Cần gói hỗ trợ lớn chưa từng có trước khó khăn do dịch bệnh

Thứ Bảy, 31/07/2021, 08:25

Đây là kiến nghị được các chuyên gia đưa ra tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Điểm đến kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2021" do Bizlive tổ chức. Các chuyên gia cho rằng, trước khủng hoảng, các gói hỗ trợ Chính phủ đưa ra trước đó "nhắm" vào việc dịch bệnh sẽ ổn định trong quý 2/2021 mà chưa tính tới làn sóng bùng phát thứ 4. Vì vậy, các gói hỗ trợ này chưa đủ liều, hy vọng sẽ có thêm các gói hỗ trợ tăng cường.

2-1.jpg -0
Doanh nghiệp cần những "liều vaccine" đủ mạnh để vượt qua đại dịch. 

Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn

Nhìn nhận về bức tranh của doanh nghiệp (DN) Việt Nam những tháng đầu năm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, DN tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt khi dịch bùng phát tại các khu công nghiệp, trung tâm kinh tế quan trọng của đất nước. "Có thể dùng một từ để mô tả về lực lượng chống dịch đó là "quá tải". Chính quyền phải căng mình chống dịch, nhiều cán bộ, lãnh đạo nhà nước cấp cơ sở thời gian ngủ chỉ 3-4 tiếng/ngày. DN cũng kiệt sức để đối phó với dịch", ông Tuấn nhận định và cho biết khảo sát của VCCI cho thấy, 87% DN cho rằng dịch đã tác động tiêu cực, hoặc rất tiêu cực đến hoạt động của DN, tình trạng sa thải người lao động cũng khá phổ biến.

"Con số thống kê thường trễ hơn so với thực tế nhưng chắc chắn ảnh hưởng đến DN, xuất khẩu, sản xuất, lao động thực tế chắc chắn sẽ tăng cao hơn trong những tháng còn lại. Con số 7 tháng chưa phản ánh hết thực tế nên những tháng tới cần có giải pháp quyết liệt hơn để hỗ trợ DN", ông Tuấn đề xuất.

Nhìn cả 2 góc độ, chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực cho rằng, có một số điểm sáng và điểm tối. Về điểm sáng, mặc dù dịch bệnh thế giới và Việt Nam diễn biến rất phức tạp nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Chính sách tiêm vaccine COVID-19 được Chính phủ và Quốc hội quan tâm nhiều hơn và đang đẩy mạnh triển khai. Thứ hai, trong bối cảnh thế giới, giá cả hàng hóa tăng tương đối nhanh nhưng lạm phát vẫn được kiềm chế tốt so với trước.

"Theo đà này, chúng tôi dự báo cả năm nay, lạm phát bình quân sẽ ở mức khoảng 3%. Giá cả thế giới tăng nhanh nhưng lực cầu yếu, vòng quay đồng tiền còn tương đối chậm", ông Lực nói. Ngoài ra, còn có những điểm sáng khác về thương mại, xuất nhập khẩu; tỷ giá rất ổn định, lãi suất đang trên đà giảm tương đối tích cực. Vì thế, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, trong 6 tháng đầu năm, 3 tổ chức quốc tế nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam từ tiêu cực lên ổn định, tích cực. Tuy nhiên cùng lúc đó, dịch bệnh, chiến tranh thương mại, rủi ro về thiên tai, lũ lụt, rủi ro về bong bóng tài sản, bất ổn tài chính toàn cầu.. là những thách thức.

"Trong nội bộ, lĩnh vực tiêu dùng bị ảnh hưởng tiêu cực. Tiêu dùng tháng 7 giảm 8,3% so với tháng trước, giảm gần 20% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ chỉ tăng 0,7%. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng rất chậm, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng chỉ 2,2% so với cùng kỳ. Trước đây, mức này thông thường tăng 9-10%. Mô hình sản xuất "3 tại chỗ" đang gặp rất nhiều trục trặc và trở ngại. Bên cạnh đó, vốn FDI 7 tháng đăng ký giảm 11% so với cùng kỳ năm trước, vốn thực hiện tăng gần 4%, dòng vốn dịch chuyển giảm gần 50%. Trong khi đó, giải ngân đầu tư công chậm rất rõ rệt. Số lượng DN mới tháng 7 chỉ tăng 0,7%, còn số lượng DN ngừng hoạt động rất đáng chú ý", ông Lực thông tin.

Cần liều "vaccine" đủ mạnh

Chia sẻ về các kịch bản kinh tế, TS Võ Trí Thành cho biết, dù sức chống chịu của DN đang tăng lên song "chúng ta thấy nền kinh tế đang đi xuống theo hướng tiêu cực, không mong muốn đang diễn ra nhiều hơn. Đầu năm, phần lớn các tổ chức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam theo kịch bản cơ sở ở mức trên 6%. Đến thời điểm này, kịch bản cơ sở mà các tổ chức này đưa ra đa phần tăng trưởng GDP đều ở mức 5 đến 5,5%. Thậm chí, với kịch bản tiêu cực, trước kia các tổ chức dự báo xấu nhất tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn phải trên 5% nhưng giờ xấu nhất chỉ trên 4%. Dù vậy, chúng ta vẫn hy vọng vào kịch bản lạc quan sẽ diễn ra".

Theo TS Võ Trí Thành, chuẩn bị cho kịch bản xấu cũng là một cách tốt để gắn liền với các kiến nghị, trong đó, muốn thoát "xấu" nhanh thì phải chống dịch tốt. Hai là phải có cách thức hỗ trợ mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Ba là kiểm soát kinh tế vĩ mô phải gắn với chính sách khéo léo, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, vừa giúp thị trường, DN vượt khó.

Cùng quan điểm, TS Cấn Văn Lực cho rằng cần phải nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh và đẩy nhanh quá trình tiêm vaccine COVID-19. Nghị quyết 52 của Chính phủ về giãn hoãn thuế, ngoài ra cần nghiên cứu về gói hỗ trợ mới. Trong lĩnh vực hàng không, cũng cần phải hỗ trợ thêm cả Bamboo Airways hay Vietjet. Ngoài ra, không thể chủ quan với lạm phát nhưng cùng lúc không nên bóp nghẹt quá. Cuối cùng cũng cần phải lưu ý đến bong bóng, bất động sản, chứng khoán.

"Mạnh tay" hơn, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng: "Dịch bệnh gây khó khăn chưa từng có, vì vậy những gói hỗ trợ cũng phải lớn chưa từng có. Hiện tại, giải pháp trung và dài hạn đã có nhưng các DN có sống sót được để tiếp cận các giải pháp đó hay không lại là vấn đề cần bàn đến. Các vấn đề như "hộ chiếu vaccine" cần được thúc đẩy để hỗ trợ DN và những ứng xử của Chính phủ, địa phương trong thời gian tới đối với DN hy vọng sẽ như "những liều vaccine" bởi các DN cũng đang rất cần những liều vaccine kịp thời", ông Tuấn kiến nghị.

Hà An
.
.
.