, bền vững của DN trong giai đoạn khó khăn này. Ngay từ khi dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện rải rác tại một số tỉnh, thành vùng ĐBSCL, các DN chế biến tôm ở Sóc Trăng đều có sự chuẩn bị cho mình các phương án sản xuất, kể cả trong điều kiện giãn cách xã hội.

-2.jpg -0
 Đoàn công tác của UBND tỉnh Bạc Liêu tìm hiểu việc sản xuất tại các doanh nghiệp trên địa bàn.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho biết, để giữ chân người lao động ở lại làm việc theo phương châm "3 tại chỗ", công ty hỗ trợ 3 suất ăn/ngày, nơi ăn, ngủ, cùng một số chính sách khác, nhưng cũng chỉ có khoảng 1.400 lao động ở lại làm việc, tức chỉ bằng khoảng 40% so với ngày thường. Cái khó khi thực hiện "3 tại chỗ" là DN không đủ nơi ăn ngủ cho công nhân vì khi xây dựng nhà máy không có khu lưu trú bên trong.

Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam, cho biết: "Nhiều người lao động không đủ điều kiện ở lại làm việc, như: Có con nhỏ, cha mẹ già, lo sợ dịch… nên dù rất cố gắng thuyết phục, đãi ngộ, công ty cũng chỉ có khoảng 30% lao động chấp nhận ở lại làm việc theo phương án "3 tại chỗ".

Đoàn kiểm tra của UBND tỉnh Bạc Liêu làm việc với các công ty: Công ty TNHH MTV PINETREE (gia công hàng may mặc, vốn đầu tư từ Hàn Quốc); Nhà máy may VINATEX Bạc Liêu; Công ty TNHH Chế biến thủy sản XNK Trang Khanh; Công ty CP tôm Việt - Úc; công ty chế biến thủy sản Minh Hải - Sea F69…, cho thấy hầu hết các công ty thực hiện khá tốt, việc chia ca sản xuất để giảm số lượng công nhân dưới 300 lao động theo đúng quy định. Riêng Công ty PINETREE có số lượng gần 2.000 công nhân, khi thực hiện Chỉ thị 16, công ty đã cho công nhân nghỉ gần 50%. Hiện còn khoảng 1.000 công nhân đang làm việc ở hai khu nhà xưởng độc lập. Công ty đề nghị tỉnh cho phép mỗi nhà xưởng không quá 300 công nhân. Công ty sẽ tiến hành rào che chắn tách biệt hai khu vực để đảm bảo phòng, chống dịch…

Ông Thái Minh Thuyết, Tổng Giám đốc Công ty Xi măng Cần Thơ - Hậu Giang cho biết, các công trình của công ty hiện tạm dừng do người lao động sợ dịch nên chọn ở nhà thay vì tới công trình. Họ cho biết, nếu muốn đi làm bắt buộc phải có giấy test nhanh âm tính. Thế nhưng, chi phí test nhanh lại cao hơn tiền lương hàng ngày khiến nhiều người không mặn mà. Hiện, công ty sản xuất sản lượng chỉ đạt được 20% so với bình thường.

Ông Lê Đình Tuấn, Giám đốc Công ty CP may Nhà Bè Hậu Giang chia sẻ, tỷ lệ đăng ký "3 tại chỗ" của người lao động theo Chỉ thị số 8 của UBND tỉnh chỉ đạt 20% vào ngày 20-7, nhưng sáng hôm sau con số thực tế đi làm thấp hơn nhiều. Hỏi ra mới biết, gia đình muốn họ ở nhà để an toàn. Là DN thực hiện đơn hàng theo mùa nên nếu không kịp hàng giao đối tác thì phải đợi đến mùa sau, thiệt hại không nhỏ. Thực hiện "3 tại chỗ" theo chỉ đạo của UBND tỉnh Hậu Giang nhận được nhiều phản hồi của các DN. Đa số đều ủng hộ chấp hành chủ trương này để đảm bảo an toàn phòng dịch. Tuy nhiên, khi triển khai thực tế, các DN gặp không ít khó khăn.

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng, đến thời điểm này tình hình dịch bệnh COVID-19 rất phức tạp. Lãnh đạo tỉnh chia sẻ với doanh nghiệp và cam kết tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp tục duy trì sản xuất nhưng phải đảm bảo công tác phòng dịch, thực hiện nghiêm "5K" và "3 tại chỗ", nếu không bắt buộc phải dừng hoạt động hoặc giảm quy mô. "Thời điểm lúc này sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, chúng ta chấp nhận hy sinh một phần phát triển kinh tế, tạm thời dừng một lúc để đảm bảo sức khỏe cho người dân sau đó sẽ tăng tốc đẩy mạnh phát triển kinh tế" - ông Đồng Văn Thanh nói.

Theo ông Trần Lê Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, đối với các DN đã có phương án nhưng điều kiện thực hiện chưa đảm bảo, Sở Công Thương chủ động phối hợp với ngành chức năng hỗ trợ bổ sung kịp thời để không làm gián đoạn hoạt động sản xuất. Các hoạt động hỗ trợ tập trung chủ yếu, như: liên kết tìm địa điểm bố trí nơi ăn ở cho công nhân, hỗ trợ phương tiện đưa đón công nhân theo nguyên tắc "1 cung đường 2 điểm đến"; hỗ trợ DN tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động trước khi đưa đến nơi ở tập trung và nơi làm việc tập trung… Nhiều DN chủ động nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh, tuyên truyền, vận động người lao động tuân thủ việc ở lại công ty để thực hiện "vừa cách ly, vừa sản xuất". Phương án này nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động trong giai đoạn thành phố thực hiện Chỉ thị 16, vừa đảm bảo DN duy trì thông suốt hoạt động sản xuất để thực hiện các đơn hàng đã ký kết theo kế hoạch.

Đức Văn
.
.
.