Cao tốc Bắc-Nam vẫn gặp khó do thiếu vật liệu thi công

Thứ Sáu, 19/07/2024, 08:23

Từ tháng 7, cát biển được khai thác tại Sóc Trăng đã được đưa vào thí điểm đắp nền đường tại công trường của Dự án thành cao tốc Hậu Giang-Cà Mau. Việc sử dụng biển được đánh giá là đáp ứng tiêu chuẩn đối với vật liệu thi công nền đường; thi công tương tự cát sông, chưa có biểu hiện tăng độ mặn đối với môi trường xung quanh.

Những tưởng, từ đây, nguồn khan hiếm vật liệu thi công đường cao tốc sẽ được khắc phục. Thế nhưng theo báo cáo mới nhất thì trên toàn quốc, nhiều dự án giao thông trọng điểm vẫn chậm tiến độ vì thiếu cát đắp nền đường.

caottoc.jpg -0
Công trường thi công xây dựng cao tốc Bắc - Nam, giai đoạn 2021 - 2025.

Lại đối mặt với nguy cơ chậm tiến độ

Với các dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025, theo báo cáo của Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải), đến nay mặt bằng bàn giao khoảng 717,47/721,25km (đạt 99,5%), mặt bằng có thể thi công được khoảng 714,88/721,25km (đạt 99,1%). Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện yêu cầu các địa phương đang tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để hoàn thành khối lượng còn lại trước ngày 30/6/2024, tuy nhiên, đến nay các dự án đều không hoàn thành do tiến độ di dời đường điện cao thế của một số địa phương còn chậm, nguồn cung ứng vật tư thiết bị điện, phụ kiện đường dây cao thế nhập khẩu từ nước ngoài bị chậm.

Về tiến độ thi công, sản lượng thực hiện các dự án cao tốc Bắc-Nam đạt khoảng 40.623,8 tỷ đồng (khoảng 41,3% giá trị hợp đồng); trong đó một số dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam triển khai đáp ứng tiến độ yêu cầu và có sản lượng thực hiện cao đạt trên 45% hợp đồng gồm: Bãi Vọt-Hàm Nghi, Bùng-Vạn Ninh, Vạn Ninh-Cam Lộ, Chí Thạnh-Vân Phong, Dự án Vũng Áng-Bùng và Vân Phong-Nha Trang sản lượng đạt trên 54% hợp đồng. Một số dự án thành phần tiến độ triển khai có nguy cơ chậm như đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn, Cần Thơ-Hậu Giang, Hậu Giang-Cà Mau.

Ngoài nguyên nhân do thủ tục cấp mỏ vật liệu xây dựng chậm, công suất khai thác mỏ cát chưa đáp ứng, một số nhà thầu triển khai thi công chưa đáp ứng yêu cầu. Cụ thể, với 2 dự án thành phần đoạn từ thành phố Cần Thơ đến Cà Mau, các địa phương đã xác định nguồn cung và cấp bản xác nhận khai thác cho dự án là 16/19 triệu m3 cát, còn thiếu 3 triệu m3; thực tế đang khai thác 14,9 triệu m3, chưa thể khai thác 1,1 triệu m3. Đến nay, 5,93 triệu m3 cát đã được đưa về công trường, trong khi nhu cầu cát cần đưa về công trường để hoàn thành công tác đắp gia tải theo kế hoạch là 10,8 triệu m3. Công suất khai thác còn hạn chế, hiện chỉ đạt trung bình 27.000m3/ngày, trong khi nhu cầu cần cung ứng là 70.000-90.000m3/ngày.

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư 2 dự án thành phần cao tốc đoạn từ Cần Thơ đến Cà Mau) cho biết đến nay, tiến độ của dự án đạt hơn 34% so với kế hoạch, chậm 14% do còn thiếu hụt về nguồn cát.

Để hoàn thành dự án trong năm 2025, từ nay đến ngày 31/10/2024 phải hoàn thành công tác đắp cát gia tải, nhu cầu cát là khoảng gần 9,6 triệu m3. Ban quản lý dự án kiến nghị các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre và Sóc Trăng tiếp tục hỗ trợ dự án về thủ tục điều phối, tăng công suất đối với các mỏ cát sông và cát biển.

cat.jpg -0
Nhiều dự án giao thông trọng điểm vẫn chậm tiến độ vì thiếu cát đắp nền đường. Ảnh minh họa.

Phải sớm giải quyết dứt điểm khó khăn cung ứng vật liệu xây dựng

Trước tình hình trên, mới đây tại buổi họp giải quyết vướng mắc cho dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm có văn bản trả lời chính thức những vấn đề được lãnh đạo các địa phương nêu lên tại cuộc họp (trong đó có hướng dẫn rõ đối với ý kiến của UBND tỉnh Đồng Nai về thỏa thuận khai thác mỏ đất); đề nghị các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành liên quan để giải quyết các khó khăn, vướng mắc mới nảy sinh.

UBND tỉnh Bến Tre và các địa phương triển khai áp dụng cơ chế đặc thù theo quy định để rút ngắn thời gian cấp phép khai thác mỏ cát nhưng phải tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục như đánh giá trữ lượng, quan trắc môi trường... trong quá trình khai thác. UBND các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre chủ động giải quyết theo thẩm quyền đối với công suất cấp phép khai thác mỏ vật liệu xây dựng, tránh làm ảnh hưởng đến tiến độ cấp phép khai thác mỏ trên địa bàn.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương thiếu nguồn vật liệu xây dựng, các chủ đầu tư, doanh nghiệp chủ động làm việc với các địa phương, nhập khẩu vật liệu xây dựng, có phương án khi phê duyệt dự án đầu tư; các địa phương trên tinh thần hợp tác, chỉ đạo việc hỗ trợ cung cấp vật liệu xây dựng cho các địa phương thiếu vật liệu xây dựng, không để tình trạng cát cứ đứt gãy chuỗi cung ứng vật liệu xây dựng. Đối với các công trình, dự án đường địa phương (trong đó có các dự án của tỉnh Cà Mau), đề nghị các chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu và đơn vị có liên quan chủ động làm việc với các địa phương có nguồn vật liệu san lấp để cung cấp cho các dự án theo quy định của pháp luật; không kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đối với những vấn đề thuộc trách nhiệm giải quyết của chính quyền địa phương, doanh nghiệp.

UBND tỉnh Trà Vinh chỉ đạo Công ty Nhiệt điện Duyên Hải thực hiện thí điểm sử dụng tro xỉ để làm vật liệu san lấp đối với một số dự án đường giao thông của địa phương (hoặc đường cao tốc); trên cơ sở đó phối hợp với các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường… đánh giá toàn bộ các chỉ tiêu cơ lý, môi trường... của tro xỉ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn làm vật liệu xây dựng.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và UBND các tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng... thường xuyên cập nhật tiến độ giải quyết các thủ tục về cung ứng cát san lấp đắp nền đường cho các dự án giao thông trọng điểm thuộc phạm vi quản lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Được biết, cả nước có khoảng 330 mỏ cát sông với tổng trữ lượng 2,3 tỷ m3. Cát sông có thể sử dụng cho bêtông, xây, trát và san nền. Trong đó, số đủ tiêu chuẩn cho sản xuất bêtông chỉ chiếm khoảng 30%, phân bố ở thượng nguồn các sông, còn lại chủ yếu là cát chất lượng thấp phục vụ cho xây trát và san nền. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng cát cốt liệu xây dựng (cát chế tạo vữa và bêtông) trên phạm vi toàn quốc khoảng 130 triệu m3/năm. Nhu cầu cát san lấp giai đoạn 2016-2020 khoảng 2,1-2,3 tỷ m3, trung bình mỗi năm 550 triệu m3. Vì thế, các dự án cao tốc Bắc Nam và nhiều dự án đang và sẽ triển khai trong thời gian tới gặp khó khăn nhất định khi nguồn cát sông làm vật liệu san lấp, xây dựng khan hiếm.

Với cát biển, hiện nay chúng ta đã khoanh định được 9 vùng biển có tiềm năng khai thác với trữ lượng khoảng 196 tỷ m3. Đây là nguồn vật liệu lớn có thể giải quyết những vấn đề mà chúng ta sẽ phải đối mặt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Một số chuyên gia cũng phân tích thêm, nói về tính chất của cát sông và cát biển, hai loại này đều có nguồn gốc phong hóa giống nhau từ các đá trong lục địa, có chung thành phần khoáng vật chính (khoáng vật thạch anh). Tuy nhiên, cát biển trước nay ít được chọn làm vật liệu xây dựng do hạt nhỏ, mịn, kèm theo lượng mùn, sét nhiều hơn cát sông.

Đặng Nhật
.
.
.