Cần tăng tốc cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Ngày 9/12 tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức hội nghị Tổng kết tình hình triển khai Nghị quyết số 02/ NQ-CP: Kết quả, bài học và kiến nghị.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, trên một số bảng xếp hạng năm 2022, thứ hạng của Việt Nam tiếp tục được cải thiện so với năm 2021. Trình độ phát triển thị trường (thể hiện qua chỉ số Tự do kinh tế) tăng 6 bậc, từ vị trí 90 lên vị trí thứ 84. Phát triển du lịch và lữ hành (theo công bố của Diễn đàn kinh tế thế giới, tháng 5/2022) cải thiện 8 bậc so với năm 2019 (từ vị trí 60 lên vị trí 52). Việt Nam được Diễn đàn kinh tế thế giới đánh giá là nền kinh tế dẫn đầu về mức độ cải thiện hiệu quả chỉ số này. Chỉ số Phát triển Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc duy trì thứ hạng 86, nhưng điểm số có cải thiện.
Ở trong nước, theo kết quả đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2021), chất lượng môi trường kinh doanh có chuyển biến tích cực so với những năm trước đây. Cụ thể là: Chính quyền địa phương tiếp tục phát huy tinh thần năng động và sự ủng hộ với khu vực kinh tế tư nhân; chi phí không chính thức tiếp tục có xu hướng giảm trong hầu hết các lĩnh vực thủ tục liên quan đến doanh nghiệp; hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính được cải thiện.
Theo đó, niềm tin về triển vọng phục hồi cũng được thể hiện qua những con số về thành lập doanh nghiệp như: Tính chung 10 tháng năm 2022, cả nước có 178.485 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 17,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 10 tháng năm 2022 gấp 1,46 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Tuy nhiên, từ giữa năm 2022, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do những biến động khó đoán định trên thế giới khiến chi phí đầu vào tăng cao, thị trường sụt giảm nghiêm trọng; nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm sản xuất, giảm lao động; số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng, do đó kéo theo nhiều hệ lụy xã hội. Tuy nhiên, trong khi doanh nghiệp rất cần trợ lực từ những gói cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh thì mức độ quan tâm của bộ, ngành, địa phương dường như chùng xuống; nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chưa đáp ứng yêu cầu như Chính phủ đã chỉ đạo và cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng.
"Việc cải thiện vị trí trên các bảng xếp hạng ngày càng thách thức, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế vừa trải qua giai đoạn khó khăn bởi dịch bệnh và đang đối mặt với nhiều biến động khó lường. Để tạo động lực cho nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng, cải cách môi trường kinh doanh là giải pháp không thể thiếu và cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt và tăng tốc hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương", Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục nỗ lực tháo gỡ rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông nguồn lực trong xã hội nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Ở mức độ nhất định, doanh nghiệp và người dân cảm nhận được nỗ lực đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn nhằm phục hồi và phát triển.
Trên một số lĩnh vực cụ thể cũng ghi nhận những kết quả cải cách đáng chú ý như công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành năm 2022 đã có một số chuyển biến.
Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) có những bước tiến mạnh mẽ. Năm 2021 và 8 tháng đầu năm 2022, đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.758/17.687 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh (đạt tỷ lệ 10%) tại 143 văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, cả nước đã thành lập 11.700 Bộ phận một cửa các cấp để tiếp nhận, giải quyết TTHC, trong đó có 56/63 tỉnh thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh; 53/63 địa phương đã thực hiện hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh thành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC duy nhất. Cổng Dịch vụ công quốc gia đã kết nối, tích hợp với các hệ thống thông tin giải quyết TTHC của các Bộ, ngành, địa phương, cung cấp 3.805 dịch vụ công trực tuyến, đồng bộ trạng thái hơn 129.6 triệu hồ sơ (tăng hơn 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2021), hơn 2.7 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến (tăng hơn 16 lần so với cùng kỳ năm 2021). Đồng thời, đã hoàn thành tích hợp, cung cấp 21/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06.
Trên thực tế, bên cạnh kết quả đạt được thì đại diện CIEM cũng chỉ ra một số bất cập đáng chú ý về môi trường kinh doanh. nhiều văn bản pháp luật hiện hành chưa đảm bảo tính thống nhất, phù hợp và khả thi (nhất là trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường,…), là nguyên nhân chính làm phát sinh nhiều chi phí cho doanh nghiệp, dẫn đến khó khăn cho địa phương trong giải quyết thủ tục đầu tư, kinh doanh. Bên cạnh áp lực nặng nề bởi chi phí xăng dầu tăng, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí BOT dày đặc, doanh nghiệp vẫn đang chịu rất nhiều gánh nặng chi phí khác, ví dụ như chi phí tuân thủ các quy định về điều kiện kinh doanh, phí hạ tầng cảng biển,…
Đồng thời, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến còn nhiều hạn chế, mang tính hình thức. Mặt khác, còn thiếu sự kết nối liên thông thủ tục hành chính trực tuyến giữa các cơ quan quản lý nhà nước.
Để tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Bộ KH&ĐT kiến nghị: Các bộ, ngành, địa phương cần coi doanh nghiệp là trung tâm và thực hiện cải cách thể chế vì sự phát triển và khuyến khích sự sáng tạo của doanh nghiệp; coi cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên. Kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, giảm chi phí tuân thủ trên mọi lĩnh vực; gắn cải cách TTHC với xây dựng Chính phủ điện tử. Thường xuyên tổ chức đối thoại, trao đổi với người dân và doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt các phản hồi chính sách và giải quyết các khó khăn, vướng mắc.