Cảnh giác trước chiêu trò lừa đảo thương mại quốc tế

Thứ Ba, 03/09/2024, 07:35

Thời gian gần đây, Thương vụ Việt Nam tại nhiều thị trường nước ngoài tiếp tục đưa ra cảnh báo doanh nghiệp (DN) cần thận trọng trong giao thương, chỉ cần DN xuất khẩu (XK) chủ quan sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy, rơi vào "bẫy" gian lận thương mại quốc tế.

Thương vụ Việt Nam tại Pakistan mới đây đã cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới trong buôn bán quốc tế. Đó là Công ty A (Việt Nam) có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu chế biến thủy sản xuất khẩu. Tháng 5/2024, Công ty A nhận được thư chào hàng nguyên liệu thủy sản chất lượng cao với giá hấp dẫn từ khách hàng X (Pakistan) là đại diện của Công ty Y (Pakistan).

Qua kiểm tra thông tin của Công ty Y theo địa chỉ website, Công ty A đánh giá đây là một DN XK thủy sản lớn và có uy tín tại Pakistan, nên lập tức ký hợp đồng và chuyển 5.000 USD tiền đặt cọc. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền đặt cọc, khách hàng X không giao hàng theo thời hạn hợp đồng và cũng không trả lời rõ ràng các câu hỏi của Công ty A. Thương vụ Việt Nam tại Pakistan đã nhanh chóng vào cuộc, có cảnh báo, tuy nhiên DN vẫn tiếp tục giao dịch với khách hàng X (Pakistan) và số tiền giao dịch đã lên tới 71.900 USD, song khả năng DN bị mất số tiền là rất cao.

Đối với hình thức lừa đảo trên, thủ đoạn của các đối tượng là mở tài khoản mạo danh các công ty có thật tại nước ngoài, liên hệ với các công ty/DN thương mại có nhu cầu xuất nhập khẩu tại Việt Nam để giao dịch. Đối tượng sử dụng những chiêu trò tinh vi, giả mạo chuyên nghiệp để lừa các công ty/DN tại Việt Nam ký hợp đồng, đồng thời đặt cọc tiền. Để lấy được lòng tin của nạn nhân, đối tượng làm giả các giấy tờ như bản sao B/L, bản sao giấy chứng nhận chất lượng, bản sao giấy chứng nhận xuất xứ... Tuy nhiên, sau khi nhận tiền đặt cọc từ phía DN Việt Nam, đối tượng biến mất, xóa sạch mọi dấu vết nhằm chiếm đoạt tài sản.

Cảnh giác trước chiêu trò lừa đảo thương mại quốc tế -0

Mặc dù đang tiếp tục hỗ trợ DN trong vụ việc này, tuy nhiên Thương vụ Việt Nam tại Pakistan khuyến nghị DN khi thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu, đối với số tiền nhỏ thì có thể chấp nhận rủi ro, nhưng riêng những hợp đồng có giá trị lớn, DN cần chấp nhận bỏ ra chi phí để sang tận nơi tìm hiểu đối tác xuất, nhập khẩu kết hợp thêm khảo sát thị trường, mở rộng quan hệ, giúp giảm thiểu rủi ro. Qua những chuyến đi này, DN có thể còn tìm thêm được nhiều mặt hàng mới, kết nối được với nhiều đối tác mới, mang lại lợi ích lớn gấp nhiều lần chi phí bỏ ra.

Từ cuối năm 2023 đến nay, DN Việt Nam gặp phải tình trạng gian lận, lừa đảo nhiều hơn diễn ra ở mọi thị trường từ châu Phi, Trung Đông, Ấn Độ đến các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Hà Lan, Italy… với thủ đoạn tinh vi hơn và không ít DN đã bị lừa vài chục nghìn USD, thậm chí lên đến hàng triệu USD. Hầu hết các vụ việc sau khi phát hiện bị gian lận thương mại, lừa đảo, DN Việt Nam mới đề nghị Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại các nước hỗ trợ, tìm DN lừa đảo để đòi lại số hàng hóa, tiền đã mất. Tuy nhiên, việc tìm lại được hàng hóa hay tiền DN đã bị lừa rất khó khăn và tốn kém.

Như tháng 4/2024, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) đã phát đi cảnh báo về nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo liên quan đến lô hàng nhập khẩu từ thị trường Các tiểu Vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE). Theo đó, DN Việt Nam đã ký 3 hợp đồng mua 1.000 tấn nhựa PET với đối tác UAE trị giá 665.500 USD. Thế nhưng, sau khi nhận đặt cọc 526.257 USD, đối tác UAE đã tiến hành giao 25 container hàng cho DN Việt Nam với trọng lượng hàng thực tế trong mỗi container chỉ bằng 15-20% so với hóa đơn chứng từ.

Liên quan đến thị trường Ảrập Xê-út, ông Trần Trọng Kim, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ảrập Xê-út cho rằng, khi giao dịch với DN nhập khẩu tại khu vực này cần ký hợp đồng thanh toán theo hình thức thư tín dụng LC, có đặt cọc, nếu có khách hàng trả trước thì càng tốt. Không trả trước bất kỳ khoản phí nào liên quan đến chi phí môi giới hợp đồng, phí phát hành hóa đơn vì đây là hành vi lừa đảo phổ biến. Đồng thời, ông Trần Trọng Kim khuyến nghị khi có các đơn hàng có dấu hiệu nghi ngờ, đề nghị DN thận trọng và xác minh kỹ qua kênh Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại khu vực.

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cũng cho hay, các đối tượng lừa đảo thường lập một trang web giả mạo với thông tin bịa đặt hoàn toàn hoặc lập một trang web giả danh các công ty xuất nhập khẩu, hoặc công ty cung cấp dịch vụ cho thuê bồn chứa xăng dầu có thật, với đầu mối liên hệ thường là số điện thoại di động hoặc số điện thoại dùng Internet (số của sim 4G). Lợi dụng tâm lý Hà Lan là một nước phát triển, hệ thống luật pháp chặt chẽ, các công ty làm ăn đảm bảo uy tín, một số doanh nghiệp khi thấy hợp đồng có điều khoản hấp dẫn đã tiến hành gấp sợ mất cơ hội nên không kiểm tra kỹ thông tin về đối tác. Hơn nữa, khi DN có ý định xác minh tư cách pháp nhân, họ cung cấp thông tin qua sao chép dữ liệu giấy phép đăng ký kinh doanh trích xuất từ cơ quan có thẩm quyền hoặc cho phép DN tiến hành xác minh trực tiếp bởi bên thứ ba độc lập nhưng thực tế lại không thể xác minh vì không có thật.

Trên thực tế, vấn đề lừa đảo thương mại không phải là vấn đề mới, nhưng tình trạng lừa đảo, tranh chấp thương mại vẫn liên tục diễn ra được xác định phần lớn do DN còn chủ quan, mạo hiểm khi tiếp cận thông tin của đối tác, soạn thảo hợp đồng sơ hở và thiếu cam kết chặt chẽ. Do đó, các chuyên gia cho rằng, khi giao dịch quốc tế, DN phải thật "nhạy cảm" trước những thay đổi và tình huống mới phát sinh, nhất là pháp lý. Đồng thời, DN Việt cần phát triển thêm cơ chế quản lý rủi ro cũng như không nên mạo hiểm trước rủi ro lớn trong giao thương.

Theo bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), việc tìm kiếm đối tác tin cậy là quan trọng nên DN cần tìm hiểu, xác minh đối tác và cần yêu cầu DN trung gian cung cấp thông tin cụ thể về đối tác; tìm hiểu hình thức bảo hiểm, công cụ phái sinh cho hàng hoá để giảm bớt thiệt hại.

Phan Đức
.
.
.