Cần sớm xây dựng các kịch bản phục hồi kinh tế

Thứ Hai, 06/09/2021, 07:42

Chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ ưu tiên số một và thực hiện "mục tiêu kép" theo hướng linh hoạt, sáng tạo, tùy từng thời điểm, từng địa phương sẽ là phương án tối ưu nhất cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 và thời gian tới. Theo các chuyên gia kinh tế, thời gian này, Chính phủ cần sớm xây dựng các kịch bản phục hồi kinh tế cũng như tìm kiếm động lực thay thế giúp tăng trưởng bền vững.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), đại dịch COVID-19 lần thứ 4 tiếp tục diễn biến phức tạp đe dọa sức khỏe, tính mạng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội của đất nước. Lạm phát tiềm ẩn nguy cơ tăng; giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu; xuất hiện đứt gãy một số chuỗi cung ứng; xuất khẩu có xu hướng chậm lại; tình trạng nhập siêu có khả năng tiếp diễn. Một số mặt hàng nông sản tiêu thụ khó khăn, nhất là ở những địa bàn có dịch bùng phát. Việc làm, sinh kế của nhiều người dân bị ảnh hưởng lớn, nhất là ở những địa bàn có dịch...

Trong bối cảnh đó, mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 6% tới 6,5% của năm 2021 trở nên vô cùng thách thức. Chính phủ cũng nhận định, thời gian tới, rủi ro, khó khăn, thách thức còn nhiều. Nhưng với quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép", ưu tiên tập trung phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, Chính phủ thống nhất chưa thay đổi mục tiêu đã đề ra.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), để phục hồi kinh tế, nỗ lực để đạt được tăng trưởng cao nhất trong năm nay, ưu tiên hàng đầu là phải tiếp tục các biện pháp quyết liệt phòng, chống dịch bệnh và kiên trì thực hiện "mục tiêu kép". Theo đó, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ là một điểm đến hấp dẫn cho các dòng vốn đầu tư khi đã tham gia hàng loạt Hiệp định thương mại trong thời gian vừa qua. Dịch bệnh cũng đã khiến các nhà đầu tư quốc tế nhận ra rằng, không nên tập trung vào một quốc gia và Việt Nam sẽ đón được dòng vốn chuyển dịch này. Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của Việt Nam...

Cần sớm xây dựng các kịch bản phục hồi kinh tế -0
Ưu tiên tập trung phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Về góc độ thu hút FDI, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, thu hút vốn FDI vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm đạt 19,12 tỷ USD, thấp hơn 2,1% so với cùng kỳ năm 2020. Nhưng đây là kết quả tích cực trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, dòng vốn FDI toàn cầu đang giảm mạnh.

Theo ông Toàn, triển vọng thu hút FDI vào Việt Nam vẫn rất sáng, Việt Nam vừa được đánh giá nằm trong Top 20 quốc gia thu hút FDI nhiều nhất thế giới vào năm 2020 do Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2021 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) vừa công bố. Đặc biệt, mới đây bà Kamala Harris - Phó Tổng thống Hoa Kỳ sang thăm Việt Nam, sự kiện cũng đưa ra những thông điệp mạnh mẽ về mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ trong thời gian tới, trong đó có cả quan hệ về hợp tác đầu tư.

Ngoài ra, so với các quốc gia trong khu vực, hiện Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn với nhiều ưu điểm vượt trội, như: Chế độ chính trị ổn định, quy mô dân số đông với khoảng gần 100 triệu dân, chính sách thu hút đầu tư ngày càng được cải thiện theo hướng tích cực và chi phí đầu tư, thuê nhân công tại Việt Nam vẫn rẻ hơn nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực… Nên Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn mà doanh nghiệp FDI khó có thể bỏ qua. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng nên xem xét cơ chế, miễn giảm thời gian cách ly đối với những nhà đầu tư nước ngoài đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và có phiếu xét nghiệm âm tính khi vào Việt Nam thực hiện các dự án.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Tăng trưởng sản xuất và xuất nhập khẩu trong thời gian tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào kết quả của việc kiểm soát dịch bệnh cũng như tiến trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Trên cơ sở tình hình xuất khẩu những tháng đầu năm, Bộ Công Thương dự báo, trường hợp dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động sản xuất sớm được khôi phục trở lại, xuất khẩu cả năm 2021 ước đạt khoảng 313 tỷ USD, tăng 10,7% so với tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của năm 2020. Về cán cân thương mại, nếu dịch bệnh được kiểm soát trong quý III, xuất khẩu sẽ được đẩy mạnh. Tuy nhiên theo chu kỳ, nhập khẩu quý IV thường tăng cao, do đó dự kiến, năm 2021 có thể nhập siêu khoảng 2 tỷ USD.

Về việc tìm kiếm động lực tăng trưởng trong những tháng cuối năm, chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, thời gian này, Chính phủ cần sớm xây dựng các kịch bản phục hồi kinh tế cũng như tìm kiếm động lực thay thế giúp tăng trưởng bền vững. Theo TS. Cấn Văn Lực, hiện, Việt Nam vẫn phải kiên trì và thực hiện linh hoạt "mục tiêu kép" là vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên hàng đầu hiện nay vẫn phải là tiếp tục phòng, chống và kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả, cùng với việc đẩy nhanh tiến trình vaccine.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) cũng cho rằng, trên cơ sở phòng dịch và đảm bảo an toàn, trước mắt chúng ta vẫn phải tìm mọi cách để duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường nhất có thể, đặc biệt là trong các khu công nghiệp. Chỉ đạo của Chính phủ vừa chống dịch, vừa duy trì các hoạt động kinh tế là rất đúng hướng. Trong thời gian tới "mục tiêu kép" sẽ được thực hiện linh hoạt theo hướng vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng đã nhận định, cùng với việc thực hiện một cách linh hoạt "mục tiêu kép", nền kinh tế Việt Nam có nhiều tín hiệu lạc quan để có thể quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng tốt nếu kiểm soát được dịch bệnh. Chính phủ đang đi đúng hướng trong xác định và đồng thời triển khai chiến lược vaccine cũng như các chính sách kinh tế trọng tâm.

Lưu Hiệp
.
.
.