Cần bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong mùa nước nổi
Hàng năm, vào mùa nước nổi tràn đồng, ở các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, ngư dân tất bật với công việc khai thác, đánh bắt thủy sản.
Hiện nay, ngoài những ngư cụ đánh bắt thủy sản truyền thống hợp pháp, vẫn còn một số ngư dân bất chấp sử dụng ngư cụ cấm đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt cao, gây nguy hại nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản tự nhiên.Đó là khai thác thủy sản bằng xung điện (cào điện, xiệt điện), ngư cụ với kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định (đăng, dớn, đú),… để kiếm lợi nhuận nhiều hơn.
Thống kê của Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đồng Tháp, 9 tháng đầu năm 2022 đã kiểm tra, phát hiện 84 vụ, 86 đối tượng khai thác, đánh bắt thủy sản có sử dụng công cụ kích điện, vận chuyển công cụ kích điện, sử dụng dòng điện trực tiếp từ máy phát điện (Dinamo) để khai thác, đánh bắt thủy sản trái phép. Cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 49 vụ với số tiền 260 triệu đồng. Công an địa phương giáo dục, nhắc nhở, cho làm cam kết 26 vụ. Điển hình vào tối 20/9, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường phối hợp cùng Phòng Cảnh sát giao thông và Công an xã Bình Thạnh (huyện Cao Lãnh) bắt quả tang C.H.C.A (SN 1982, ngụ huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) có hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản trái phép tại thủy phận sông Cái Nhỏ. Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản vụ việc, tịch thu tang vật có liên quan và bàn giao vụ việc cho Công an xã Bình Thạnh tiếp tục thụ lý.
Qua các vụ việc được phát hiện, các đối tượng sử dụng xung điện để khai thác, đánh bắt thủy sản đa phần thường hoạt động vào ban đêm, khu vực vắng vẻ, ngụy trang rất tinh vi nhằm đối phó với lực lượng chức năng. Các đối tượng trang bị phương tiện, máy công suất cao để tháo chạy khi bị phát hiện. Đa số các đối tượng vi phạm chủ yếu là dân nghèo, hiểu rõ việc khai thác thủy sản bằng ngư cụ cấm, sử dụng điện là vi phạm pháp luật nhưng vì muốn đánh bắt thủy sản thu hoạch nhanh, lợi nhuận cao nên vẫn cố tình vi phạm. Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã có 4 vụ, 4 người chết vì đánh bắt thủy sản bằng xung điện.
Thực hiện tốt công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản, hàng năm tỉnh Đồng Tháp đều khuyến khích tổ chức, cá nhân thả bổ sung giống thủy sản ra ngoài tự nhiên. Việc quản lý chặt chẽ về hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong mùa nước nổi, nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về Luật Thủy sản năm 2017, Nghị định 42 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản nhằm giúp cho ngư dân thực hiện khai thác thủy sản bền vững, hiệu quả và lâu dài hơn, có thêm nguồn lợi dồi dào từ việc đánh bắt thủy sản, để phát triển thêm kinh tế gia đình trong mùa nước nổi.