Cần chủ động ứng phó “đòn” phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu

Thứ Hai, 25/07/2022, 07:01

Các vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) từ nước ngoài đối với hàng hoá của Việt Nam vẫn không ngừng gia tăng đã gây nhiều bất lợi cho hàng hóa xuất khẩu (XK). Để gỡ “đòn” PVTM, đòi hỏi bản thân doanh nghiệp (DN) cần chủ động có phương án dự phòng. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng có trách nhiệm trong việc cập nhật thông tin thị trường XK để đưa ra những cảnh báo sớm…

Theo Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công thương, ngày 18/7 vừa qua, Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ (DGTR) tổ chức phiên điều trần trong vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với tấm trải sàn vinyl có xuất xứ từ Trung Quốc và Việt Nam. Đây là cơ hội để các bên liên quan bày tỏ quan điểm về vụ việc, một trong các cơ sở quan trọng để DGTR đưa ra các kết luận điều tra trong vụ việc.

Cần chủ động ứng phó “đòn” phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu -0
Ảnh minh họa.

Trước đó, tháng 1/2022, DGTR đã khởi xướng điều tra vụ việc sau khi nhận được đơn khiếu nại của một số công ty cáo buộc các đối thủ bán phá giá sản phẩm tấm trải sàn vinyl tại thị trường Ấn Độ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại trong nước. Nếu việc bán phá giá được xác định là nguyên nhân gây thiệt hại cho các nhà sản xuất trong nước thì DGTR sẽ đề xuất việc áp đặt nghĩa vụ chống bán phá giá đối với các mặt hàng nhập khẩu (NK) này. Như vậy, nếu DN Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá ở mức cao thì sẽ rơi vào thế yếu khi bị giảm khả năng lợi thế cạnh tranh, mất một phần hoặc toàn bộ thị trường XK Ấn Độ vào tay các đối thủ Ấn Độ hoặc các quốc gia khác.

Tương tự tại thị trường Mỹ, cuối năm 2021, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ban hành kết luận sơ bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm mật ong của Việt Nam và đã áp thuế chống bán phá giá mật ong Việt Nam từ 410,93 - 413,99%. Sau đó, vào tháng 4/2022, mức thuế chống bán phá giá với sản phẩm mật ong mà DOC áp dụng chính thức cho các DN Việt Nam đã giảm xuống còn 58,74 - 61,27%. Tuy nhiên, với mức thuế này, mật ong Việt Nam vẫn khó cạnh tranh với mật ong của nhiều nước khác XK vào Mỹ. Cụ thể, mức thuế chống bán phá giá mà Mỹ áp dụng cho Ấn Độ chỉ ở mức 5,85% trong khi mức áp dụng đối với Việt Nam lên 58,74 - 61,27%. Với mức thuế này, mật ong của Việt Nam không thể cạnh tranh được mật ong của Ấn Độ tại thị trường Mỹ.

Việc áp các biện pháp PVTM để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước trước sức ép cạnh tranh của hàng NK, đã được nhiều nước trên thế giới sử dụng từ rất lâu. Còn với DN Việt Nam, việc áp dụng các biện pháp PVTM vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, Việt Nam đã tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 3 FTA thế hệ mới. Bên cạnh cơ hội về mặt ưu đãi thuế quan dẫn đến hàng hóa XK tăng nhanh, tạo áp lực cạnh tranh lớn đối với các ngành sản xuất tại nước NK khiến các ngành sản xuất này có thể phải yêu cầu chính phủ sử dụng các biện pháp PVTM. Chính vì vậy, DNXK Việt Nam cũng phải đối mặt với các vụ việc PVTM ngày càng gia tăng. Tính đến tháng 7/2022, Việt Nam có 22 quốc gia áp dụng điều tra biện pháp PVTM tổng cộng 214 vụ việc, trong đó Hoa Kỳ điều tra nhiều nhất với 44 vụ, Ấn Độ 29 vụ, Thổ Nhĩ Kỳ 24 vụ, Canada và Úc đều 18 vụ… Các sản phẩm XK của Việt Nam bị kiện PVTM gồm: Sắt, thép, nhôm, tôn, đồng, dệt may, nhựa, giấy, gạch men, gốm, kính nổi, granit, hóa chất, nông thủy sản… Trong đó, DN Việt Nam bị điều tra nhiều nhất là chống BPG với 122/214 vụ việc (chiếm 57%). “Kỷ lục” nhất là trong năm 2020, hàng hóa Việt Nam XK có đến 39 vụ việc bị điều tra, trong đó thị trường “khó tính” Hoa Kỳ điều tra 8 vụ, Úc 7 vụ.

Điều đáng nói là không chỉ đối với những mặt hàng có kim ngạch XK lớn, mà kể cả các mặt hàng có kim ngạch XK nhỏ cũng trở thành đối tượng bị điều tra PVTM. Vì vậy để ứng phó với các các vụ kiện PVTM, ông Nguyễn Đức Dũng – Phòng xử lý PVTM nước ngoài - Cục PVTM lưu ý các DN: Trước khi vụ việc xảy ra, DN cần trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật PVTM, quy định PVTM trong các FTA giữa Việt Nam và đối tác để nắm rõ các nghĩa vụ và quyền lợi của mình. DN phải thường xuyên trao đổi thông tin với Hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước.

Dự trù việc thuê luật sư khi cần thiết và xây dựng hệ thống quản trị tiên tiến, hiện đại, lưu trữ hồ sơ, sổ sách đầy đủ và rõ ràng. Khi vụ việc bị khởi xướng, điều tra, DN nên tham gia vụ việc tích cực, đầy đủ (bằng cách trả lời bản câu hỏi đúng thời hạn, đầy đủ, hợp tác với cơ quan điều tra nước ngoài…), tránh việc bị cơ quan điều tra nước ngoài sử dụng các dữ liệu sẵn có khi đánh giá, phân tích trong kết luận vụ việc.

Xem xét sử dụng luật sư tư vấn am hiểu pháp luật PVTM của WTO và nước điều tra. Thường xuyên theo dõi thông tin vụ việc cũng như tích cực trao đổi, phối hợp với Hiệp hội, cơ quan quản lý Nhà nước, các DN XK khác để cùng xử lý.

Về phía Bộ Công Thương, hiện cũng đang theo dõi biến động XK của các nhóm mặt hàng và định kỳ đưa ra danh sách cảnh báo để thông tin cho các cơ quan chức năng, các hiệp hội, DN...

Thúy Hà
.
.
.