Châu thổ Cửu Long với những chính sách linh hoạt “bình thường mới”

Thứ Hai, 14/03/2022, 09:04

Qua hơn 2 tháng đầu năm 2022, kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng châu thổ Cửu Long duy trì đà phục hồi tích cực. Nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh (SXKD) đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Hiện các tỉnh, thành trong vùng tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để doanh nghiệp (DN) phục hồi, phát triển mạnh thời gian tới.

Để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 6% của năm 2022, tỉnh Vĩnh Long kiên định thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển KT-XH một cách linh hoạt và hiệu quả. Kế hoạch phục hồi, phát triển KT-XH với trọng tâm là tăng cường đối thoại, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, tiết giảm chi phí, tại điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động SXKD của DN, nhất là nhu cầu lao động, thủ tục đầu tư, xây dựng, tiếp cận chính sách ưu đãi đầu tư...

Chautho_1-1647223526218.JPG
Chế biến cá thát lát tại một doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ.

Song song với phát triển kinh tế, tỉnh huy động tối đa các nguồn lực để chăm lo đời sống người dân, đặc biệt là các đối tượng bị tác động bởi COVID-19, lực lượng tuyến đầu chống dịch, bảo đảm kịp thời, thực chất, hiệu quả.

Vừa qua, UBND tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt phương án hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, an sinh xã hội nhằm góp phần khắc phục, giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19, với mục tiêu phấn đấu trong năm 2022 sẽ giải quyết việc làm mới cho hơn 20.000 lao động, trong đó lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là 1.700 người. Mặt khác, tỉnh đẩy mạnh đào tạo, kết nối cung cầu thị trường lao động, hỗ trợ DN thu hút, tuyển dụng lao động quay trở lại làm việc, góp phần đẩy nhanh tiến trình phục hồi hoàn toàn hoạt động SXKD cho DN thời gian tới.

Hiện, tỉnh An Giang đang kiểm soát hiệu quả, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, đưa cuộc sống người dân trở về “bình thường mới”. Các DN trên địa bàn An Giang kiến nghị lãnh đạo tỉnh có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để DN phát triển. Trong đó tháo gỡ khó khăn trong đầu tư các dự án bất động sản trên địa bàn; tập trung nguồn vốn đầu tư, hoàn thiện các dự án phát triển giao thông để thúc đẩy phát triển các dự án du lịch tại TP Châu Đốc, huyện Tịnh Biên; hỗ trợ công ty tuyển dụng lao động may mặc để tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh phục vụ xuất khẩu.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang mong muốn các DN tiếp tục đồng hành cùng chính quyền địa phương, tích cực đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của tỉnh. Tỉnh An Giang sẽ tạo môi trường thuận lợi cho DN đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và phát triển DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang - Đồng Văn Thanh cho biết, tỉnh Hậu Giang quyết định chọn năm 2022 là “Năm doanh nghiệp của tỉnh” với quan điểm “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”. Hậu Giang tập trunghỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính đối với DN; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ cho sự phục hồi bền vững của các DN.

Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, Tỉnh ủy đã ban hành đồng bộ các thể chế, cơ chế, chính sách, xây dựng Nghị quyết, chương trình hành động với cam kết luôn đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN, doanh nhân đầu tư trên địa bàn. “Thành công của DN cũng là thành công của Hậu Giang và khẩu hiệu hành động của tỉnh là “2 nhanh” và “3 tốt”. Đó là “nhanh giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư” và “cơ hội tốt, chính sách tốt, hạ tầng tốt”, ông Nghiêm Xuân Thành khẳng định.

Ông Trương Quốc Trạng, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP Cần Thơ, cho biết: “Sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố đang khôi phục. Các DN đã nối lại hoạt động SXKD. Đến tháng 2/2022, số DN hoạt động là 1.089/1.195, tăng 55 DN hoạt động trở lại so với tháng trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng 2 tăng 11,36% so với tháng trước. Lũy kế 2 tháng đầu năm nay, IIP tăng 9,92% so với cùng kỳ”.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện theo dõi, bám sát tình hình, chuẩn bị các giải pháp ứng phó với diễn biến dịch bệnh và thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống theo các Nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ. Tập trung thực hiện các công trình, dự án hạ tầng giao thông quan trọng của thành phố và đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công...

Định hướng thu hút đầu tư trong năm 2022, tỉnh Bạc Liêu tập trung thu hút đầu tư vào 5 lĩnh vực trụ cột, gồm: Phát triển nông nghiệp mà trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo; phát triển công nghiệp trọng tâm là năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và điện khí; phát triển du lịch, thương mại dịch vụ, giáo dục, y tế chất lượng cao, kinh tế biển gắn với bảo đảm an ninh - quốc phòng...

Đức Văn
.
.
.